Theo quy định hiện hành, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp một căn cước điện tử. Mẫu căn cước điện tử mới hiện nay đang dần thay thế cho thẻ  căn cước công dân, chứng minh nhân dân, chứng minh thư cũ.

Thẻ căn cước điện tử được gắn với một chíp điện tử. Thẻ căn cước điện tử sẽ thể hiện các thông tin của cá nhân bao gồm danh tính điện tử: số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt… Cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Bên cạnh đó, căn cước điện tử còn có thể tích hợp được các thông tin như  thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định… giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động khác.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước 2023, nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp dưới đây, công dân sẽ bị khóa căn cước điện tử.

1. Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa.

2. Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

3. Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước.

4. Khi người được cấp căn cước điện tử chết.

Mới đây Bộ Công An đã ban hành mẫu thẻ căn cước mới. Theo Thông tư số 16/2024/TT-BCA, mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước mới sẽ được sử dụng từ ngày 1/7/2024.

Theo Sức Khỏe Đời Sống