Xung quanh câu chuyện về bức ảnh một người đàn ông ngoại quốc ôm con ngựa giấy (vàng mã) đứng tại sân bay Nội Bài được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam, độc giả đã có những bình luận sôi nổi, đa chiều.

Theo chia sẻ của người đàn ông ngoại quốc có tên Arnaud Zein El Din (44 tuổi, đến từ Mexico) với Dân Trí, người này đã mua con ngựa đó với giá 100.000 đồng ở một khu phố tại Hà Nội. "Chỉ vì tôi tình cờ bắt gặp và thấy nó đẹp. Tôi đoán nó có nhiều ý nghĩa hơn, như để dùng cho một buổi lễ", anh cho biết.

Từ chuyện ông Tây mua ngựa vàng mã: Luật có cấm mang lên máy bay?-1
Hình ảnh ông Arnaud Zein El Din ôm con ngựa vàng mã tại sân bay Nội Bài được lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: mạng xã hội).

Nam du khách sau đó đã mang con ngựa giấy cùng những món đồ anh mua đến sân bay Nội Bài để làm thủ tục bay. Con ngựa sau đó đã qua được quầy check-in và cửa kiểm soát an ninh. Tuy nhiên, khi người đàn ông bước vào trong máy bay, nhân viên của hãng hàng không đã kiên quyết từ chối vận chuyển con ngựa giấy.

Độc giả Đinh Thế Anh viết: "Cảm ơn anh vì đã thấy Việt Nam đẹp! Có lẽ nhiều người không nhận ra xung quanh còn rất nhiều món đồ bình dị và thân quen đến thế! Nhìn được bức ảnh bộ sưu tập của anh mà tôi như nhớ lại được những kỷ niệm khi còn bé!

Có lẽ dù biết con ngựa giấy là đồ hàng mã thì anh cũng vẫn muốn mua và mang về vì anh đang đi tìm hiểu văn hóa, mà trong con mắt của các kiến trúc sư thì họ sẽ luôn thấy những nét đẹp mà ít người nhận ra!. Cảm ơn anh rất nhiều!".

Độc giả Dương Thùy: "Chắc ông ấy tiếc lắm vì mất bao nhiêu công mang ngựa giấy đến sân bay rồi mà không mang được về nước. Chúc ông luôn may mắn và sẽ quay trở lại thăm Việt Nam".

Trước thông tin nam du khách phải bỏ lại con ngựa giấy vì không được mang lên máy bay, nhiều độc giả băn khoăn, tại sao an ninh cho phép mà hãng máy bay không cho phép?.

"Tôi thấy những con ngựa vàng mã cũng rất đẹp, thể hiện văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam. Phải chăng nên phát triển những đồ lưu niệm như thế này để khách du lịch sưu tầm, lưu giữ kỉ niệm về Việt Nam?", độc giả Phan Văn Hướng.

Độc giả có nickname Vneono: "Đó cũng là một món đồ đẹp đấy chứ, chả phải nhiều người trong chúng ta về vùng xa xôi, hẻo lánh sưu tầm cả đồ dùng trong lễ cúng bái về trưng bầy ở nhà đấy thôi. Nếu khách Tây là người thích sưu tầm đồ ở các nơi mình đi qua làm kỷ niệm thì con ngựa giấy càng ý nghĩa cho bộ sưu tầm muôn sắc mầu. Nhân viên hàng không chẳng có lý do gì để từ chối món hàng đó".

Với góc nhìn khác, độc giả Minh Lê cho rằng, nếu du khách đó biết đóng hộp rồi gửi hành lý không ai nhìn thấy, thì chắc chắn sẽ được qua cửa, còn ôm như này nên không ai cho qua. "Nếu mình là hành khách trong chuyến bay này nhìn thấy vậy mình cũng kiên quyết phản đối đến cùng".

Vậy theo quy định của pháp luật, có được mang vàng mã lên máy bay không?

Vàng mã không thuộc danh mục đồ vật cấm mang lên máy bay!

