Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt

Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay của Việt Nam đều không thể thiếu màn khóc lóc của thí sinh hoặc giám khảo...

Vũ khí câu view của nhà đài

Hiện nay, theo một thống kê có trên dưới 40 chương trình truyền hình thực tế lớn nhỏ nằm rải rác tất cả kênh từ quốc gia đến địa phương. Từ thi hài, thi hát, thi tài năng lạ, thi nấu ăn, thi nhảy, thi thiết kế, thi người mẫu, đó là chưa kể đến những cuộc thi của thiếu niên nhi đồng.

Việc trùng lặp, nhàm chán là điều không thể tránh khỏi, dẫn tới hiện tượng… bội thực show thực tế cho người xem. Để câu kéo sự quan tâm của khán giả, các nhà sản xuất phải nghĩ ra nhiều chiêu trò, nhiều câu chuyện thu hút dư luận.

Có những chương trình lấy sự đấu đá của người nổi tiếng làm điểm nhấn, cũng có chương trình tập trung khai thác những hoàn cảnh đặc biệt, những câu chuyện thương cảm của thí sinh để được chú ý.

Chỉ cần một câu chuyện có sức nặng với công thức khóc lóc + kể khổ + van xin, đó sẽ là tâm điểm của cộng đồng mạng, được nhắc đi nhắc lại và phủ sóng rộng khắp mạng xã hội trong nhiều ngày liền.

Có một thực tế hiện nay, khán giả truyền hình thường rất dễ mủi lòng, thế nên công nghệ "lăng xê cảnh khổ" đang là công cụ hữu hiệu cho những người làm các show thực tế.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 1.
Những hoàn cảnh đáng thương của thí sinh luôn là vũ khí để chương trình thực tế
câu kéo khán giả.


Thu Hiền - cô bé đến từ Củ Chi khiến nhiều người thương cảm với gia cảnh khó khăn khi tham gia "Giọng hát Việt nhí 2014". Mồ côi bố từ năm 11 tuổi, mấy mẹ con Thu Hiền cưu mang nhau trong một căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm mốc.

Ước mơ đến trường học chữ, học nhạc dường như quá xa xỉ đối với Thu Hiền khi mà gia cảnh của cô bé chồng chất nỗi lo. Những đồng thù lao ít ỏi của cô bé nhờ vào việc đi hát các đám tiệc trong xã, cùng tiền bán vé số của mẹ chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày.

Cũng có hoàn cảnh tương tự, câu chuyện của Đông Hùng - thí sinh từng lọt top 3 "Vietnam Idol 2014" cũng tạo được sự xúc động cho khán giả.

Nam ca sĩ trẻ từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng biến cố trong cuộc sống khiến cả nhà lâm vào cảnh trắng tay với số nợ lên tới 14 tỷ đồng. Vứt bỏ sĩ diện, Đông Hùng bươn chải đủ nghề tại Sài Gòn, từ phụ hồ, rửa chén bát ở quán cơm hay trông xe.

Còn nhớ khi tập đầu của "Giọng hát Việt 2012" lên sóng, rất nhiều facebooker đã bày tỏ sự thương cảm đến Hương Tràm - cô bé 17 tuổi đến từ Nghệ An xa xôi một mình vào TP.HCM thi hát.

Khoảnh khắc Hương Tràm về đội Thu Minh trong nước mắt lập tức trở thành một trong những điểm nhấn của chương trình ngày hôm đó.

Một mũi tên trúng hai đích, Hương Tràm trở thành nhân tố thú vị, với hình tượng "công chúa bé nhỏ" sở hữu giọng hát có tố chất diva được nhiều người yêu thích, còn "Giọng hát Việt" trở thành chương trình được bàn luận nhiều nhất thời điểm bấy giờ.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 2.
Khi những giọt nước mắt của người nổi tiếng trở thành "con mồi" quý giá.


Mặc dù vậy, sự lạm dụng nước mắt để câu view cho chương trình khán cũng khiến nhiều khán giả ngán ngẩm. "Giọng hát Việt 2012" kết thúc cũng là lúc người xem "ngập" trong nước mắt.

Hầu như không có tập nào là không có nước mắt. Thí sinh khóc, huấn luyện viên khóc, thậm chí đến MC Phan Anh cũng có lần rơi nước mắt.

Một ví dụ khác đó là show thi tuyển chọn người mẫu trên truyền hình, "Vietnam's Next Top Model". Đây là cuộc thi mà sự chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu, do đó không tránh khỏi những lời nói có phần "phũ phàng" từ BGK.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 3.
Thí sinh Vietnam's Next Top Model là những người... mau nước mắt.


Sau mỗi phần thi là một bản hòa ca "nước mắt" của các thí sinh, bị loại cũng khóc, vào vòng trong cũng khóc. Tại vòng thi ứng xử thì vừa khóc vừa trả lời tới mức khán giả không thể nghe thấy thí sinh đang nói gì.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 4.
Thí sinh The Face Việt Nam cũng không là ngoại lệ.


Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 5.

