Đào, phở và piano được ví như hiện tượng hiếm của điện ảnh Việt, bởi đây là phim do nhà nước đặt hàng và được săn đón. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi không thể “săn” được tấm vé trong những ngày qua. Phim do Bộ VHTTDL đặt hàng, CTCP Phim truyện 1 sản xuất.
"Đào, phở và piano" trở thành hiện tượng phòng vé mới tại Việt Nam.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Đào, phở và piano xoay quanh đôi tình nhân trẻ vượt qua hoàn cảnh gian khó để gặp lại nhau, kịp cưới nhau và sống đời vợ chồng trước khi chia xa.
Chỉ có hai nhân vật chính do Doãn Quốc Đam và Thùy Linh đảm nhận có tên riêng, các nhân vật khác đều được gọi theo nghề nghiệp, tạo nên những mảnh ghép hoàn chỉnh về một Hà Nội trong thời khói lửa. Họ cùng nhau tạo nên câu chuyện bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn, đậm chất Hà Nội thời điểm đó.
Đào, phở và piano ra rạp từ mồng 1 Tết Nguyên đán (ngày 10/2), duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội). Trong những ngày đầu khởi chiếu, bộ phim có suất chiếu hạn chế từ 2-3 suất/ ngày, khán giả chỉ phủ từ 1/3 tới 1/2 rạp.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, bộ phim lại được đón nhận bất ngờ. Từ ngày 17/2, nhiều khán giả chấp nhận ngồi hàng đầu để thưởng thức bộ phim này. Theo đó, những suất chiếu từ ngày 17/2 đến nay liên tục kín chỗ, khán giả không thể mua trực tuyến mà buộc phải xếp hàng trực tiếp.
Đạo diễn Đào Thanh Hưng lý giải, có nhiều yếu tố khiến khán giả để mắt tới một bộ phim. Để có một bộ phim thành công không thể không kể đến chiến dịch phát hành bài bản và quy mô. Chi phí cho các chiến dịch này đắt đỏ tương đương việc sản xuất ra một bộ phim.
Nếu phim hay, chiến dịch quảng bá tốt, phim sẽ tiếp cận được nhiều khán giả. Ngược lại, phim hay mà chiến dịch phát hành, quảng bá kém cũng khiến nhiều phim không được đón nhận.
“Tình huống này khá phổ biến ở dòng phim Nhà nước đặt hàng. Mục đích của những tác phẩm này là tuyên truyền, chứ không hẳn nhằm thu lợi nhuận. Chúng nhiều lúc được phát hành với giá vé rất thấp hoặc miễn phí. Một sản phẩm điện ảnh ra đời phụ thuộc vào rất nhiều đơn vị sở hữu chúng trong cách giới thiệu tác phẩm tới thị trường, khán giả”, đạo diễn Đào Thanh Hưng chia sẻ.
Vướng mắc khó tháo gỡ
Do lượng đặt vé tăng cao, hơn chục suất chiếu mỗi ngày ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia không thể đáp ứng. Đào, phở và piano cho thấy dấu hiệu tốt khi khán giả quan tâm hơn tới dòng phim lịch sử, do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Song cơn sốt của Đào, phở và piano cũng bộc lộ những bất cập trong việc sản xuất và phát hành phim do Nhà nước đặt hàng.
Trung tâm Chiếu phim quốc gia phải mở thêm nhiều cửa bán vé riêng cho khán giả xem Đào, phở và piano. Ảnh: Nguyên Khánh
Khi nhu cầu khán giả tăng cao, Cục Điện ảnh đã đề xuất với Bộ VHTTDL phát hành phim do Nhà nước đặt hàng trên toàn quốc. Dù vậy, lãnh đạo Cục Điện ảnh khẳng định, việc phát hành phim “gặp bất cập”.
"Đào, phở và piano là phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, khi chiếu trên toàn quốc cần thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành", ông Vi Kiến Thành nêu. Việc Nhà nước bỏ tiền sản xuất phim nhưng chưa tính tới phát hành, hoặc chỉ chiếu vào những dịp đặc biệt là điều đáng tiếc.
“Với tôi, phim đặt hàng hay phim thương mại đều được làm bằng tiền thật, tiền thuế cũng là từ dân mà ra. Vì thế không thể để lãng phí tiền làm phim rồi chờ mong khán giả tới, Nhà nước cần các kế hoạch truyền thông quảng bá, phát hành bài bản để đông đảo khán giả tiếp cận”, đạo diễn Đào Thanh Hưng nêu.
Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, việc phim Nhà nước đặt hàng, mất nhiều công sức để sản xuất xong lại cất đi hoàn toàn do vướng mắc cơ chế.
“Tôi cảm thấy kỳ quái khi có người sản xuất ra một sản phẩm gì đó bằng rất nhiều tiền, công sức, mà lại không đem ra khai thác kinh doanh để ít nhất thu hồi vốn đầu tư. Nhưng phim Nhà nước chính là như thế. Trước hết, phải nói là chuyện một bộ phim nhà nước được đem cất không liên quan đến chất lượng bộ phim. Không phải vì phim dở quá phải giấu, phải cất mà làm xong rồi đem cất là do cơ chế”, ông Tuấn nêu.
Hiện thực này tồn tại là vì cơ chế của việc sử dụng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đơn vị/cá nhân sử dụng nguồn vốn ngân sách đó. Điều rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản nhà nước phải đúng mục đích.
“Vấn đề thật sự ở đây là khoản thu. Nếu phim nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu, e rằng phức tạp về thủ tục giấy tờ. Bởi Cục Điện ảnh và Bộ VHTTDL là cơ quan hành chính nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu”, ông Nguyễn Hữu Tuấn lý giải.
Đến ngày 20/2, đã có hai doanh nghiệp xin chiếu Đào, phở và piano với mục đích phi lợi nhuận. Vé Đào, phở và piano được mở bán từ 21/2 tại cụm rạp Beta với mức đồng giá 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hành động trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nhưng về lâu về dài, bài toán phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước cần được nhìn nhận, đánh giá lại để không gây lãng phí.
Theo Tiền Phong