Từ những ý kiến trái chiều về Đen Vâu và Sơn Tùng, đến lúc cần 'gay gắt' với âm nhạc?

Từ vụ việc về ca khúc “There’s No One At All” của ca sĩ Sơn Tùng cho đến những ý kiến trái chiều xoay quanh “Đi Trong Mùa Hè” của Đen Vâu cho thấy đã đến lúc âm nhạc cũng cần có những đơn vị để đo lường.

Nhìn nhận vai trò của âm nhạc

Cùng với văn chương, sân khấu và điện ảnh, âm nhạc vốn là được xem là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần mỗi người.

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng, âm nhạc là sợi dây gắn kết giữa con người với con người, giúp các cá nhân giao lưu, kết nối. Những thanh âm có thể cảm hóa, làm cho tâm trạng của một người từ buồn bực trở nên vui vẻ, phấn chấn.

Đặc biệt, lời ca, tiếng hát nếu mang thông điệp tích cực sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau. Đúng loại âm nhạc và đúng thời điểm sẽ khiến tâm trạng con người trở nên tốt hơn.

Ngay từ thời kỳ nguyên thủy, trước khi có tiếng nói loài người đã biết hét hò gọi bầy, hò reo ăn mừng, hò la đuổi muông thú, chim chóc,... Các giai điệu trầm bổng cất lên từ giọng người, từ các nhạc cụ thổi hơi thô sơ như sừng thú, ốc biển, ống sậy, lá cây... tạo nên âm nhạc.

Từ những ý kiến trái chiều về Đen Vâu và Sơn Tùng, đến lúc cần gay gắt với âm nhạc?-1
Âm nhạc có vai trò to lớn ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và con người.

Âm nhạc vốn sinh ra với thiên chức cao quý là bồi đắp tâm hồn và định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Trong chiến tranh, âm nhạc còn có sức lan tỏa và thu hút mãnh liệt “Tiếng hát át tiếng bom”, tiếng hát để cổ vũ nhân dân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...  

Bước sang thời kỳ hội nhập, âm nhạc có thêm điều kiện để khoe sắc. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ được đào tạo bài bản, có tài năng, có tâm huyết và niềm say mê cống hiến, sáng tác và đem đến cho khán thính giả những sản phẩm âm nhạc chất lượng, nghiêm túc.

Nhiều ca sĩ trẻ tài năng hăng say tập luyện ngày đêm, “đem chuông đi đánh xứ người” và đã đạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế đáng tự hào.  

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, các nhạc sĩ, ca sỉ “dởm” xuất hiện ngày càng nhiều. Sử dụng chiêu trò, scandal để nổi tiếng. Việc trở thành nhạc sĩ, ca sĩ thời nay dễ đến nỗi người người đều có thể đạt được mong muốn một cách khó hiểu.

Có những người dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng chỉ cần có một vài sáng tác, dù là chỉ để thỏa mãn tâm sự hay hoàn cảnh cá nhân được một vài ca sĩ lăng xê, thế là có thể trở thành nhạc sĩ...

Xuất phát từ những “lỗ hổng” trong khâu quản lý phát hành, ca khúc “There’s No One At All” của Sơn Tùng MTP mới qua khâu kiểm soát và đi ra thị trường.

Trong bối cảnh đất nước vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19 những hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trong MV được cho là có tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Hay như ca khúc “Đi Trong Mùa Hè” của Đen Vâu cũng bị một số khán giả cho rằng thể hiện tinh thần phi thể thao, thói gia trưởng.

Từ những ý kiến trái chiều về Đen Vâu và Sơn Tùng, đến lúc cần gay gắt với âm nhạc?-2
Hai ca khúc của Sơn Tùng và Đen Vâu gây tranh cãi.

Từ những phản ứng gay gắt của dư luận dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh tới các nhạc sĩ, ca sĩ nên tiết chế, điều chỉnh ngôn từ trong các bài hát sao cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là trong bối cảnh như hiện nay - xã hội chưa thực sự “khỏe”.

Trên thực tế, làm cách nào để lời ca, tiếng hát phù hợp với bối cảnh, văn hoá, con người, xã hội vẫn luôn là bài toán cần cơ quan chức năng sớm tìm thấy lời giải đáp?

Từ những ý kiến trái chiều về Đen Vâu và Sơn Tùng, đến lúc cần gay gắt với âm nhạc?-3
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng cả hai ca khúc “There’s No One At All” và “Đi Trong Mùa Hè” đều bỏ qua những tiêu chí “vàng” của nghệ thuật

Vai trò thẩm định là đơn vị đo lường

Nói về những tranh cãi xoay quanh ngôn từ và hình ảnh trong 2 ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP và Đen Vâu, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng cả hai ca khúc “There’s No One At All” và “Đi Trong Mùa Hè” đều bỏ qua những tiêu chí “vàng” của nghệ thuật. Trong đó các yếu tố thuộc về “Chân - thiện - Mỹ” không được đề cao.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa chính vì không chú trọng, không bám sát đến các tiêu chí cơ bản trên cho nên ngay lập tức sau khi phát hành, những tác phẩm âm nhạc  này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận.

