Mới đây, tại TPHCM đã xảy ra một trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Theo đó, vào ngày 13/3, bà T.L. (nữ Việt kiều 70 tuổi) đến một bệnh viện thẩm mỹ để thực hiện phẫu thuật căng da mặt và cắt thừa da mi dưới. Ít phút sau khi hoàn tất ca mổ, người phụ nữ xuất hiện triệu chứng kích thích, tri giác lơ mơ rồi ngưng thở, huyết áp không đo được.

Dù phía cơ sở thẩm mỹ đã tiến hành xử lý tích cực cho bệnh nhân theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ rồi chuyển khẩn sang tuyến trên, nhưng người phụ nữ sau đó không qua khỏi.

Căng da mặt không chỉ đụng đến phần da

Nguyên nhân xảy ra vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là căng da mặt có rủi ro hay không, và đối tượng nào dễ xảy ra biến chứng khi thực hiện căng da mặt?

Trao đổi xoay quanh vấn đề trên, một bác sĩ có nhiều năm công tác tại chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện công lập ở TPHCM cho biết, đa số phụ nữ ngoài 50 tuổi sẽ biểu hiện rõ tình trạng lão hóa da. Da trên mặt chảy xệ xuống tạo ra những rãnh ở má sâu hơn, làm khuôn mặt già đi.

Căng da mặt là thủ thuật làm đẹp rất phổ biến để xử lý tình trạng trên. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp căng da mặt khác nhau, nhưng hầu hết đều phải thực hiện những bước cơ bản chung. Đó là thăm khám và tư vấn cho khách hàng, vệ sinh da, đo đạc kích thước và đánh dấu vị trí bóc tách để tránh làm tổn thương các vùng bên trong, cuối cùng mới tiến hành căng da.

Theo bác sĩ, bản chất của căng da mặt không phải chỉ đụng đến phần da mà phải căng cả khối cơ từ bên trong. Sau khi rạch, bóc tách hết toàn bộ lớp da lên, bác sĩ sẽ đưa khối cơ bám da mặt bị chùng phía dưới trả về vị trí cũ, đồng thời bỏ vùng da dư đi. Tùy theo mức độ chùng da của khách hàng mà đường mổ ngắn hay dài, can thiệp thẩm mỹ ít hay nhiều.

Ai dễ nguy hiểm khi căng da mặt?

Về đối tượng thực hiện, bác sĩ cho biết, phần lớn các chị em phụ nữ đều có thể căng da mặt. Tuy nhiên, nếu khách hàng có các bệnh lý nội khoa như tiểu đường, các bệnh về tim mạch, các bệnh tự miễn thì không nên nghĩ đến thủ thuật này, vì có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Một trong những biến chứng rất nguy hiểm là gây liệt dây thần kinh số 7, làm bệnh nhân méo mặt, liệt cơ mặt. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử da, lâu lành vết thương, sốc chấn thương… Nếu nhiều bệnh nền đi kèm, trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Thời gian thực hiện căng da mặt 2 bên kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ nên gần như không có cảm giác đau. Phẫu thuật căng da mặt đòi hỏi nhiều ở khía cạnh tỉ mỉ. Vì cuộc mổ kéo dài, bệnh nhân cần được tầm soát tất cả các yếu tố nguy cơ, theo dõi tiền phẫu kỹ lưỡng.

Sau khi căng da mặt, khoảng 1 tuần bệnh nhân được cắt chỉ. Thời gian 2-3 tuần đầu, bệnh nhân có thể mất cảm giác da nhẹ, sau đó sẽ dần trở lại bình thường.

Từ vụ Việt kiều tử vong sau làm đẹp ở mặt: Ai dễ nguy hiểm khi căng da mặt?-1
Theo bác sĩ thẩm mỹ, liệt dây thần kinh số 7 là một trong những biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện căng da mặt (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo bác sĩ, người càng lớn tuổi da càng chùng xuống, độ đàn hồi kém, và tốc độ lão hóa da sẽ càng nhanh. Do đó, một thủ thuật căng da mặt sau khi thực hiện thành công cũng chỉ có giá trị sử dụng trong khoảng 5-10 năm, tùy thuộc vào cơ địa và cách chăm sóc da của chị em. Nếu làm đẹp xong mà không bảo vệ, da cũng rất nhanh xuống cấp.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ nếu thiếu tự tin vì khuôn mặt bị lão hóa, chảy xệ có thể nghĩ đến phương pháp căng da mặt.

Tuy nhiên, phải tìm đến những cơ sở y tế uy tín được cấp phép, đầy đủ các trang thiết bị và có bác sĩ đủ chuyên môn, bằng cấp. Trước khi thực hiện căng da mặt nói riêng và can thiệp thẩm mỹ nói chung, cần tìm hiểu kỹ các nguy cơ có thể xảy đến, để cân nhắc chọn lựa phù hợp.

Theo Dân Trí