Bà Võ Thị Bảy (72 tuổi, bà nội Ánh Viên) xúc động xen lẫn hồi hộp vì không biết khi về nước, Viên có được về quê ngay hay không. Bà đi ra đi vào, những khi không kìm lòng được, bà vội lau nước mắt vì không muốn cô cháu gái yêu về nhìn thấy lại không nỡ đi. Theo bà Bảy, đối với mọi đối thủ, Viên rất đáng gờm, nhưng họ không biết rằng khi rời đường đua, Viên là một cô bé rất nhút nhát và trẻ con.


Vừa bước vào, bất kỳ vị khách nào cũng sẽ choáng ngợp với thành tích "khủng" của Ánh Viên.


Trong đó có cả huân chương lao động, đó là bằng chứng cho sự phấn đấu không mệt mỏi của Ánh Viên.

“Viên sống rất tình cảm. Con bé đáng yêu, vẫn còn con nít lắm, được quà, được bánh đều cười tít mắt. Từ nhỏ, vì nhà gần kênh rạch nên ông nội sợ nó đuối nước, vì vậy 3 tuổi đã tập cho nó bơi. Tính nó rất thích được khen, tuy bơi chẳng được bao nhiêu nhưng hễ ai khen bơi giỏi là nhảy đùng xuống nước, không ngờ Viên đã trở thành một vận động viên bơi lội như ngày hôm nay”, bà Bảy tự hào.

Trên đường đua, Ánh Viên là một đối thủ đáng gờm, nhưng bên ngoài, Viên là cô bé nhút nhát và rất trẻ con. 

Theo bà Bảy, những ngày qua, mỗi lần thấy Viên trên tivi là cả nhà lại cổ vũ rất “khí thế”, bà thì cầu mong Viên đừng thua, bởi vì hơn ai hết bà biết rằng, nếu không thắng Viên sẽ khóc và buồn rất nhiều. Cháu lại xa gia đình, người thân, dẫu biết rằng HLV là người tâm lý, nhưng bà vẫn đứng ngồi không yêu khi nghĩ về cháu gái. Mắc bệnh tim, bà Bảy thậm chí không dám nhìn vào màn hình khi Ánh Viên đang thi, bà chỉ dám ngồi cạnh, nín thở chờ đời mọi người thông báo kết quá. Niềm vui thực sự vỡ òa khi Ánh Viên được đứng lên bục vinh danh cao nhất. 


Bà Bảy xúc động rưng rưng khi nói về cháu gái

Nhớ lại ngày đầu Viên đi theo đội tuyển, bà Bảy không khỏi chạnh lòng vì nghe ai cũng chê cháu bà bơi như… “con loăng quăng”. Có người nói với bà là nhà nghèo, không nên cho Viên đi bơi vì như vậy sẽ thiếu đi nhân lực buôn bán phụ gia đình, người thì nói bà ác vì cháu gái da đã… đen còn cho phơi nắng. Ban đầu người nhà phân vân lắm, chúng tôi cũng không muốn cho Viên đi vì nó còn nhỏ quá, ba mẹ nó cứ cản nhưng vì thấy cháu quá thích bơi nên tôi là người quyết định để cháu đi tập. Lúc đó tôi nghĩ nó tập gần nhà, thi ở mấy tỉnh lân cận, đâu ngờ nó thành công như thế”.


Giọng bà chợt chúng xuống khi kể về hành trình gian nan đi đến thành công của Ánh Viên. Để có được thành tích như ngày hôm nay, Viên đã phải đánh đổi rất nhiều. Bà Bảy run run khi nhớ lại lúc Ánh Viên qua Mỹ luyện tập, lúc đó, Viên ở chung nhà với vợ con huấn luyện viên. Khi thấy mẹ con họ vui vẻ cười đùa cùng nhau, Viên chạnh lòng, trốn ra một góc rồi gọi điện về cho mẹ, cô bé khóc rất nhiều vì nhớ nhà, nhớ mẹ, muốn được ôm mẹ. Lúc đó, cả nhà chỉ biết nhìn nhau khóc mà không thể làm gì ngoài nói với Viên những lời an ủi.

Mỗi khi nhớ cháu gái, cô Chi đều mang vở ra vẽ để động viên tinh thần Ánh Viên.

Cô Nguyễn Thị Chi (SN 1966, cô ruột của Viên) cũng ra vào liên tục ngoài cửa, mặc cho người nhà thông báo 21h30 Viên mới tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM). Cô khoe những khi thấy Viên trên đường đua là cô tự hào la lên “đó, cháu của tôi đó, viên ngọc quý của nhà tôi”, mặc cho trên đường đua đó Viên thắng hay bại, cô cũng tự hào về cháu mình. 




Đều đặc biệt là ở quyển nào cô cũng gửi thông điệp "thắng không kêu, bại không nản" và bài thơ quê hương. Đối với cô đây là lời cô luôn muốn nhắc nhở Viên cố gắng và dù đi đâu và làm gì cũng phải nhớ về quê hương của mình.

Cô Chi “bật mí, Ánh Viên ở nhà còn có tên là Huyền Diệu, Viên thích ăn vịt kho gừng, măng cụt, và đặc biệt chẳng sợ con gì. Lần nào nhớ Viên cô cũng vẽ, vẽ thật nhiều để tặng  cho cháu mỗi khi Viên có dịp về thăm nhà. “Từ tết Dương Lịch đến nay, nó chưa về thêm lần nào, nhớ lắm, có khi nhớ nó quá tôi ngồi khóc một mình. Ánh Viên không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là người thay tôi thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Chính vì thế tôi xem nó như là con ruột vậy”.


Bài tâm sự khi cô Chi biết được cháu của mình đã đạt thành tích "khủng" tại kỳ SEA Games này, bài viết vừa tự hào vừa khuyên Viên hãy nhớ về cội nguồn của mình

Trong quyển vở của cô Chi, trang sách nào cũng có đôi lời nhắn gửi, những khi Viên thắng là sự vui tươi nhưng không khỏi khiêm tốn, những khi Viên bại, cô lại nhắn đôi lời an ủi, mặc dù Viên chưa thể đọc ngay được nhưng cô vẫn vui như đang nói chuyện, khuyên răn cháu mình.

Còn Bảo Trâm (chị họ Ánh Viên) cho biết: “Cả nhà từ trưa đến giờ ai cũng vui vẻ lên hẳn vì biết rằng Viên đã đại thắng trở về. Giờ đây ai cũng biết đến Viên như là một “cô gái vàng”. Thành công đến quá sớm nhưng em ấy chưa bao giờ tỏ ra mình là người đặc biệt, không kiêu căng hay ra vẻ mà luôn tình cảm với  mọi người, đó là điều mà tôi rất quý ở em ấy”.

Tối 12/6, Viên sẽ về Việt Nam cùng bảng thành tích đáng nể: 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, 8 kỷ lục SEA Games 2015 tại Singapo. Sau những thành công vang dội là sự hy sinh của bản thân và sự  ủng hộ âm thầm, tình yêu thương vô bờ của gia đình, khi họ luôn giấu nước mắt vào trong, luôn động viên tinh thần để Ánh Viên có thể yên tâm thi đấu mang vinh quang về cho đất nước.

Theo Trí Thức Trẻ