Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 3 cựu cảnh sát trong vụ án Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn xảy ra tại trại tạm giam T16 Bộ Công an. Nhóm bị can bị truy tố Nguyễn Văn Kiên (nguyên thiếu úy), Nguyễn Đức Thắng (nguyên thiếu úy, nguyên cán bộ quản giáo tại trại tạm giam T16) và Nguyễn Thái Hoàng (nguyên trung sĩ cảnh sát bảo vệ trại tạm giam T16).

Tử tù khoét tường bằng bàn chải buộc đinh

Theo cáo trạng, sáng 11/9/2017, khi điểm danh, kiểm diện buồng giam, thiếu úy Nguyễn Đức Thắng phát hiện 2 tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, 38 tuổi, quê Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (29 tuổi, quê Hà Nội) đã đục tường bỏ trốn khỏi buồng giam số 3 nhà D.

Kết quả điều tra xác định hơn 1 tuần trước khi bỏ trốn, tử tù lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo khi mở cùm chân cho đi vệ sinh cá nhân, đã vặn ốc vít trên tường mang vào buồng giam cất giấu. Để sẵn sàng cho việc vượt tường bao, Thọ và Tình xé chăn buộc thành dây dài khoảng 10 m.


Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, phải) và Nguyễn Văn Tình. Ảnh: C.A.

Ngày 9/9/2017, 2 tử tù bảo nhau dùng dây chỉ ở khăn mặt để cắt nắp nhựa hộp cơm thành chìa khóa mở cùm cho Tình. Chiều hôm sau, Thọ tự phá cùm chân bằng cách lắc mạnh cho bản lề lỏng, tạo khe hở. Sau đó, tử tù có biệt danh Thọ “sứt” mở khóa cùm cho Tình.

Trong buồn biệt giam rộng khoảng 10 m2, 2 tử tù buộc đinh vít vào bàn chải đánh răng rồi cạo mạch vữa trên tường. Đến hàng gạch cuối cùng, Thọ dùng cùm thúc cho tường gạch rơi ra ngoài. Vữa bên trong buồn giam được tử tù cho vào bồn cầu.

Đêm hôm đó, chờ phạm nhân khác ngủ say, 2 tử tù đã chui ra khỏi phòng biệt giam rồi bám tường trèo lên nóc nhà giam 2 tầng để sang khu trạm xá, nhà bếp. Trên đường đi, Thọ và Tình nhặt một chiếc móc sắt buộc vào dây để chuẩn bị vượt tường rào có gắn dây thép gai.

Kết quả thực nghiệm điều tra cho thấy lời khai của Thọ và Tình phù hợp với dấu vết hiện trường.

Cảnh sát bảo vệ tự ý bỏ chòi canh

Lúc 23h ngày 10/9, thấy cảnh sát đi tuần, Thọ và Tình nấp trong bụi cây dưới hàng rào B40. Chờ đến 3h sáng 11/9 không thấy cán bộ ở chốt gác, Tình chụp áo vào camera giám sát rồi cùng Thọ đu dây vượt vượt tường ra ngoài.

Để 2 tử tù vượt ngục, cơ quan tố tụng xác định có trách nhiệm của bị can Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Đức Thắng. Là cán bộ quản giáo nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai bị can đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Bộ Công an và Trại tạm giam T16 về quản lý, kiểm tra buồng giam nên không phát hiện các dụng cụ cũng như hành vi bỏ trốn của Thọ và Tình.


Nguyễn Văn Tình bị bắt sau 5 ngày bỏ trốn. Ảnh: H.H.

Còn bị can Nguyễn Hoàng Thái, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã không tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Bộ Công an và Trại tạm giam T16 về việc canh gác và bảo vệ mục tiêu canh giữ. Thái tự ý bỏ vị trí được phân công tại chòi C nên 2 tử tù đã lợi dụng việc này để trốn khỏi nơi giam giữ.

Quá trình điều tra, 3 cựu cảnh sát đã thành khẩn khai báo, thừa nhận do thiếu trách nhiệm, chủ quan nên để xảy ra vụ vượt ngục. Theo khai nhận, vi phạm này không có động cơ cá nhân hoặc tác động từ người khác.

Đối với một số vi phạm của các cán bộ chiến sĩ khác của Trại tạm giam T16 chưa đến mức phải xử lý hình sự, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị Trại tạm giam T16, Bộ Công an, xem xét xử lý kỷ luật.

Sau khi bỏ trốn khỏi trại giam T16, 2 tử tù cùng nhau đến nhà người thân lấy tiền, quần áo và xe máy. Sau đó, Tình di chuyển lên Sơn La còn Thọ bỏ chạy về hướng Quảng Ninh.

Chiều 16/9/2017, cảnh sát bắt được Lê Văn Thọ khi tử tù này xuất hiện tại xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Rạng sáng hôm sau, Tình bị bắt khi điều khiển xe máy đến khu vực Mai Châu, Hòa Bình.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã khởi tố bạn gái của Thọ và 3 người họ hàng của Tình về tội Che giấu tội phạm. Ngày 8/5, 6 bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử sơ thẩm.


Hành trình trốn chạy của 2 tử tù khỏi trại giam Bộ Công an Sau 6 ngày bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 Bộ Công an, Thọ sa lưới khi xuất hiện ở quê nhà Hải Dương còn Tình bị bắt gần điểm nóng ma túy Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình).
 


Theo Zing