Trượt lớp 10 là tương lai đã hết hay chính là cơ hội để mở ra chân trời mới cho con trẻ?

Trả lời câu hỏi này, độc giả Son Thuy chia sẻ: "Ngày trước khi thi đại học thì các bậc phụ huynh động viên nhau 'đại học không phải là con đường duy nhất vào tương lai', nhưng giờ đây 'cánh cổng vào cấp 3' cũng đang trở nên nhỏ bé.

Những nhà định hướng xã hội vẫn cứ thao thao rằng 'các em có thể đi học nghề' nếu không vào cấp 3. Nhưng hãy nhìn vào thực tế thu nhập của công nhân hiện nay xem sao? Xem chỗ ăn chỗ ở của họ ra sao? Xem con cái họ được hưởng các phúc lợi ra sao?

Điều đó càng được thể hiện trong lúc đại dịch căng thẳng, công ty dừng hoạt động, cắt giảm đơn hàng, cắt giảm sản xuất... Thật khó cho thế hệ tương lai tiếp theo!".

Tương tự ý kiến này, độc giả ABC kể lại câu chuyện đáng buồn của người bạn thi trượt lớp 10: "Hơn 20 năm trước, bạn tôi - một người học khá tốt, thi trượt lớp 10, lúc đó ở chỗ tôi chưa có trường dân lập, nên bạn ấy bỏ học luôn. Và thực sự đời bạn ấy rẽ nhánh từ đó, lận đận mọi thứ".

Trượt lớp 10: Hết tương lai hay chân trời rộng mở?-1
Trượt lớp 10 là tương lai đã hết hay chính là cơ hội để mở ra chân trời mới cho con trẻ?. Ảnh minh họa: Thúy Nga

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh lại lên tiếng về những khác biệt giữa trường công - trường tư.

Độc giả Hoàng Thụy tâm sự: "Chuyện đã qua một năm. Và con mình, cũng như mình, đến giờ thâm trạng vẫn không hoàn toàn thoải mái. Trường tư không xấu: đúng! Trường tư vẫn nằm trong danh sách quản lý: đúng!

Nhưng tại sao khi đã vào học trường tư thì sẽ không được vào trường công? Tại sao khi nói đến tư thục, là nói đến những đứa trẻ rớt trường công...

Có ai hiểu: tâm lý bất an của con trẻ khi thi cử, sức khỏe không tốt, làm ảnh hưởng chất lượng làm bài. Quỹ đất còn nhiều, tiền bạc cũng không thiếu, giáo viên thất nghiệp tràn lan nhưng chỉ thiếu mỗi lớp học và sự thấu hiểu!".

Bạn Phan Vu rất thẳng thắn khi bình luận: "Có con thi vào lớp 10 mới hiểu được áp lực kinh khủng của bố mẹ và nhất là con mình. Nếu chả may trượt công lập mà phải học dân lập thì trường tốt, nhiều gia đình không đủ khả năng; trường thường lại lo hỏng con. Tỉ lệ phải học dân lập tới 40% là quá nhiều...".

Một độc giả khác lại đưa ra đề xuất về việc bỏ thi lớp 10: "Tôi nghĩ Bộ Giáo dục nên kiến nghị Chính phủ bỏ thi vào lớp 10, mà nên phổ cập giáo dục đến lớp 12, vì các em mới 15 tuối rất dễ bị tổn thương và nhận thức chưa đầy đủ, dễ bị sa ngã nếu không được tiếp tục học đến lớp 12.

Cứ thử tính xem ở các tỉnh thành, tỷ lệ tuổi vị thành niên phạm pháp đều chỉ học đến hết lớp 9, vì các em chưa nhận thức được đầu đủ do không được học đến hết lớp 12, khó xin việc làm, ở nhà chơi lêu lổng, không có định hướng tương lai rõ ràng".

Đồng tình, bạn đọc tên Hoa nêu ý kiến: "Ở tuổi này các con vẫn được quyền tiếp tục được học tập và phổ cập kiến thức hết lớp 12, sau đó là sự lựa chọn tiếp theo.

Nhiều áp lực như này sẽ gây một cộng đồng ăn thua giữa các gia đình, nhà nhà bắt con đi học thêm, trường trường cho các con học phụ đạo cuối cấp để cho các con thi, áp lực vô cùng".

Phụ huynh nên thay đổi cách nhìn

Với tư tưởng cởi mở và thoải mái hơn, độc giả Văn Minh kể lại câu chuyện của gia đình mình: "Bản thân tôi và một số bạn bè luôn gợi mở cho con mục tiêu để các con lựa chọn học trường công thì phải thi cử cẩn thận áp lực, con không cố gắng được thì phải đi học dân lập, bổ túc hoặc học nghề con nên tự chọn, cố gắng học đúng khả năng của mình.

Bố mẹ chỉ đầu tư, tư vấn còn quyết định vào được trường nào là do các con, nhà tôi chả có khái niệm trường công hay tư, miễn con học tốt, đứa lớn thi được vào trường công rồi cũng Đại học Bách khoa, đứa bé thi không được học dân lập và cháu cũng vào Đại học Bách khoa điểm thi cũng rất cao, tất cả ra đi làm đều tốt".

Trượt lớp 10: Hết tương lai hay chân trời rộng mở?-2
Phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Gay gắt hơn, bạn Nguyễn Nam cho biết: "Trường nào cũng là trường, chính quý vị phụ huynh đã tạo ra trường điểm khi bỏ qua trường gần nhà. Hãy để con trẻ tự phát huy sức học, đừng vì 'sĩ diện hão' của mình mà hại con trẻ".

Cùng chung suy nghĩ, bạn MinhDe, Ngọc Lan... và nhiều độc giả khác cho biết: "Phụ huynh nên thay đổi cách nhìn nhận vấn đề và từ bỏ cách suy nghĩ theo lối mòn từ trước đến nay của ông bà ta.

Con mình khỏe mạnh, hiểu biết, biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ mọi người đã là điều đáng mừng. Không quan trọng bạn học ở đâu, bằng cấp gì, quan trọng bạn đã giúp ích, cống hiến gì cho xã hội".

Chắc chắn câu chuyện con trượt lớp 10 có phải "mất hết tương lai", con nên học trường công hay trường tư sẽ còn là chủ đề tranh luận của nhiều ông bố bà mẹ.

Theo Vietnamnet