Gen Z khác gen Y ở điểm nào, vì sao dẫn đến khác biệt?

"Nghỉ việc xóa dữ liệu", "gen Z đi sớm về muộn" là những cụm từ dành được nhiều sự chú ý trong những ngày qua. Câu chuyện bắt nguồn từ việc CEO một công ty tên H lên bài "tố" hai nhân viên cũ của anh có thái độ thiếu chuyên nghiệp khi kết thúc thời gian làm việc.

Sự việc này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với CEO rằng thái độ của hai cô gái trong câu chuyện là không thể chấp nhận, số khác cho rằng công ty H không nên "bóc phốt" nhân viên cũ.

Ngoài ra, trong câu chuyện này, không chỉ hai cô gái là những người thiếu chuyên nghiệp mà chính công ty cũng chưa có cách làm việc hiệu quả, tối ưu nên mới phải "chạy" theo nhân viên.

Cùng với đó, không ít người đưa ra góc nhìn về gen Z. Liệu gen Z có đang bị dư luận đánh đồng về cách cư xử? Vì sao gen X, gen Y, xưa nay ít được nhắc tới nhưng gen Z lại trở thành nhóm người thường xuyên được nhắc đến khi bàn về cách ứng xử ngày nay?

"Gen Z dễ kiếm, dễ tiêu, thiếu coi trọng đồng tiền"

Chia sẻ với Dân Trí, Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1998), chủ một tiệm cà phê có 21 nhân viên đều là gen Z ở TP Bắc Giang: "Tôi là một gen Z. Tôi cho rằng gen Y và gen Z có xuất phát điểm khá khác nhau. Đây có lẽ là một trong những lý do lớn nhất khiến gen Y và gen Z có những góc nhìn, cách đối diện và xử lý vấn đề không giống nhau".

Từ vụ gen Z nghỉ việc rồi xóa dữ liệu: Cứ nhân sự gen Z là nổi loạn?-1
Đối với đa số gen Z, công việc không là vấn đề quá lớn lao, song cũng không vì thế mà kết luận mọi gen Z đều thiếu chuyên nghiệp (Ảnh minh họa: Unsplash).

Gen Z là những bạn trẻ sinh năm 1997 trở về sau. Theo Tuấn Anh, những người này được sinh ra trong thời đại xã hội phát triển, đồng tiền kiếm được dễ hơn, từ đó chi tiêu thoải mái hơn xưa. 

"Tôi nghĩ gen Z được bố mẹ chiều chuộng hơn, được tiếp xúc với mạng xã hội nhiều hơn. Tôi không đánh đồng tất cả nhưng tôi nghĩ đa số gen Y đều vất vả hơn gen Z bây giờ. Tôi cho rằng vì gen Y vất vả hơn nên coi trọng đồng tiền mình làm ra hơn, vì thế họ cẩn thận hơn trong công việc.

Còn gen Z, nhiều bạn có suy nghĩ không làm ở đây thì làm ở nơi khác. Công việc đối với gen Z không phải vấn đề quá lớn lao. Vì thế, thường gặp tình trạng gen Z thiếu chuyên nghiệp khi đi làm", Tuấn Anh chia sẻ. 

Tuấn Anh cho biết, để nhân viên cảm thấy vui vẻ khi đi làm, bản thân người quản lý phải có tính kết nối, thấu hiểu với nhân viên. "Một người quản lý tốt là người biết quan tâm tới cả nhân viên, chứ không chỉ để tâm đến khách hàng",  Tuấn Anh khẳng định.

Để môi trường làm việc thoải mái, Tuấn Anh thường tổ chức những buổi ăn uống để có thêm thời gian trò chuyện, từ đó quản lý dễ dàng thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của nhân viên.

Nhân sự gen Z bị đánh đồng?

Tuy nhiên, Tuấn Anh cho rằng gen Z đang rơi vào tình trạng bị đánh đồng. Việc thiếu chuyên nghiệp có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, không chỉ riêng gen Z. 

"Sự văn minh, chuyên nghiệp trong cuộc sống nói chung hay công việc nói riêng được hình thành từ nhiều yếu tố. Tuổi tác hay kinh nghiệm sống chỉ là một phần quyết định", anh bày tỏ. 

Chia sẻ về lý do sau nhiều câu chuyện "bóc phốt" về thái độ làm việc của gen Z, quản lý gen Z này vẫn giữ vững quan điểm chỉ muốn tuyển nhân viên là gen Z.

Gen Z là những người có sức trẻ. Với ngành dịch vụ, trẻ là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, khi kinh doanh mô hình cà phê, việc tuyển gen Z, những người chưa có nhiều vốn, sẽ "an toàn" hơn cho thương hiệu.

"Việc một nhân viên gen Y copy mô hình và công thức đồ uống dễ xảy ra hơn nhân viên gen Z", Tuấn Anh phân tích. 

Ngoài những yếu tố liên quan đến xuất phát điểm, hoàn cảnh sống, thời đại sống, Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1995), cựu du học sinh Australia, hiện là nhân viên marketing ở công ty Cover Genius (Australia) chia sẻ, trong câu chuyện nghỉ việc gây lùm xùm vừa qua, cả hai phía đều chưa chuyên nghiệp.

Từ vụ gen Z nghỉ việc rồi xóa dữ liệu: Cứ nhân sự gen Z là nổi loạn?-2
Tính kết nối trong công việc là quan trọng, dù với nhân sự gen Z, gen Y hay gen X (Ảnh: Thanh Xuân).

"Ở góc độ của hai bạn nhân viên, việc thường xuyên đi trễ, nghỉ việc không bàn giao, là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, tôi cho rằng cách làm việc của công ty cũng chưa ổn. Bởi lẽ, thông thường, khi gần đến ngày nhân viên nghỉ việc, quản lý phải có trách nhiệm hỏi han, đốc thúc về nhiệm vụ bàn giao, không phải tới khi nghỉ mới hỏi lại và không được là bóc phốt", cô bày tỏ.

Cô nói, sau vài năm học tập và sinh sống ở nước ngoài, cô nhận định việc hoàn thành nghĩa vụ bàn giao công việc trước khi nghỉ là điều hiển nhiên ở phương Tây.  "Vấn đề này đôi khi không cần mang hợp đồng lao động ra nói. Đó là vấn đề đạo đức và cư xử", Phương Thảo khẳng định.

Ngoài ra, Phương Thảo cho biết ở Australia, trong CV xin việc (Curriculum Vitae), thường có một dòng để nhân sự ghi lại thông tin của quản lý cũ. Việc này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng hơn trong việc kiểm tra tính xác thực những thông tin ứng viên đưa ra.

Với Phương Thảo, dòng ghi chú này có thể khiến mỗi người ý thức hơn với tổ chức cũ. Bởi lẽ cách cư xử, thái độ làm việc, hiệu quả công việc ở nơi cũ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc bạn có được nhận vào tổ chức mới hay không. 

Theo cô, các công ty ở Việt Nam cũng nên áp dụng yêu cầu này vào quá trình tuyển dụng để hạn chế việc ứng viên nói sai sự thật về công việc ở quá khứ.

Theo Dân Trí