Chào bạn gái Liên Thùy - Người viết “Nhật ký của người con gái lấy chồng xa gửi bố mẹ đẻ”!

Tôi cũng chắc tầm tuổi Liên Thùy nên xưng bạn cho gần gũi nhé. Tôi đã đọc đi đọc lại những dòng nhật ký này của Liên Thùy hơn chục lần mà vẫn không cầm nổi nước mắt. Tôi cảm nhận được sự day dứt không được chăm sóc cho bố mẹ già. Tôi hiểu cái cảm giác lấy chồng xa cô đơn dường nào. Tôi biết cảnh “đơn phương độc mã” sống trong gia đình nhà chồng của bạn. Nói thiệt, tôi khâm phục bạn nhiều lắm!

Bạn đem những dấu ấn quan trọng trong cuộc sống hôn nhân để chia sẻ qua dòng nhật ký. Bạn biết, còn rất lâu hoặc chẳng bao giờ bố mẹ đẻ bạn đọc được những tâm sự này. Nhưng bạn vẫn viết, dòng chữ thay lời muốn nói. Bạn rất thành thực và sống nội tâm nữa. Tôi quý bạn rồi đấy.

Lấy chồng xa, chúng ta nợ bố mẹ đẻ mà không thể đáp đền. Sinh con ra, bố mẹ cũng chẳng mong có ngày được con gái con rể báo hiếu đâu. Thấy con cái sống hạnh phúc là niềm an ủi tuổi già lớn nhất của bố mẹ rồi.



Tôi biết Liên Thùy là con một nên cảm giác bất hiếu đè nặng bạn lắm. Bạn hãy cố chăm sóc tốt cho con trai mình, cố gắng sống hạnh phúc. Đó chính là bạn đã trả được cái nợ đồng lần rồi đấy. Chúng ta vay của bố mẹ để trả cho con cái.

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, Liên Thùy còn khá may mắn. Dù bố mẹ đẻ bạn đã có tuổi mà vẫn yêu thương, chăm sóc cho nhau. Bạn còn có cơ hội đưa con về thăm ông bà ngoại. Hạnh phúc vẫn hiển hiện, dù không thật chói lóa.

Còn tôi cũng mang phận lấy chồng xa. Nhưng không phải xa quê mà là xa xứ. Tôi đã sang lao động ở Nhật suốt 5 năm và nên duyên với một anh chàng bản xứ ở Tohoku. Giờ chúng tôi đã có hai mặt con xinh xắn lắm. Tôi hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Từ ngày sang xứ hoa anh đào, tôi đã gửi gần như toàn bộ số tiền kiếm được về cho bố mẹ đẻ ở nhà. Tôi muốn giúp bố mẹ xây được căn nhà khang trang, các em tôi được ăn học nên người. Thôi thì đời tôi đã khổ, đành chịu, song cuộc sống của những người trong gia đình tôi sẽ được sang trang mới vậy.

Ai ngờ, có tiền, gia đình tôi lại gặp phải biến cố đau lòng. Bố tôi cầm tiền trong tay đã trở nên quái tính. Ông quát nạt và chê bai vợ mỗi ngày. Tệ hơn, ông còn dẫn người đàn bà khác về ra mắt các con.

Hai em tôi về hùa với bố để được chu cấp tiền tiêu xài. Thậm chí thằng em đốn mạt của tôi còn đánh đuổi mẹ về quê. Nó bảo: “Trông mẹ quê mùa quá về quê sống mới hợp. Cố ở đây làm gì”.

Nghe mẹ gọi điện báo tình hình mà tôi khóc không cầm nổi nước mắt. Mẹ bảo giờ không tiền, không nhà, mẹ đành về ở nhờ nhà cậu mợ. Tôi toan gửi tiền về biếu mẹ, nhưng bà từ chối.

Mẹ bảo: “Con lấy chồng xa nhà. Cứ cất tiền trong túi phòng lúc ốm đau còn có để chi dùng”. Tôi chưa kịp thương mẹ mà bà đã kịp thương con gái. Nước mắt tôi lại càng đầm đìa.

Tôi tức giận gọi điện về cho gia đình. Bố tôi lớn tiếng bảo: “Tao là bố mày. Một nửa máu mày là của tao cho. Giờ mày về phe mẹ mà gạt bố có phải không. Có tiền rồi thì mày làm vương làm tướng trong nhà chứ gì?”.

Tôi rủ các em lên mạng chat để khuyên giải các em. Chúng cứ ậm ừ cho qua chuyện. Tôi biết những lời mình nói chỉ như “nước đổ lá khoai”. Tôi lên nước mặc cả: “Hoặc là các em có người chị này thì mau về quê xin lỗi mẹ hoặc đừng coi có bà chị này nữa”.

Ít lâu sau, bố tôi đã một mực ra tòa ly hôn mẹ rồi dẫn người đàn bà đã ly dị chồng về sống cùng. Bà ta ngang nhiên gọi điện cho tôi nói lời ngon ngọt rồi vòi của. Tôi khinh rẻ hạng người đó nên chỉ nói xã giao mấy câu rồi cúp máy.

Tôi đã gửi tiền về cho cậu mợ ở quê nhờ xây cho mẹ tôi căn nhà mới ở sát nhà cậu mợ. Có người thân sống cạnh sẽ giúp mẹ tôi lúc tuổi già ốm đau. Cậu mợ nói mẹ tôi chỉ có một mong ước được gặp mặt con gái và cháu ngoại. Song các con tôi còn đang nhỏ quá, đi xa không tiện.

Tối hôm trước, chồng tôi tiến lại lau nước mắt cho vợ. Anh ngạc nhiên dò tìm lý do khiến tôi khóc. Tôi kể cho anh nghe cảnh gia đình thiếu thốn vật chất song lúc nào cũng ắp đầy tình cảm của mình trước đây. Tôi nghẹn đắng họng không dám kể cho chồng nghe về hiện tại nhà ngoại.

Cuộc sống không tiền thì khổ trăm bề, song có tiền cũng đâu khiến cho con người ta hạnh phúc. Tôi ở đây làm ra tiền nhưng lại biến thành người con bất hiếu chẳng thể níu kéo được cuộc hôn nhân của bố mẹ, chẳng dạy dỗ được các em. Nỗi lòng của người con gái lấy chồng xa xứ này cứ ngày càng nặng thêm.

Theo Pháp Luật Xã Hội