Trưởng ban phụ huynh bật khóc vì chiếc điều hòa cuối năm học

"Khi các con ra trường, dù đã thống nhất phương án thanh lý điều hòa để có quỹ liên hoan cho các con, vẫn có phụ huynh chỉ trích tôi là ‘của người phúc ta’, lấy tài sản chung của lớp để lấy lòng ban giám hiệu”, chị Dung kể lại.

“Khi tôi cùng cô giáo và bác lao công đang kê lại bàn ghế, quét và lau lớp thì một số phụ huynh đến. Thấy tôi thuê người dọn dẹp, mẹ một bạn trong lớp lập tức phản đối, nói rằng ‘bác cứ vung tiền thế bảo sao quỹ lớp phải đóng nhiều, bao nhiêu người đây rồi cần gì thuê thêm ai?’. Tôi vừa ngại với cô giáo và bác lao công, vừa cảm thấy bức xúc", chị Nhung kể lại sự việc xảy ra ngay trước ngày khai giảng.

Buổi hôm đó, chị phải tự bỏ tiền túi ra trả công cho bác lao công, không muốn sử dụng quỹ lớp vì sợ gây thêm lời ra tiếng vào.

Trưởng ban phụ huynh bật khóc vì chiếc điều hòa cuối năm học-1
Họp phụ huynh đầu năm học tại một trường THPT ở Hà Nội. Ảnh: MT

Chị Nhung hiện là trưởng ban phụ huynh lớp con trai ở khối 7 tại một trường ở Thanh Xuân, Hà Nội. Với kinh nghiệm hơn 4 năm làm trưởng ban, chị chia sẻ, việc tham gia ban phụ huynh bắt đầu từ mong muốn theo sát các hoạt động của con khi gia đình chị vừa chuyển đến môi trường mới.

“Bạn nhà mình hơi nhát, hồi đó gia đình cũng mới chuyển từ nơi khác tới. Tôi nhận làm trong ban phụ huynh để có thể sâu sát với các hoạt động ở lớp của con, hiểu thêm về môi trường và các thầy cô giáo. Về sau, nhiều lúc cũng muốn 'từ chức' vì mệt mỏi và uất ức, nhưng do được bầu tiếp và cô giáo tín nhiệm, nên tôi lại cố gắng”, chị Nhung chia sẻ.

Theo lời chị, làm trưởng ban phụ huynh, chị phải chi tiêu tính toán còn hơn khi nội trợ ở nhà nhưng nhiều lần vẫn bị cha mẹ học sinh trong lớp bày tỏ sự ngờ vực, lúc nói bóng gió, khi chỉ thẳng mặt trước cuộc họp lớp.

Không chỉ vậy, chị còn phải tham gia các cuộc họp phụ huynh của trường, cố gắng ghi nhớ các thông tin để phổ biến lại cho lớp, thậm chí đôi lúc còn phải đấu trí, đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cả phụ huynh và học sinh.

Mỗi dịp lễ, Tết, sinh nhật hay tri ân thầy cô, chị đều phải sắp xếp thời gian để tổ chức sao cho các con vui mà không vượt ngân sách, đồng thời không vi phạm quy định của nhà trường.

“Như dịp Trung thu năm ngoái, tôi và các phụ huynh trong ban mua hoa quả, bánh kẹo, đồ trang trí để các con làm gian trưng bày. Sau khi công khai kinh phí, nhiều người cho rằng chúng tôi đã chi tiêu quá hoang phí, đâu cần mua đồ ngon, đắt tiền. Ngay cả khi tôi đã giải thích cặn kẽ rằng những thức này bày xong là để các con liên hoan luôn, rồi tất cả việc cắt tỉa, đồ trang trí các mẹ đều tự tay làm không công hay mang đồ ở nhà đi… nhiều người vẫn hậm hực rồi nói sang kỳ 2 sẽ không đóng quỹ”, chị Nhung kể. 

