Theo Space, siêu trăng đêm Trung Thu (15/8 âm lịch) sẽ tròn nhất khi nó di chuyển đến điểm đối diện với Mặt Trời trên bầu trời ở góc 180 độ. Khoảnh khắc này sẽ xảy ra vào khoảng 16h57 chiều 29/9 - chỉ trước thời điểm hoàng hôn của đêm Trung thu một chút.
Khi quan sát siêu trăng tròn nhất vào thời điểm hoàng hôn, người yêu thiên văn sẽ có cái nhìn rất đẹp mắt do hiệu ứng "ảo ảnh Mặt Trăng", xảy ra do việc nhìn thiên thể này khi còn treo thấp, xuyên qua lớp khí quyển dày.
Ảo ảnh này sẽ khiến siêu trăng mang một màu hồng cam huyền ảo và trông còn to hơn nữa.
Đây cũng là siêu trăng cuối cùng xuất hiện vào năm 2023, nó còn được gọi với cái tên "Trăng thu hoạch". Siêu trăng này sẽ không sáng bằng "siêu trăng xanh" hiếm gặp vào tháng 8, nhưng vẫn trông sáng và lớn hơn trăng tròn thông thường.
Đêm Trung thu năm nay trùng với thời điểm xuất hiện siêu trăng cuối cùng 2023. (Ảnh: The Epoch Times)
Ở cận điểm, Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất 361.552 km, gần hơn 21.000 km so với con số trung bình là 382.900 km.
Siêu trăng tháng 9 còn có bạn đồng hành là Sao Mộc và Sao Thổ, hiện ra rất rõ trong những ngày này. Trong đó Sao Mộc sẽ nằm ngay cạnh bên trái siêu trăng, trong chòm sao Bạch Dương.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) định nghĩa siêu trăng là trăng tròn có thể lớn hơn tới 14% và sáng hơn 30% so với Mặt Trăng mờ nhất trong năm. Nguyên nhân, khi siêu trăng diễn ra, Mặt Trăng ở điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo, gọi là cận điểm (perigee).
"Khác biệt giữa trăng tròn lần này và siêu trăng tháng 8 chỉ là 4.370 km. Vì vậy, nó sẽ rất gần với mức 14% và 30% của lần trăng tròn lớn nhất năm", Noah Petro, nhà khoa học thuộc dự án Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng tại NASA cho biết.
Còn về tên gọi "trăng thu hoạch" là vì nó xuất hiện vào khoảng thời gian mà nông dân ở Bắc bán cầu sẵn sàng thu hoạch mùa màng. Dù không gần hay sáng như siêu trăng tháng 8 nhưng nó có thể mang màu vàng đậm, cam hoặc đỏ, đặc biệt là khi mới mọc lên từ đường chân trời.
Cũng theo ông Petro, Mặt Trăng chỉ thay đổi màu sắc khi mọc hoặc lặn ở đường chân trời, hoặc trong thời gian diễn ra nguyệt thực. Lý do cũng tương tự như với hiện tượng Mặt Trời mọc và Mặt Trời lặn màu đỏ.
"Khí quyển Trái Đất tán xạ ánh sáng, ngoại trừ màu đỏ hoặc cam", Petro giải thích. Các yếu tố khí quyển như mây, khói, bụi cũng có thể làm thay đổi màu sắc và độ sáng của Mặt Trăng.
Mặt Trăng mọc là thời điểm tốt nhất để quan sát kích thước lớn của siêu trăng. Khi Mặt Trăng ở gần đường chân trời, những vật thể ở tiền cảnh như cây cối, tảng đá, có thể mang đến cảm nhận rõ ràng về độ lớn. Kết quả là, Mặt Trăng trông lớn nhất vào thời điểm này, theo NASA.
Theo VTC