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. HN cho biết, quy định về những đồ vật được mang và không được mang lên tàu bay đã được pháp luật quy định chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng được các hãng hàng không quy định chặt chẽ, nhằm đảm bảo cho hành khách một chuyến bay an toàn. 

Cụ thể, Quyết định 1541/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam ban hành ngày 14/9/2021 đã quy định rõ danh mục vật phẩm nguy hiểm, cấm, hạn chế mang lên tàu bay.

Từ chuyện ông Tây mua ngựa vàng mã: Luật có cấm mang lên máy bay?-2
Bộ sưu tập mà Arnaud Zein El Din thu lượm được tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Theo nội dung của Quyết định 1541, danh mục vật phẩm nguy hiểm, cấm mang vào khoang hành khách tàu bay bao gồm: Chất nổ và các chất gây cháy, nổ; Vũ khí, súng và các loại vật dụng được thiết kế để gây sát thương; Các chất hóa học; Các vật có lưỡi sắc hoặc đầu nhọn; Các dụng cụ lao động có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa đến an toàn của tàu bay; Các vật, dụng cụ đầu tù khi tấn công gây thương tích nghiêm trọng; Chất lỏng, chất đặc sánh, dung dịch xịt (chất lỏng) được cụ thể theo hướng dẫn về kiểm soát chất lỏng.

Còn danh mục vật phẩm cấm mang vào khoang hàng tàu bay bao gồm: Đạn; Các loại kíp nổ; Các loại ngòi nổ, dây cháy chậm; Mìn, lựu đạn, thiết bị nổ quân dụng khác; Các loại pháo; Đạn khói, quả tạo khói; Các loại thuốc nổ, thuốc súng, chất nổ dẻo; Xăng, dầu, nhiên liệu nạp cho bật lửa, diêm không an toàn (quẹt đâu cũng cháy), ôxy lỏng.

Ngoài ra, quyết định trên cũng liệt kê danh mục vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay như: dụng cụ y tế thiết yếu; dụng cụ trang điểm, dụng cụ dùng trong thể thao, đồ vệ sinh cá nhân (phải đáp ứng điều kiện về khối lượng và thể tích);  đồ vật khác (như đồ uống có cồn, diêm, bật lửa, thiết bị sử dụng pin sinh nhiệt cao, các thiết bị điện tử cầm tay, các loại pin,...)

Ngoài những quy định chung như trên, hành khách cần phải lưu ý quy định riêng đối với từng hãng hàng không. Theo đó, tùy từng hãng hàng không lại có những quy định về vấn đề này.

Thông thường, nhiều hãng bay nội địa sẽ khuyến cáo khách không được mang lên máy bay những thứ như: Đồ ăn nặng mùi (sầu riêng, nước mắm, mắm tôm, tôm chua,...); Hải sản, thịt, đồ ăn đông lạnh; Chất dễ cháy (dầu tràm,..); Ghế ngồi trẻ em lắp trên ô tô, xe máy; Mỹ phẩm bao gồm dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, v.v. dung tích lớn hơn 100ml mỗi chai, và tổng dung tích lớn hơn 1 lít.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành, vàng mã không thuộc những đồ vật cấm mang lên máy bay theo quy định chung của các hãng hàng không.

Tuy nhiên, để chắc chắn những vật phẩm của mình đủ điều kiện được mang lên tàu bay, hành khách có thể liên hệ trước với hãng hàng không để được tư vấn thêm và nắm được thông tin chính xác, tránh trường hợp khi đến sân bay làm thủ tục phải bỏ lại những vật dụng không được mang lên máy bay.

Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Quyết định 1541/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam ban hành ngày 14/9/2021, không có nội dung cấm mang vàng mã lên máy bay.

"Trong trường hợp này, có thể do nhân viên hàng không nghĩ vật phẩm tâm linh muốn vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bay. Nhiều nhân viên đánh giá sản phẩm này tương tự tượng Phật, sản phẩm của tôn giáo nên suy luận thuộc nhóm hàng không được vận chuyển hoặc muốn vận chuyển phải kèm thủ tục đặc biệt", luật sư Lực nêu quan điểm.

Theo Dân Trí