"Host tài tình chưa từng thấy", "chiến thần livestream", "nói hay như hát"... là những cụm từ mà nhiều người dùng để nhận xét khi xem khả năng nói lưu loát của bà Nguyễn Phương Hằng trên livestream vào thời điểm năm 2021.
Nhưng cũng chính trong những buổi livestream này, vô số những câu xúc phạm người khác được cơ quan điều tra chỉ ra, cáo buộc bà Hằng đã Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
18 tháng từ ngày bị bắt giam (24/3/2022), nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam hầu tòa và phải lĩnh bản án 3 năm tù. Đứng trước tòa, vợ ông Dũng "Lò Vôi" lúc mỉm cười, giọng nhỏ nhẹ, khi gay gắt, và nhiều khoảnh khắc nghẹn ngào, bật khóc.
"Bị cáo không biết bản thân vi phạm Luật An ninh mạng. Bị cáo thấy mọi người mắng nhiếc nhau trên mạng, rồi bị cáo nói suốt một thời gian dài không ai nói gì. Khi bị bắt bị cáo mới biết có Luật An ninh mạng nên thấy sai", bị cáo Nguyễn Phương Hằng trình bày.
Lời nói sau cùng của bà Nguyễn Phương Hằng (Clip: Cao Bách).
250 cảnh sát được huy động tới phiên tòa
Phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm vào ngày 21/9 thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tất cả tuyến đường xung quanh trụ sở TAND TPHCM đều được lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ những ai có thẻ đeo đã được cấp mới được bước vào cổng tòa án.
Theo chia sẻ từ một cảnh sát tham gia bảo vệ phiên tòa với phóng viên Dân trí, khoảng 250 chiến sĩ đã được huy động tới tòa để thắt chặt an ninh. Xe dẫn phạm được xuất đi lúc 24h để tới Trại tạm giam T30 (huyện Củ Chi), áp giải bà Hằng đến tòa lúc sáng sớm.
Bán kính 200m quanh tòa bị phá sóng. Hình ảnh và thông tin tại phiên tòa được kiểm soát chặt chẽ. Người tham gia, tham dự phiên xét xử phải bước qua 3 lớp an ninh. Điện thoại, thiết bị liên lạc đều phải gửi lại.
An ninh tại phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm siết chặt gay gắt (Ảnh: Hoàng Hướng).
Một phóng viên phụ trách mảng pháp luật nhiều năm nhận định, phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng là phiên tòa kiểm soát an ninh khá chặt. Phóng viên không được tiếp cận phòng xử án, bà Hằng cũng được che chắn cẩn thận để đảm bảo tối đa không một hình ảnh nào được ghi lại.
"Phóng viên chỉ được lấy nước và uống ở khu vực được quy định. Khi muốn rời khỏi khu vực xét xử, phóng viên sẽ bị yêu cầu để lại thẻ đeo và sẽ không được quay trở lại phiên tòa cho tới khi tuyên xong án.
Thời gian nghỉ giải lao chờ HĐXX nghị án, chúng tôi bị kiểm soát chỉ đứng trong khu vực. Thậm chí khi tuyên án xong, phóng viên cũng bị giữ lại trong phòng khoảng 10 phút, cho tới khi xe phạm đã rời tòa", người này chia sẻ.
"Bị cáo đã không kiềm chế được cảm xúc"
Bà Nguyễn Phương Hằng được áp giải đến tòa với áo sơ mi trắng, quần đen, dung mạo tươi tắn. Hình ảnh bà tại tòa đã bác bỏ thông tin trước đó được lan truyền về việc bà giảm nhiều kg khi bị tạm giam.
Đứng trước bục khai báo, giọng bị cáo to, rõ ràng khi khai thông tin về nhân thân. Trong buổi sáng trình bày trước HĐXX, bà Hằng trả lời nhỏ nhẹ, khác với chất giọng lớn, đanh thép trong những lần livestream.
Trình bày trước tòa, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam thừa nhận những nội dung trình bày trong livestream chưa được kiểm chứng và đã xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều cá nhân.
Bị cáo cho biết, những lần livestream với mục đích ban đầu là chia sẻ về hôn nhân gia đình, và đặc biệt là thông tin liên quan tới quỹ mổ tim của bà.
Tuy nhiên, sau đó nữ doanh nhân này đã "không kiềm chế được cảm xúc" rồi xúc phạm danh dự, uy tín các cá nhân, tổ chức.
Những người tham dự phiên tòa xếp hàng vào cửa an ninh thứ 3 (Ảnh: Nam Anh).
Về nội dung trong các buổi livestream, bà Hằng cho biết có nội dung được kiểm chứng, có nội dung không.
Bà cho rằng, cần xem xét động cơ thúc đẩy để bà có những phát ngôn như vậy. Bởi những lời bị cáo buộc bị cáo xúc phạm tới các nghệ sĩ như Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Vy Oanh... là do bản thân bà bị tấn công trước.
"Bị cáo không kiềm chế cảm xúc, bị cáo bị tổn thương nhiều nên bị kích động. Mấy trăm người tấn công nên bị cáo phản ứng như vậy", bà Hằng trình bày trước tòa.
"Ai sai thì bị xử lý chứ không phải cơ quan tố tụng đem bị cáo ra xét xử mà lại xem xét luôn hành vi của những người khác", chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh phạm vi xét xử chỉ trong vụ án này.
