Bom tấn Hollywood từng thống trị rạp chiếu Trung Quốc nhiều năm liền và mang về doanh thu khổng lồ. Nhưng năm nay, thị trường có sự đảo chiều mạnh mẽ khi các phim nội địa trỗi dậy, chiếm ưu thế tại phòng vé.

Không chỉ Trung Quốc, phim Hollywood cũng ế ẩm tại nhiều thị trường như Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản… Thực trạng đó cho thấy khán giả đã dần không còn quá mặn mà với các sản phẩm đến từ kinh đô điện ảnh thế giới.

Phim Hollywood vắng bóng trên bảng xếp hạng

Thị trường Trung Quốc từng là "mỏ vàng" lớn đối với Hollywood, giúp nhiều bộ phim bom tấn đạt doanh thu khổng lồ. Đơn cử, Fast & Furious 7 (2015) thu về hơn 390 triệu USD chỉ riêng tại nước này, chiếm gần 30% tổng doanh thu toàn cầu, hay Avengers: Endgame (2019) cũng tạo cơn sốt khi hốt hơn 600 triệu USD vào thời điểm ra mắt.

Nhưng hiện tại, thực tế đã thay đổi khi phim Hollywood dần giảm nhiệt và mất đi vị thế vốn có tại thị trường tỷ dân.

Theo thống kê của Maoyan - nền tảng theo dõi doanh thu phòng vé Trung Quốc – chỉ có duy nhất một phim lọt Hollywood vào top 10 các tác phẩm ăn khách nhất trong năm, đó là Godzilla x Kong: The New Empire.

Song, bom tấn này chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ chín trên bảng xếp hạng, xếp sau nhiều phim nội địa Trung. Doanh thu của dự án cũng đáng thất vọng, chưa thể vượt qua một tỷ nhân dân tệ, chỉ dừng lại ở mức 957 triệu nhân dân tệ.

Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa-1
Godzilla x Kong: The New Empire là bom tấn duy nhất lọt vào top 10 bảng xếp hạng doanh thu ở Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều bom tấn được đầu tư mạnh nhưng cũng bị cản đường tại phòng vé Trung Quốc, điển hình là Deadpool & Wolverine. Dù lập kỷ lục là phim xếp nhãn R (cấm khán giả dưới 18 tuổi) có doanh thu cao nhất mọi thời, tác phẩm lại bị phim hài Successor – có Thẩm Đằng và Mã Lệ đóng chính - vượt mặt với doanh thu cao gấp sáu lần trong cùng thời điểm.

Các phim lớn khác như Despicable me 4, Dune 2, Mad Max: Furiosa hay Joker 2 đều có doanh thu thấp. Nhiều phim thậm chí không đạt nổi 500 triệu nhân dân tệ, hoặc phát hành trong cảnh ế ẩm rồi phải rút rạp.

Sự trỗi dậy của phim nội địa Trung

Theo Global Times, tính đến đầu tháng 11 tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc đã vượt mốc 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,5 tỷ USD) trong năm 2024.

Mặc dù con số này có giảm sút so với năm ngoái (54,9 tỷ nhân dân tệ), nó vẫn cho thấy thị trường điện ảnh nội địa của quốc gia này đang phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19.

Tờ Straits Times nhận định “Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa”. Luận điểm này hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, chỉ cần nhìn vào top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất năm qua, dễ thấy một sự chuyển biến rõ rệt trong thị hiếu của khán giả Trung Quốc.

Trong top 10 có đến tám phim nội địa thay nhau thống trị phòng vé, dẫn đầu là ba bộ phim hài lần lượt gồm: YOLO, Pegasus 2 và Successor. Các phim đều có doanh thu cao, vượt mức 3,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 479 triệu USD).

Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa-2Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa-3
Hình ảnh trong phim Successor.

Theo phỏng vấn trên kênh CNBC, các chuyên gia cho biết “Trung Quốc đã học được tất cả những gì họ có thể từ Hollywood”. Bây giờ, họ tự làm những bom tấn với kinh phí lớn, những bộ phim hoạt hình với hiệu ứng rất tốt, có chất lượng không kém thậm chí vượt trội Hollywood.

Hơn nữa, các nhà làm phim nội địa cũng nắm bắt tâm lý khán giả rất tốt. Các bạn trẻ, nhất là thế hệ gen Z, có xu hướng thích những bộ phim gắn liền với thực tế, lịch sử, những gì đã xảy ra trong nước cũng như nền văn hóa nội địa.

Đó là một trong những lý do khiến Successor thắng lớn tại phòng vé, vượt mặt Deadpool & Wolverine. Bộ phim không chỉ giải trí mà còn sâu sắc, đề cập đến các vấn đề xã hội như việc giáo dục, nuôi dạy con cái, tình cảm gia đình, mâu thuẫn thế hệ…

Các phim nội địa như The Wandering Earth 2, The Battle at Lake Changjin, Hot Blood... cũng thành công nhờ công thức tương tự, không chỉ hấp dẫn về mặt nội dung mà còn tạo ra sự đồng cảm sâu sắc với khán giả.

Đằng sau thất bại của Hollywood

Nguyên nhân lớn nhất khiến Hollywood thất bại tại thị trường Trung Quốc cũng như nhiều nước châu Á là do chất lượng các dự án đều đang đi xuống. Các nhà làm phim đang cạn kiệt ý tưởng khi liên tục khai thác phần phim ăn theo, hậu truyện của những tác phẩm kinh điển.

Chỉ riêng năm 2024, khán giả ngán ngẩm với nhiều câu chuyện cũ. Chẳng hạn, Beetlejuice Beetlejuice kể tiếp bộ phim từ 36 năm trước, hay Gladiator 2 đánh dấu sự trở lại của thương hiệu sau 23 năm vắng bóng.

Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa-4
Bom tấn Gladiator 2 không thể gây sốt vì câu chuyện đã quá cũ kỹ, ít hấp dẫn sau 23 năm.

Cuộc đình công của các biên kịch Hollywood trong năm 2023 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các dự án. Phần lớn các kịch bản đều có nội dung quen thuộc, ít sáng tạo, câu chuyện hời hợt và thiếu chiều sâu.

Chưa kể, Hollywood đang thiếu những ngôi sao lớn, bảo chứng chất lượng phòng vé. Những cái tên như Tom Holland, Timothée Chalamet, Robert Pattinson… vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ những “huyền thoại” thập niên trước. Trong khi lứa cũ như Tom Cruise, Leonardo DiCaprio, Brad Pitt… lại là những gương mặt xa lạ, không còn sức hấp dẫn với đối tượng khán giả trẻ.

Nhiều phim Hollywood cũng thất thu tại thị trường Việt Nam. Gần nhất, bom tấn Gladiator 2 ra rạp trong cảnh ế ẩm, thu về chưa đến 5 tỷ đồng. Hay bom tấn Red One: Mật mã đỏ cũng không gây sốt, dừng lại ở mốc 20 tỷ đồng dù có đến hai ngôi sao lớn là Dwayne Johnson và Chris Evans.

Đây thực sự là tín hiệu báo động đối với kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới.

Theo Tiền Phong