Đây là chia sẻ của một người dân thủ đô Beirut, Liban giữa sự kiện thủ đô Paris bị khủng bố liên hoàn khiến 128 người chết, 99 người bị thương. Trong lúc cả thế giới đều đang khóc thương cho người dân kinh đô ánh sáng, đâu đó trên thế giới vẫn còn những nơi mà mỗi ngày đối với họ đều là hàng loạt chuỗi khủng bố liên hoàn với số người chết còn nhiều hơn Paris đêm 13/11. 

Beirut vừa bị IS đánh bom kép vào ngày 12/11 khiến 45 người chết và 239 người bị thương. Tuy nhiên, có vẻ như không có nhiều người quan tâm đến chuyện này. Tôi biết có những người đọc thoáng qua điểm tin, thấy một vài nơi tại Trung Đông xảy ra thương vong, họ sẽ chẳng buồn bấm vào đọc. Lập luận của họ cũng dễ hiểu thôi mà: "Trung Đông ấy mà, đánh nhau suốt, có gì mà lạ?". Thế nhưng họ quên rằng, con người trên thế giới này ai cũng có quyền bình đẳng như nhau, cái chết của một người dân Paris so với người Beirut thì cũng đều là mất mát tang thương cả. Hoặc còn một lý do khác tiêu cực hơn. Người ta chẳng hề có thiện cảm với người Hồi Giáo.

3300-9e00f
Beirut mới bị IS đánh bom cảm tử ngày 12/11 làm chết 45 người, 239 người bị thương.

Và hãy đọc qua chia sẻ của người con Beirut ấy, có lẽ bạn sẽ hiểu thêm phần nào về "một phần bên kia thế giới nơi bom đạn trở thành thức quà sáng mỗi ngày".

"Khi bạn bè tôi bảo rằng hãy xem tin tức về chuyện xảy ra ở Paris tối qua, tôi bất giác lấy tấm bản đồ của thành phố mình yêu thích ra, lần mò địa điểm xảy ra vụ thảm sát một cách vô thức. Tôi zoom vào cái bản đồ gần thật gần, và một trong những địa điểm bị tấn công chính là nơi tôi đã từng ở vào năm 2013, chính cái đại lộ đó.

Tôi càng đọc, số người thương vong lại càng tăng lên. Thật kinh khủng, thật vô nhân tính, đó là sự tuyệt vọng không nói nên lời. Năm 2015 kết thúc theo đúng cách mà nó đã bắt đầu, với những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Lebanon và Pháp, cũng gần như cùng một thời điểm, cùng một sự điên cuồng, reo rắc sự hận thù và khiếp sợ mỗi nơi mà bọn khủng bố tới.

Sáng nay tôi ngủ dậy, có hai thành phố đổ vỡ. Những người bạn tại Paris của tôi mới vừa hôm qua còn hỏi thăm về tình hình thành phố nơi tôi sống, và giờ đến lượt tôi hỏi thăm họ. Cả hai thủ đô đều đổ nát, tàn tạ.

Hôm nay, hơn 120 người dân vô tội đã ngã xuống ở Paris. Ngày hôm qua, 45 người dân vô tội Beirut chẳng còn bên chúng tôi nữa. Thương vong cứ ngày một tăng, thế nhưng hình như chúng ta chẳng rút ra được gì.

Giữa sự hỗn loạn cuồng điên ấy, có một suy nghĩ mãi chẳng thể thoát khỏi đầu tôi. Cũng chính là ý nghĩ đã văng vẳng trong tâm trí tôi mỗi khi những sự kiện đau lòng như thế này diễn ra, và giờ lại càng đáng buồn hơn rất nhiều. Hình như chúng tôi chẳng là cái gì thì phải?

Khi người dân của đất nước chúng tôi, tan nát thành từng mảnh ở ngoài đường phố kia vào ngày 12/11, báo chí chỉ nói về chúng tôi như kiểu một vụ tấn công xung đột tôn giáo xảy ra tại một thành phố nọ nơi có nhiều phần tử khủng bố đang long nhong dạo chơi. Chẳng một lãnh đạo thế giới nào lên tiếng chỉ trích, cũng chẳng có lời phát biểu nào mang hàm ý thăm viếng, tiếc thương dành cho người dân Lebanon. Thế giới cũng chẳng sục sôi phẫn nộ trước cái chết của những con người vô tội chỉ có lỗi lầm duy nhất là có mặt không đúng nơi, không đúng thời điểm hay gia đình người ta chẳng đáng phải gánh chịu sự tang thương đau khổ thế này. Ông Obama đâu có chỉ ra rằng cái chết của họ là một tội ác chống lại loài người? Thế rốt cục thế nào là loài người? Không phải là một thuật ngữ khoanh định các giá trị con người dựa trên ý nghĩa của nó sao?