Nước mắt không phải thứ để đùa

Đầu tiên phải khẳng định rằng: Một chương trình thực tế trước hết cần trung thực với khán giả theo đúng tinh thần như tên gọi. Khán giả ngày nay không dễ bị đánh lừa, họ dễ mủi lòng đấy nhưng khi bị lợi dụng họ sẽ quay lưng ngay.

Cái mà một show thực tế cần chính là những cảm xúc thật, những câu chuyện thật để chạm vào trái tim những khán giả thực thụ biết cảm nhận và bày tỏ cảm xúc một cách chân thực, chứ không phải là những cảm xúc được sắp đặt theo ý đồ nhà sản xuất.

Còn nhớ tại "Nhân tố bí ẩn 2014" khán giả đã bị "lụt" trong những câu chuyện đầy thương cảm về các thí sinh.

Đồng ý rằng có những thí sinh đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với chương trình này. Nhưng cách chương trình dành quá nhiều thời lượng để nhấn mạnh về gia cảnh khó khăn, về mất mát người thân của thí sinh khiến chiêu trò bị phản tác dụng.

Cũng giống như ăn một món ăn quá nhiều sẽ không thể nuốt nổi, "drama" hay "nước mắt" cũng cần có mức độ.

Có những lúc giám khảo "Nhân tố bí ẩn" chạy lên sân khấu ôm lấy thí sinh đang nước mắt đầm đìa, nếu chỉ là một điểm nhấn sẽ rất hay, nhưng lại lặp lại trong quá nhiều tập, khác nào một màn kịch mà các diễn viên đang diễn?

Đặc biệt, câu chuyện ca sĩ Anh Thúy đeo mặt nạ, đổi tên là Huyền Minh, tự kể một câu chuyện không có thật về đời mình để tham gia "Nhân tố bí ẩn" năm đó là bê bối ầm ĩ của chương trình này.

"Huyền Minh" mà Anh Thúy (hay nhà sản xuất) dựng lên là cô gái có hoàn cảnh khó khăn, bản thân phải đi làm phục vụ ở nhà hàng và không may bị tai nạn nghề nghiệp làm hỏng cả gương mặt.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 6.
Cô gái mặt sẹo Huyền Minh thực ra là ca sĩ Anh Thúy ngoài đời -
Đàm Vĩnh Hưng thấy ngạc nhiên chưa?


Lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả, nhưng rồi khi dư luận phát hiện cô gái mặt sẹo là ca sĩ Anh Thúy, cựu thành viên Mây Trắng, thì rất nhiều người đã quay lưng với chương trình.

Cảm giác "bị lừa rồi" cũng tương tự với trường hợp Loki Bảo Long. Ban đầu đến với chương trình anh tỏ ra vô cùng rụt rè, tự nhận là "sợ đám đông", nhưng càng về sau càng lộ rõ sự chuyên nghiệp cũng khiến khán giả rất thất vọng.

Đó là một trong rất nhiều những "bí kíp" để tạo hiệu ứng đám đông cho "Nhân tố bí ẩn", và rồi bị tác dụng ngược.

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 7.
Nhiều khán giả cho rằng biên tập của Giọng hát Việt Nhí 2014 đã đào sâu quá mức
 vào hoàn cảnh của Lê Thanh Huyền, cô bé mồ côi hát nhạc Trịnh.


Mới đây nhất, tại chương trình "Gương mặt thương hiệu", câu chuyện của thí sinh Nguyễn Thị Thành đội Phạm Hương gây nhiều tranh cãi.

Trên sóng truyền hình, thí sinh này bỗng dưng… ngồi khóc không ngừng và khi được hỏi thì cho biết vừa nhận được điện thoại báo tin gia đình có chuyện.

Điều đáng nói là trong suốt tập hôm đó, Nguyễn Thị Thành liên tục nhắc về "việc gia đình" và rơi nước mắt dù cô không nói rõ câu chuyện của cô là gì. Chính vì tinh thần của Thành bị ảnh hưởng đến các phần thi, Phạm Hương đã loại cô khỏi đội.

Sau khi tập 2 phát sóng, nhiều tin đồn cho rằng thực tế Thành không hề có chuyện buồn nào mà chỉ lấy đó làm cái cớ để dừng chân ở "Gương mặt thương hiệu", tập trung thi… Hoa hậu Việt Nam 2016.

Cùng với đó, khán giả cũng cho rằng màn khóc lóc của Nguyễn Thị Thành chỉ là "diễn", là giả tạo, và không cần thiết được nhấn mạnh trong một cuộc thi như "Gương mặt thương hiệu".

Truyền hình thực tế Việt Nam ngập lụt trong nước mắt - Ảnh 8.
Diễn hay thật? Mời khán giả cảm nhận...


Như đã nói ở trên, khán giả ngày nay rất tinh tường. "Vàng xịn" hay "vàng đểu" họ biết ngay. Thế nên các chương trình truyền hình thực tế cần cẩn trọng với những pha "cắt ghép".

Rất có thể khái niệm cảm thông sẽ trở thành… coi thường nếu nhà đài lạm dụng quá đà những màn khóc lóc, "diễn kịch".

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất