Sau khi show mai mối Indian Matchmaking của Netflix lên sóng và gây tiếng vang lớn, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn quan niệm hôn nhân của người dân châu Á. Tại những quốc gia như Ấn Độ hay Trung Quốc, "dựng vợ gả chồng" được xem là chuyện trọng đại cả đời. Vì thế, xu hướng kết hôn do mai mối vô cùng phổ biến.
Hiện nay, hàng triệu người độc thân vẫn tìm kiếm nửa kia thông qua các dịch vụ giới thiệu đối tượng hẹn hò, kết hôn. Từ những công ty mai mối xuyên quốc gia như Lunch Actually (Singapore) hay Mei Ling (Hong Kong), cho đến hàng loạt ứng dụng hẹn hò như Tinder và OkCupid.
Wee Kek Koon, phóng viên người Hong Kong của tờ South China Morning Post, chia sẻ rằng 55 năm trước, bố mẹ anh đã kết hôn vì tình yêu. Thế nhưng, trước khi có được cái kết viên mãn của tình yêu, hai người đã gặp phải sự phản đối của gia đình nhà gái.
Ban đầu, nhà ngoại Koon cố gắng gán ghép mẹ anh với hai đối tượng: một người họ hàng xa gấp đôi tuổi bà và con trai đối tác của gia đình. Dưới phản ứng quyết liệt và kiên trì của cha mẹ anh lúc bấy giờ, cả hai cuộc xem mắt đều không thành công.
Khác so với hiện tại, những năm trước thế kỷ 20, hầu hết cuộc hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt. Ảnh: Wikimedia Commons.
Tuy nhiên, những năm trước thế kỷ 20, không phải cặp tình nhân nào cũng may mắn đến được với nhau như cha mẹ Koon. Thời đó, hầu hết cuộc hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt. Khi đến tuổi cập kê, các gia đình sẽ nhờ người mai mối lựa chọn đối tượng phù hợp cho con cái dựa trên các tiêu chuẩn về gia cảnh, ngoại hình, học vấn và địa vị xã hội.
Không có sự cho phép của cha mẹ hai bên thì dù yêu nhau tới mấy, đôi tình nhân vẫn khó có thể đến được với nhau. Nhiều cặp phải hẹn hò lén lút trong đêm, cách nhau một ô cửa sổ hay leo qua tường để gặp gỡ, trò chuyện. Nếu cố gắng bỏ ngoài tai lời can ngăn để kết hôn, cặp vợ chồng ấy sẽ không được gia đình chấp thuận, chịu sự khinh rẻ của xã hội.
Đặc biệt, so với con em các gia đình bình dân, những cậu ấm, cô chiêu nhà quyền quý ít có cơ hội lựa chọn bạn đời cho mình. Với họ, hôn nhân không phải trái ngọt của tình yêu mà là trách nhiệm, nghĩa vụ đem lại lợi ích cho gia đình nhờ liên kết với một gia tộc khác.
Song, điều này không có nghĩa rằng họ hoàn toàn mất đi quyền lên tiếng vì hạnh phúc của mình. Phụ nữ Trung Quốc xuất thân danh gia vọng tộc vẫn được phép phản đối nếu bạn đôi do gia đình lựa chọn quá già, kém sắc hay gia cảnh không tương xứng. Nếu may mắn, cha mẹ họ có thể thay đổi quyết định và lựa chọn một người khác phù hợp hơn.
Để về chung một nhà, các đôi tình nhân phải nhận được cái gật đầu đồng ý của gia đình hai bên, sau đó tìm một bà mối để tiến hành thủ tục kết hôn. Ảnh: Getty Images.
Ở tầng lớp bình dân, hôn nhân vì tình yêu lại phổ biến hơn vì nam, nữ giới độc thân có nhiều cơ hội giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau. Để về chung một nhà, các đôi tình nhân phải nhận được cái gật đầu đồng ý của gia đình hai bên, sau đó tìm một bà mối để tiến hành thủ tục kết hôn.
Theo truyền thống Trung Quốc, người mai mối không chỉ là "ông tơ, bà nguyệt" se duyên cho các đôi vợ chồng mà còn đóng vai trò chủ trì lễ thành hôn. Họ là người hướng dẫn các thủ tục trong buổi lễ, từ cách ăn nói, đi đứng đến cách bưng chén trà và nhận thù lao hậu hĩnh từ công việc của mình.
Ngày nay, việc các bậc phụ huynh Trung Quốc nhờ người mai mối sắp xếp buổi xem mắt cho con cái vẫn khá phổ biến trong xã hội, nhưng không còn mang nặng tính giáo điều như trước. Các chàng trai, cô gái độc thân có quyền tự quyết trong hôn nhân, tự đặt ra những tiêu chuẩn riêng để tìm kiếm nửa kia của đời mình.
Theo Zing