Thay vào đó là sự hả hê sung sướng của một gã đàn ông Mỹ đang muốn trở thành Thượng nghị sĩ. Hắn vui thích khi người dân Beirut ngã xuống, đất nước của chúng tôi lung lay đổ vỡ, những con người vô tội bỗng chốc mất đi sinh mạng.

everett-stern-1-9e00f
Nghị sĩ Mỹ hả hê trước tin Beirut bị đánh bom kép.

Khi người dân của đất nước chúng tôi chết, chẳng quốc gia nào thèm bật sáng những công trình kiến trúc với màu quốc kỳ Lebanon. Đến cả Facebook cũng chẳng đoái hoài đến chuyện chúng tôi liệu có an toàn hay không, chẳng có gì đáng kể đâu mà. Đây, Facebook safety check dành cho các bạn đây: chúng tôi đã và đang rất ổn, đã sống sót qua tất cả những vụ khủng bố nhằm vào Beirut.

Khi người dân đất nước chúng tôi chết, họ đâu khiến cả thế giới tiếc thương. Cái chết của họ chẳng là gì ngoài con số thương vong của những con người không liên quan trên các bản tin thế giới, chỉ là điều gì đó bình thường đang xảy ra đâu đó trên Trái đất này. Và bạn biết không, tôi chẳng phiền lắm đâu. Qua rất nhiều năm rồi, tôi đã chấp nhận trở thành một trong những con người có sinh mạng không đáng quan tâm mấy.

Có một điều, chắc chắn sẽ xảy ra trong những ngày tới, đó là sự hận thù người Hồi Giáo trên khắp thế giới sẽ sục sôi. Hãy chờ xem những mẩu tin về các tổ chức cực đoan, chúng không hề có tôn giáo nào hết, và IS cũng không phải người Hồi Giáo thực thụ, và sự thật đúng là như vậy. Bởi đâu có người nào có khái niệm đạo đức cơ bản có thể làm ra những chuyện như vậy. Kế hoạch của IS là đánh vào sơ hở của người bài trừ Hồi Giáo và dùng sơ hở đó để chỉ ngón tay bẩn thỉu của chúng, rót vào tai những tâm hồn yếu đuối rằng: "Này, thế giới ghét các người đấy" và lôi kéo họ.

Hãy chờ xem trong những ngày tới Châu Âu sẽ làm gì để chống lại làn sóng người tị nạn đang tràn sang lãnh thổ của họ, chỉ tay về phía họ và kết tội họ là nguyên nhân gây nên thảm kịch ngày 13/11. Châu Âu có hiểu rằng, cái ngày 13/11 mà họ coi là thảm kịch ấy, cũng chỉ là một trong những ngày hết sức bình thường của dân tị nạn trong vòng 2 năm qua hay không. Nhưng mà thôi, những đêm thức trắng chỉ có ý nghĩa khi các quốc gia trên thế giới sẵn sàng chiếu đèn quốc kỳ tưởng niệm cho đất nước bạn mà thôi.

france-solidarity-3-9e00f
Chẳng hề có đèn chiếu quốc kỳ Beirut để tưởng niệm các nạn nhân.

Một điều kinh khủng hơn trong sự kiện này, đó là chính một số người Ả rập và Lebanon đã đau buồn trước thảm kịch xảy ra ở Paris hơn là chuyện vừa mới xảy ra chỉ ngày hôm kia ngay sau sân vườn nhà họ. Ngay cả trong tâm thức người dân ở đây cũng có ý thức rằng sinh mạng của họ chẳng hề quan trọng, họ chẳng đáng là gì, và nhất là, chúng tôi chẳng xứng để được tưởng niệm đau buồn dù chỉ một chút thôi sao.

Cũng đúng, có thể trong tiềm thức của người dân Lebanon, họ thích đi thăm thú Paris hơn là thi trấn Dbayeh, quan tâm đến cái hiện tại hơn là những thứ sau này. Rất nhiều người tôi biết, hiện đang bận đau buồn cho số phận Paris chẳng biết cái khỉ gì về chuyện đã diễn ra ở nơi chỉ cách họ có 15 phút di chuyển, chẳng biết người mà họ thỉnh thoảng gặp trên đường phố giờ đã ra sao.

Chúng tôi có thể yêu cầu cả thế giới hãy quan tâm đến mình nhiều hơn nữa, hay Beirut quan trọng hơn Paris, hoặc Facebook cho người dân Lebanon được "check an toàn" mỗi ngày. Nhưng sự thật là, chúng tôi là những kẻ thậm chí còn chả quan tâm đến chính mình ngay từ đầu. Chúng tôi ngụy biện bằng cách gọi đó là sự thích ứng, nhưng không hề phải. Chúng tôi gọi đó là một sự bình thường mới, nhưng nếu đây là bình thường thì làm ơn sút nó xuống địa ngục đi.

Trong cái thế giới mà chẳng ai quan tâm đến sinh mạng của người Ả Rập, chính người Ả Rập mới là kẻ dẫn đầu."

Theo Kênh 14/ trí thức trẻ