Truyền hình Việt: Thiếu gương mặt mới

Khán giả không tránh khỏi cảm giác nhàm chán khi liên tục thấy nhiều gương mặt cũ lặp đi lặp lại trên truyền hình. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của phim Việt.

Quen quá hóa nhàm

Không thể phủ nhận, các diễn viên nổi tiếng như Việt Anh, Hồng Diễm, Doãn Quốc Đam, Lan Phương... đảm bảo sự thu hút của một bộ phim truyền hình. Tuy nhiên, nếu liên tục bắt gặp họ trên truyền hình trong giờ vàng, khán giả khó còn thấy hứng thú.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng tần suất xuất hiện trên truyền hình của các diễn viên ít nhiều ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả, bởi những điều quá quen thuộc dễ dẫn đến cảm giác nhàm chán.

Truyền hình Việt: Thiếu gương mặt mới-1
"Bà ngoại lắm chiêu" hứa hẹn thu hút với dàn diễn viên mới. 

“Việc một diễn viên đóng nhiều phim gần như cùng lúc đã diễn ra từ lâu rồi. Những người làm phim từng đùa nhau rằng nếu cắt một số cảnh của các phim có cùng diễn viên đóng, có khi dựng được thành một phim mới có nội dung khác hẳn”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu.

Chỉ cần bật tivi vào khung giờ vàng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), khán giả luôn thấy các gương mặt cũ. Nam diễn viên Doãn Quốc Đam là một trường hợp như vậy.

Trong năm qua, Doãn Quốc Đam tham gia nhiều phim truyền hình giờ vàng, từ họa sĩ ẩn danh trong Thương ngày nắng về, trùm buôn lậu kit test trong Đấu trí đến người đàn ông vũ phu của Hành trình công lý và cả gã mù không tên trong Gara hạnh phúc. Rất may anh là diễn viên giỏi biến hóa, biết cách tạo dấu ấn riêng trong từng vai diễn giúp tránh được cảm giác quen thuộc, nhàm chán.

Tần suất lặp đi lặp lại của các diễn viên truyền hình đến từ thực tế các đài truyền hình không sở hữu lực lượng diễn viên riêng. Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) từng mở các lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn, nhưng chưa bao giờ sở hữu các diễn viên này. Hiện nay, diễn viên truyền hình đa phần đến từ các nhà hát kịch, diễn viên tự do và đôi khi có diễn viên tay ngang.

“Các nhà hát kịch (phía Bắc) có định biên, không phải bất cứ diễn viên nào được đào tạo bài bản ra đều được các nhà hát trả lương. Vì vậy khá nhiều người được đào tạo nhưng phải đi làm nghề khác để mưu sinh. Ở phía Nam gương mặt diễn viên cũng đến từ sân khấu kịch, tuy thế họ hoạt động tự do và đa dạng hơn. Nói chung, số lượng diễn viên có hạn, số người phù hợp với màn ảnh, ăn hình, có diễn xuất sinh động không nhiều”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích

Bất chấp nỗ lực tìm kiếm các gương mặt mới của các đạo diễn, việc họ đóng phim liên tục cũng biến các gương mặt mới trở nên cũ kỹ. Diễn viên xuất hiện liên tục với tần suất dày đặc khiến họ không có thời gian làm mới bản thân, từ đó cũng khiến khán giả dễ ngán họ hơn. Đây cũng là thách thức cho các diễn viên khi muốn tạo dấu ấn trong nghề.

Nhiều trăn trở

 

Một nam diễn viên truyền hình cho biết anh từng đóng hai phim cùng lúc. Ngay khi kết thúc cảnh quay ở phim thứ nhất, xe của đoàn phim thứ hai đã chờ sẵn để đưa tới bối cảnh. Anh cho rằng việc đóng cùng lúc hai bộ phim vừa ảnh hưởng tới sức khỏe, vừa không đảm bảo diễn xuất. Nếu hai vai diễn không may có cùng màu sắc, diễn viên lại bị khán giả than phiền vì gây nhàm.

Truyền hình Việt: Thiếu gương mặt mới-2
Doãn Quốc Đam tạo dấu ấn riêng dù xuất hiện khá dày đặc trên truyền hình.

Cuộc thi tìm kiếm diễn viên truyền hình Đường tới Cầu vồng năm 2021 tìm ra một số gương mặt mới như: Minh Trà, Nam Việt… Song nhiều thí sinh tiềm năng bước ra từ cuộc thi chưa được trao cơ hội. Tâm lý đặt niềm tin vào những diễn viên có độ phủ sóng tên tuổi cao, năng lực đã được chứng minh là điều dễ hiểu đối với các đạo diễn và nhà sản xuất.

Đạo diễn Mai Long khẳng định một số diễn viên không mới nhưng vẫn thuộc lớp trẻ, có triển vọng tỏa sáng hơn trong tương lai như Thanh Sơn, Duy Hưng, Đỗ Duy Nam… Anh bày tỏ tin tưởng vào dàn diễn viên được đào tạo trong môi trường sân khấu, điện ảnh chuyên nghiệp, có điều kiện lĩnh hội những kiến thức mới.

“Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ có tâm lý muốn nổi tiếng sớm, lao động nghệ thuật thiếu nghiêm túc nên chưa thể có sản phẩm như ý”, đạo diễn Mai Long bày tỏ.

Trước bài toán khan hiếm gương mặt mới của phim truyền hình, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng các lớp đào tạo diễn xuất ngắn hạn là nơi tìm ra những gương mặt tiềm năng. Tuy nhiên, bà khẳng định cơ hội làm nghề không được đảm bảo nếu diễn viên chỉ có thu nhập duy nhất từ việc đóng phim, như vậy các lớp đào tạo sẽ khó thu hút được học viên.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết ê-kíp làm phim truyền hình thường phải gắn bó với nhau, phải quen việc, nhanh và hợp nhau mới kết hợp trơn tru. Vì vậy, trên sóng truyền hình, không chỉ VTV mà các đài truyền hình khác đều thường chọn những diễn viên và ê-kíp quen thuộc.

“Đạo diễn nào cũng muốn tìm kiếm những gương mặt mới. Tuy nhiên, trước tiên diễn viên mới phải vượt qua thử thách khi tuyển chọn. Đó là cuộc đua công bằng”, anh nói.

Nhìn từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, phim truyền hình vẫn sử dụng lực lượng diễn viên chủ lực là những gương mặt cũ. Nhà làm phim dễ rơi vào bẫy quen thuộc, khán giả có thể vì vậy mà dần quay lưng với phim Việt.

 

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/thieu-guong-mat-moi-post1508751.tpo

Phim truyền hình Việt Nam

Tin tức mới nhất