Chị Bích Đào (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định xin rút khỏi ban phụ huynh sau một năm xung phong. Chị Đào kể, khi mới tham gia, chị nghĩ đơn giản là để “làm gương” cho cô con gái vốn tính thụ động, ít hoạt động tập thể và mình là thành viên ban phụ huynh thì chỉ cần hỗ trợ những gì mọi người yêu cầu. Nhưng thực tế, nội bộ ban phụ huynh cũng nảy sinh mâu thuẫn, nhất là trong các quyết định tài chính.

“Mọi chuyện phức tạp hơn mình tưởng. Có lần, ngày 20/11, bác hội trưởng muốn tặng phong bì mỗi thầy cô dạy môn chính một triệu đồng, còn thầy cô dạy môn phụ 500 nghìn đồng. Bác phó lại cho rằng mức đó quá thấp và đề xuất gấp đôi. Không thống nhất được, họ lập nhóm riêng bàn bạc và công kích lẫn nhau. Mình thấy bác hội trưởng có lý hơn nhưng cũng chẳng muốn tham gia vào bất kỳ phe phái nào”, chị Đào kể.

Chị cũng chia sẻ rằng, trước khi vào ban phụ huynh, chị từng thắc mắc về việc các khoản chi ít khi được bàn bạc công khai, liệu có khuất tất gì, nhưng tới lúc tham gia thì hiểu thêm được một số “luật bất thành văn”. “Bàn bạc giữa một nhóm vài chục người, mỗi người một hoàn cảnh, ý kiến, lại hầu như không mấy hiểu về nhau, thường khó thống nhất một phương án. Hơn nữa, mọi chuyện đưa lên nhóm chat cứ sơ hở là bị chụp màn hình rồi đưa lên mạng bàn luận, chỉ trích, vì thế nhiều khi ban cứ quyết trước rồi thông qua sau”, chị Đào kể. 

Bản thân chị ở trong ban phụ huynh, thi thoảng được phân công mua đồ thêm cho các con có khi tự bỏ tiền túi ra vì sợ chênh quỹ lớp nhiều, cuối năm huy động đóng thêm sẽ bị mọi người thắc mắc. 

Chị Dung, một phụ huynh khác tại Hà Đông, Hà Nội, cũng từng có thâm niên 5 năm làm trưởng ban phụ huynh cho cả hai con. Chị kể rằng mình đã nhận vai trò này vì thấy nhiều khoản chi không thỏa đáng của ban phụ huynh trước đó. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm, chị nhiều lần tủi thân đến bật khóc vì bị chỉ trích vì những hiểu lầm không đáng có.

“Như chuyện lắp điều hòa cho các con, tôi phải ứng tiền trước vì nhiều tháng không thu được đủ tiền từ phụ huynh. Đến khi các con ra trường, dù đã thống nhất thanh lý điều hòa để có quỹ liên hoan cho các con, vẫn có người chỉ trích tôi là ‘của người phúc ta’, lấy tài sản chung của lớp để lấy lòng ban giám hiệu”, chị Dung kể lại.

Dù trải qua nhiều khó khăn và hiểu lầm, chị Dung vẫn cho rằng, khi đã nhận vai trò trưởng ban phụ huynh, người phụ trách cần dành thời gian, công sức và không tính toán vụ lợi. Đồng thời, cần phân biệt rõ trách nhiệm của ban phụ huynh và nhà trường trong các hoạt động của lớp.

Mỗi dịp đầu năm học mới, nhất là sau các cuộc họp phụ huynh, có khá nhiều nhiều ý kiến tiêu cực về vai trò của ban phụ huynh, thậm chí có người cho rằng ban này chỉ là “cánh tay nối dài của nhà trường”, gây ra tình trạng lạm thu, lạm chi.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, ban đại diện phụ huynh hoạt động theo Thông tư số 55, với vai trò phối hợp cùng nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Văn bản này cũng quy định rõ về kinh phí hoạt động của ban, nhấn mạnh không được thu các khoản không tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/truong-ban-phu-huynh-bat-khoc-vi-chuyen-chiec-dieu-hoa-cuoi-nam-hoc-2322565.html

học sinh

Tin tức mới nhất