Hiện nay, trên thế giới một số quốc gia vẫn cho phép nhà trường và giáo viên phạt roi hay bắt học sinh quỳ để các em thấm những lỗi lầm của mình. Chẳng những ở các quốc gia châu Á gần chúng ta mà một số nước phương Tây hay cả Mỹ, 19 bang cũng có những quy định rõ ràng về hình thức phạt này.
Luật Giáo dục Singapore quy định rất chặt chẽ các mức vi phạm nội quy cần phải phạt roi, khi phạt cần có nhân chứng. Sau đó, toàn bộ thông tin về trường hợp bị phạt sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu của trường.
Đến tháng 4/2017, theo một khảo sát của chính phủ, 53% các trường trung học và 13% các trường tiểu học công khai trên website sẽ áp dụng hình phạt này để phụ huynh có thể tham khảo.
Chủ tịch Hiệp hội giáo viên Malaysia Kamarozaman Abd Razak thừa nhận: “Dù hình phạt thân thể là điều không nên khuyến khích nhưng hiện nay, đó vẫn là điều không thể thiếu với các giáo viên phải quản lý các lớp học có sĩ số ngày càng tăng”.
Trên thực tế, đất nước này cho phép phạt roi học sinh, nhưng giáo viên phải đám bảo roi không chạm trực tiếp trên da và có nhân chứng. Sau đó, trường phải đảm bảo có người tư vấn tâm lý để giải thích cho những học sinh bị phạt lỗi các em đã mắc phải.
Ngôi trường xảy ra vụ việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh vì đã phạt học sinh quỳ khiến nhiều em sợ không dám đến trường.
Tại nhiều quốc gia khác, việc phạt roi luôn đi kèm với những điều kiện chặt chẽ, hợp pháp và đảm bảo danh dự cho học sinh, họ vẫn cho phép giáo viên áp dụng những hình thức như học sinh phải quỳ khi phạm lỗi hay “đánh đòn”. Hàn Quốc, Nhật, Phát, Séc và một số bang của Mỹ hiện đang duy trì chuyện “thương cho roi cho vọt” này.
Dẫn chứng những ví dụ trên, tôi không nhằm biện hộ hay khuyến khích giáo viên bắt học sinh quỳ hay đòn roi với các em. Tôi nghĩ đây là biện pháp cuối cùng, chẳng đặng đừng và ngày càng nên dẹp bỏ dần.
Nhưng chỉ vì bắt học sinh quỳ mà có người lên tiếng nhục mạ cô giáo vừa bị phụ huynh trả thù”, quy kết cô ấy cũng “phạm tội” như ông bố kia thì có khắt khe quá chăng? Ai trong chúng ta chưa bắt quỳ hay chẳng đòn roi với con cái mình xin lên tiếng?
Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh. Ảnh minh họa.
Trong chừng mực nào đó, ở môi trường sư phạm, hình phạt này cần thiết phải áp dụng và giải thích đầy đủ. “Đòn roi” hợp lý sẽ trở thành hình phạt phù hợp và có lẽ cũng không phải là điều quá ghê gớm hay chuyện động trời không thể tha thứ được.
So sánh luôn khập khiễng và có thể thời nay mọi thứ đã khác nhưng nếu không có trận đòn roi của cha tôi mỗi lần trốn học, hái trộm quả thì tôi cũng không biết mình sẽ còn ham chơi đến bao giờ.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ chia sẻ một kinh nghiệm bà đang áp dụng tại gia đình mình là khi con trẻ sai phạm, sẽ cho phép con ngồi một khoảng thời gian nhất định để bé đủ bình tĩnh và suy nghĩ về những gì mình đã làm, sau đó bố mẹ sẽ đến nói chuyện với con. Tôi nghĩ có khi nào “quỳ” một thời gian cần thiết sẽ khiến trẻ bình tâm và dịu lại tính bốc đồng trẻ thơ?
Ở trường con tôi, cháu đã vài lần phải quét cả khoảnh sân lớn vì nghịch ngợm. Hình phạt này đã được thông báo từ lâu và học sinh đồng ý thực hiện, phụ huynh cũng cam kết tự nguyện. Nhờ thế không có chuyện gì xảy ra khi những đứa trẻ vã mồ hôi hàng tiếng vì quét sân trường.
Phụ huynh nổi sung khi cô giáo bắt con mình quỳ gối và trả đũa giáo viên. Ảnh: Tuổi trẻ.
Kết quả lớn hơn thu được là lớp ngoan và giáo viên đỡ vất vả với “đàn con” 34 đứa đang dậy thì. Thỉnh thoảng có bạn cũng phải khoanh tay đứng một chỗ, thậm chí quỳ 5-10 phút sau khi phạm lỗi đến lần thứ 4.
Tất nhiên sau khi bị phạt, có bạn sửa có bạn không nhưng giáo viên chủ nhiệm và con tôi đều cho rằng, học sinh trong lớp ái ngại chuyện phạm lỗi hơn.
Đa số các bé trong lớp cũng không xem đấy là nhục mạ tinh thần hay mất mặt vì như chúng nói “chơi thì phải chịu thôi ba, nếu sợ thì đừng làm. Con học giáo dục công dân nghe nói mai mốt lớn phạm tội còn đi tù nữa”.
Ai phản đối hay kể cả ném gạch đá tôi xin nhận nhưng thật lòng đôi lúc chúng ta nuông chiều trẻ thơ và đòi hỏi ở giáo viên, nhà trường nhiều quá. Mới nuôi dưỡng, dạy bảo 1,2 đứa con mà cực hiếm cha mẹ nào chưa cho nếm đòn roi.
Vậy mà đòi hỏi nhà trường, thầy cô làm sao để chúng ngoan như “thiên thần” khi không được đụng đến cả thể xác lẫn tinh thần? Việc đó có khác nào khó như “hái sao trên trời”? Tôi nghĩ mọi người có lẽ nên nhìn lại, suy nghĩ và rộng lượng hơn khi giáo viên chẳng đặng đừng bắt trẻ phải quỳ xuống để chúng lớn lên anh chị ạ!
Theo Saostar