H.Mai (giáo viên mầm non Q.Thủ Đức) kể lại: "Cả đời mình chưa thấy một người đàn ông nào vô tâm như vậy. Lo anh ta đi làm vất vả, mình lẳng lặng làm hết việc nhà. Bước chân về nhà là mọi thứ đã gọn gàng, tinh tươm.

Nhưng dường như với anh ta, không bao giờ là đủ. Anh ta chê cơm mình nấu món này nêm mặn, món kia nêm lạt rồi lại trách không biết chăm con để nó đau ốm suốt ngày. Trong khi thử hỏi từ khi sinh con tới giờ, anh ta đã phải thức cả đêm bế con hay dậy pha sữa, thay tã cho con lần nào chưa? Chính mình cũng không rõ lấy chồng rốt cuộc để làm gì…"

Mỗi ngày lên mạng đọc báo hay vào các nhóm trên Facebook dành riêng cho các chị các mẹ, tôi nhìn thấy vô vàn những cuộc hôn nhân màu xám. Mọi người đa phần than thở về sự vô tâm của các đức ông chồng: Coi vợ như osin, lười nhác việc nhà, trốn chăm con, hở ra là đi nhậu/ đánh bài, lén lút "bóc bánh trả tiền"…

Trước khi lấy được đức vua, chúng ta phải tự biến mình thành hoàng hậu trước đã-1

Vô vàn những câu chuyện buồn. Vô vàn những tiếng thở dài. Vô vàn những lời trách móc. Vô vàn nước mắt. Vô vàn nỗi đau. Trong cuộc hôn nhân màu xám ấy, nếu chúng ta - những người vợ, đã tự nhận mình sai (chọn chồng sai người, thương chồng sai cách, quá tin và kì vọng ở chồng…), vậy tại sao chúng ta không bình tĩnh nhìn nhận lại: Sai lầm của chúng ta bắt đầu từ đâu?

Nếu có dịp trò chuyện lâu với những ông chồng "nuôi-làm-cảnh", bạn sẽ thấy mọi thứ không đến nỗi xám xịt như chị em đang than vãn. Như chồng của cô bạn H.Mai ở trên chẳng hạn. Anh kể rằng vợ mình sợ chồng vệ sinh cho con không sạch sẽ, sợ giỡn với con vui quá rồi làm rớt con, sợ cho con bú bình không đúng cách sẽ làm con sặc sữa… "Ngay cả việc nhà cô ấy cũng không an tâm để anh làm. Những lúc bị vợ chì chiết, anh luôn có cảm giác mình là người thừa. Thực ra, những lúc không có vợ ở nhà, anh và con vẫn ổn. Con anh rất thích chơi với bố.

Thi thoảng anh cũng làm hỏng vài thứ, như làm đổ sữa ra sàn nhà hay vô tình để con té u trán. Theo anh thì cũng chẳng phải là vấn đề gì quá to tát. Nhưng nếu vợ ở nhà, thể nào cũng hét toáng lên. Cô ấy có vẻ thích làm quá mọi chuyện".

Và quan trọng nhất là khi gặp được một người đàn ông đủ-tiêu-chuẩn, có chắc là họ sẽ "chấm" chúng ta không? Các cụ xưa vẫn có câu "Nồi nào úp vung nấy". Có khi nào các bạn tự hỏi: Anh ta tệ như vậy, tại sao mình lại chọn yêu, cưới và sinh con?

Chẳng có ai trong chúng ta hoàn hảo. Ai cũng có một vài (hoặc vô số) những điểm mù. Xoáy sâu vào điểm mù của chồng thực sự phải là một ý hay. Thay vì vậy, sao bạn không giúp chồng xóa mù? Hãy để anh ấy vào bếp nấu cơm, để anh ấy phụ bạn gấp quần áo và chăm con. Cơm dở một chút không chết, nhà cửa bừa bộn một chút cũng không chết, con ăn mặc lôi thôi một tí cũng chả sao…

Tôi có một cô bạn đồng nghiệp tính tình lúc nào cũng lạc quan và vui vẻ. Tôi học được khá nhiều điều từ cô ấy. Từ việc cô ấy hay khích lệ chồng: "Anh như vậy là giỏi rồi", "Món này anh nấu ngon bá cháy bọ chét"… đến việc cô ấy thường xuyên chia sẻ với chồng những điều vụn vặt hằng ngày. Không phải cô bạn tôi may mắn vớ bẫm được một ông chồng tốt. "Chồng mình mê nhậu, thích ăn tiệm hơn là ăn cơm nhà nhưng mình cũng mê mua sắm và du lịch, không giỏi giữ tiền. Mình không hoàn hảo thì sao lại đòi hỏi chồng phải hoàn hảo", bạn tôi chia sẻ.

Hạnh phúc hoàn toàn không phải do may rủi mà ra. Vì ngay từ đầu, chúng ta đã nắm quyền làm chủ mọi thứ: Từ lúc chọn người yêu tới quyết định kết hôn và cách ứng xử trong cuộc sống hôn nhân của chính mình. Có ai bắt chúng ta phải quay số để chọn chồng không? Không! Vậy tại sao chúng ta lại quay sang trách móc người bạn đời của mình hệt như họ là "sản phẩm lỗi", rồi lại tự trách bản thân đã "lầm tin", đã chọn sai? Nếu chúng ta thừa nhận mình đã sai ngay từ đầu, thì ngoài chúng ta, ai là người cũng đang phải trực tiếp gánh chịu hậu quả? Là các ông chồng.    

Rất nhiều chị xuýt xoa khen chồng-nhà-người-ta khéo chiều vợ, giỏi kiếm tiền, rồi ghen tị vì chị vợ kia tốt số mà quên mất rằng ai chẳng thích ở gần một người phụ nữ vui vẻ, nhẹ nhàng. Ai chẳng thích mỗi lúc đi làm về là được nhìn thấy một nụ cười. Ai chẳng thích nghe vợ "sai vặt" một cách vui vẻ. Ai chẳng thích một người phụ nữ biết cách động viên, khích lệ chồng khi công việc không được như ý.

Các ông chồng sẽ đối xử với vợ theo cách mà chính vợ đối xử với mình. Một người đàn ông sẽ khó có thể cư xử tệ với một người phụ nữ luôn nhìn thấy điểm tốt của mình, khiến mình cảm thấy có giá trị hơn và tự tin hơn khi ở bên cạnh cô ấy. Nói như thế nào nhỉ?

Vậy đấy, chưa chắc là do chúng ta chọn nhầm người. Rất có thể, chúng ta chỉ đang làm sai cách mà thôi. Tôi luôn tin rằng, trên đời này, chẳng ai có thể tìm thấy cho mình một nửa hoàn hảo. Để có một mảnh ghép hoàn hảo, cả hai mảnh ghép phải trải qua biết bao lần mài giũa, gọt đẽo sao cho thật vừa vặn với nhau. Phim cổ tích kết thúc có viên mãn thế nào, nhân vật chính cũng phải trải qua biết bao khó khăn và thử thách, có đau đớn, có nước mắt, và có bài học kinh nghiệm. Và sau tất cả mới có nụ cười. 

Trúng số là do may mắn. Nhưng hạnh phúc chắc chắn là do chính mình tạo nên. 

Theo trí thức trẻ