Trong phần thẩm vấn, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết, việc bà Hằng tố cáo nam ca sĩ tới cơ quan điều tra đã được kết luận không có hành vi phạm tội.
Ngồi ở ghế hàng đầu của phòng xử án, hai tay bà Hằng đan vào nhau. Nhiều lần bà bật cười, như khi nghe đại diện VKS công bố nhiều hành vi trong cáo trạng, hay khoảnh khắc khi bà Đặng Thị Hàn Ni nói trước tòa rằng không biết bà Hằng tại tòa hôm nay có phải là bà Hằng đã "chửi" bà Ni trên mạng trước đó hay không, vì "bà Hằng đó đẹp lắm"..., nhưng cũng nhiều lần giọng bà nghẹn lại.
Trước câu hỏi nói gì khi chỉ đạo nhân viên, bà Phương Hằng cho biết thời điểm đó dịch Covid-19 nên không ai làm việc. Mọi người trong công ty tụ tập nhóm nhỏ ca hát chơi vui. Bà nói hôm nay livestream thì mọi người chuẩn bị, giống những buổi khác của bị cáo đã làm.
"Căn cứ kết luận giám định của các cơ quan chuyên môn, bị cáo thừa nhận vấn đề này rồi, cáo trạng truy tố có gì oan sai không?", chủ tọa hỏi.
Bị cáo Hằng nói không oan sai, chỉ thấy chưa nói rõ vì sao và động cơ thúc đẩy bà hành động như vậy. "Có động cơ bị cáo mới sai", bị cáo Hằng nói.
Bà Nguyễn Phương Hằng khóc ở tòa (Clip: Cao Bách).
Liên tục bật khóc và "chịu" xin lỗi
Trong buổi sáng, khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Vy Oanh không yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, chỉ yêu cầu bà Hằng xin lỗi họ trực tiếp, nữ CEO đã không đồng ý.
"Với những yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị cáo có xin lỗi không?", chủ tọa hỏi.
"Một lời xin lỗi không thành vấn đề nhưng bị cáo bị tấn công trước chứ bị cáo không biết ai trước đó… Bản thân bị cáo đã trả giá quá đắt", bà Hằng nói sau khi đã "xin" HĐXX được suy nghĩ.
Song, trong phần tự bào chữa, bà Hằng đã "chịu" nói lời xin lỗi. "Bị cáo sai. Bị cáo xin lỗi tất cả cấp chính quyền, xin lỗi những người bị cáo đã vô tình hay cố ý đụng chạm, nhưng thực chất, bị cáo là người có nhiều việc làm, rất bận rộn chứ không phải rảnh rỗi lên mạng xã hội để lợi dụng", nữ bị cáo nói.
Theo quan sát của phóng viên, quá trình xét xử vào chiều 21/9, thái độ Nguyễn Phương Hằng thay đổi so với buổi sáng. Vợ ông Dũng "Lò Vôi" đối đáp dứt khoát, mạnh mẽ và liên tục "không trả lời", "giữ im lặng" khi được luật sư thẩm vấn. Và cũng trong buổi chiều, bà Hằng nhiều lần bật khóc, nói trong nước mắt.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rút yêu cầu yêu cầu bà Hằng bồi thường 43 tỷ tại tòa, chỉ yêu cầu được xin lỗi (Ảnh: Nam Anh).
Bị cơ quan công tố đề nghị mức án 3-4 năm tù, bà Hằng ngồi ở ghế, liên tục lấy khăn giấy để lau nước mắt.
Nói lời sau cùng, bị cáo giọng nức nở: "Hôm nay trở thành bị cáo là điều bản thân vô cùng ân hận và đau khổ. Suốt 18 tháng qua bị cáo đã bỏ dở bao nhiêu tâm huyết giúp cho người nghèo, người bệnh tật. 18 tháng bị cáo hối hận đã không kiềm chế được bản thân mình".
Xuyên suốt phiên tòa, "18 tháng" là khoảng thời gian được bà Nguyễn Phương Hằng nhắc đi nhắc lại, như để minh chứng cho việc đã phải trả giá cho những hành vi trái pháp luật của bản thân. Đây cũng là điểm được HĐXX ghi nhận để xem như tình tiết "ăn năn hối cải".
"18 tháng qua với bị cáo đã quá đau đớn rồi. Mong tòa xem xét vì sao bị cáo phạm tội, xem xét bị cáo đã đóng góp cho xã hội một cách bền lâu, chứ không phải muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ. Trong đại dịch bị cáo bán nhà, bỏ tiền mua bình oxy, bảo lãnh công ty mua oxy để cứu dân.
Đó là sự hy sinh của bị cáo với nhân dân, với đất nước, thể hiện ở việc làm cụ thể. Bị cáo muốn giúp ích cho dân, cho nước, trở thành công dân lương thiện", bà Hằng kết thúc lời nói sau cùng.
Những người theo dõi phiên tòa hôm qua (21/9) chia sẻ, họ hiếm hoi thấy người phụ nữ vốn lên sóng livestream nói cười không ngưng nghỉ, thậm chí nhiều lần ca hát góp vui, đã rơi nước mắt hối hận tại tòa.
Gần 60 lần livestream có nhiều lời lẽ xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác, bà Hằng phải trả giá bằng bản án 3 năm tù. Theo quy định pháp luật, bà Hằng và 4 đồng phạm có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày từ thời điểm tuyên án.
Theo Dân Trí