“Đối với tác phẩm There’s No One At All của ca sĩ Sơn Tùng MTP, không ai phủ nhận việc nó đã làm đúng vai trò phản án chân thực một góc khuất của cuộc sống là sự cô đơn, lạc lõng của con người, nhưng nếu chỉ dừng ở phản ánh chân thực cuộc sống thì tác phẩm ấy của Tùng chỉ là một bản photo copy hiện thực đầy khô khan và rập khuôn.

Quan trọng khi phản ánh hiện thực, tác phẩm ấy còn hướng con người đến hy vọng sống, thậm chí sống có ích (cái thiện), sống nhân văn tích cực chứ không phải lựa chọn lối thoát quyên sinh đầy u ám.

Còn với tác phẩm của Đen cũng vấp phải lỗi tương tự, ca ngợi tinh thần thể thao nhưng cũng phải hướng đến giá trị căn bản của thể thao là tinh thần thượng võ, yêu chuộng hoà bình chứ không phải dùng những ngôn từ cực đoan kích động các yếu tố “bạo lực”, phi thể thao.

Xa rời các yếu tố vàng của nghệ thuật thì tác phẩm âm nhạc sẽ chỉ còn là sự biểu hiện của ý thích cá nhân người nghệ sĩ, chứ không phải là sự cống hiến. Mà không hướng đến mục đích cống hiến, thì nghệ thuật sẽ chết”, Nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận.

Cũng theo ông Ngô Hương Giang, nghệ thuật là sự sáng tạo. Nó sáng tạo ra một thế giới mà có thể cứu sống, đem lại hy vọng cho con người, nhưng cũng chính nó sẽ tạo ra một không gian đầy tiêu cực nếu như sự sáng tạo của người nghệ sĩ trượt ra khỏi các tiêu chí thẩm mỹ và thiếu trách nhiệm xã hội.

Từ những ý kiến trái chiều về Đen Vâu và Sơn Tùng, đến lúc cần gay gắt với âm nhạc?-4
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, 2 MV của Đen Vâu và Sơn Tùng MTP ra mắt cho thấy "lỗ hổng" trong khâu kiểm duyệt nghệ thuật 

“Tôi đã từng nói, một tác phẩm nghệ thuật có thể cứu sống một con người nhưng nó cũng có thể giết chết cả một xã hội người. Vì vậy khâu kiểm duyệt nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh ý thức trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.

Phải khẳng định rằng, một tác phẩm nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng ngoài sự kiểm soát bằng cái 'tâm trong sáng' của người nghệ sĩ thì việc các cơ quan chức năng, hội đồng thẩm định nghệ thuật có vai trò tác động không nhỏ đến việc phát triển các giá trị của tác phẩm ấy”, ông Giang nhận định.

Đưa ra giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng tràn lan những ca khúc độc có mặt trên thị trường, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đề cao trách nhiệm của người nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm của mình. Anh khẳng định đây chính là  giá trị cốt lõi.

“Ngoài ra việc kiểm duyệt của cơ quan chức năng đối với các kênh phát hành âm nhạc trên không gian số cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể có những bộ quy tắc nghệ thuật trên không gian mạng và được luật hoá đối với nhà cung cấp ứng dụng.

Song song với đó việc phát hiện, tôn vinh kịp thời các nghệ sĩ với những tác phẩm âm nhạc có giá trị cũng là cách để chúng ta ngăn chặn các tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng, không phục vụ các giá trị nhân văn. Điều này phải thẳng thắn rằng các cơ quan chức năng, hội đồng thẩm định nghệ thuật ở ta làm chưa tốt.

Bởi còn có nhiều cuộc thi với những tác phẩm kém chất lượng vẫn được vào chung khảo, vẫn được trao giải khiến những nghệ sĩ giỏi, những tác phẩm hay bị bỏ sót, thậm chí bị bỏ lại phía sau khiến các giá trị nghệ thuật bị đảo lộn, nghệ sĩ mất niềm tin và họ phải chọn kênh thương mại trong âm nhạc để thể hiện.

Tác phẩm nghệ thuật muốn sống tốt và có giá trị thì cần phải có bầu sinh quyển trong lành nuôi dưỡng nó”, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang khẳng định.

 

Theo Đại Đoàn Kết

Xem link gốc Ẩn link gốc http://daidoanket.vn/dinh-luong-trong-am-nhac-don-vi-nao-de-do-luong-5686651.html

Đen Vâu Sơn Tùng MTP

Tin tức mới nhất