Một buổi chiều, giờ tan học tôi đứng ở cổng trường đợi mẹ. Thấy mẹ đạp xe tới gần tôi liền vui mừng gọi, mẹ nhìn tôi cười tươi chuẩn bị đạp xe sang đường, một chiếc xe máy lao tới và mẹ ngã.

Cả hai chị em tôi đã ngồi khóc đợi mẹ về suốt đêm. Cuối cùng thì sáng hôm sau mẹ cũng về nhưng trong hình hài bất động. Bố tôi nói: "Mẹ các con mất rồi". Chỉ sau một đêm, bố trông như một người khác. 

Sự ra đi của mẹ ám ảnh tôi suốt tuổi ấu thơ. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng vì tôi mà mẹ chết, mặc dù bố tôi nói mỗi người sinh ra đều có số mệnh sẵn rồi, và số mệnh của mẹ chỉ ngắn chừng ấy thôi, thì tôi vẫn luôn cho rằng nếu không phải vì mẹ mải nhìn theo tiếng gọi của tôi sẽ không phải ra đi trong đớn đau như vậy.

Khi ấy tôi 8 tuổi, chị tôi vừa mới lên 10. Ba bố con tôi đã cùng nhau đi qua những tháng ngày lao đao vì thiếu mẹ. Bố vừa làm bố lại vừa phải làm mẹ, vụng về lúng túng khi hai cô con gái bắt đầu chớm tuổi dậy thì.

Từng dọa tự tử để ngăn bố tái hôn, tôi khóc khi tết về thăm bố-1
Chiều ba mươi Tết tôi về nhà, vừa bước vào đã thấy bố ngồi một mình bên mâm cơm (Ảnh minh họa: Sohu).

Mỗi người dần dần đều phải làm quen với những nhiệm vụ và khó khăn của mình. Chị em tôi cũng vì thương bố mà sớm học cách tự lập, bảo ban nhau học hành, sớm tháo vát việc nhà để bố yên tâm ra ngoài kiếm tiền lo cho hai chị em ăn học.

Năm tôi 16 tuổi, một hôm đi học về, tôi tình cờ nghe tiếng bà nội ở trong nhà. Bà bảo mẹ tôi mất cũng gần chục năm rồi, con cái cũng sắp trưởng thành rồi, bố tôi không thể cứ sống một mình đến hết đời được.

Bà nói có cô nào đó hiền lành chăm chỉ lại muộn chồng, bà đã ướm hỏi, cô ấy cũng không chối từ, hỏi bố tôi xem định thế nào bà còn lo liệu. Bố tôi nghe xong chỉ lí nhí trả lời: "Để từ từ con tính".

Tất nhiên tôi phản đối chuyện này. Sau khi mẹ mất, qua những ngày khó khăn thời gian đầu, ba bố con tôi đã sống rất tốt. Niềm vui đã trở lại, nụ cười đã vang lên ấm áp trong những bữa cơm.

Bố già đi, chị em tôi sẽ lớn, sẽ đi làm nuôi bố. Nếu cần, tôi sẽ không lấy chồng, sẽ ở vậy chăm sóc bố hết đời, bố thật sự không cần phải lo về sau, không cần lấy vợ.

Tôi hỏi chị tôi: "Nếu bố lấy vợ thì chị có đồng ý không?". Chị tôi lớn hơn tôi có 2 tuổi nhưng suy nghĩ thì hoàn toàn khác. Chị bảo: "Chị đồng ý nếu đó thật sự là điều bố muốn". Tôi hét lên bảo chị ấy điên rồi, cuộc sống của chúng tôi sẽ thế nào nếu nhà có thêm mẹ kế.

Tối đó, tôi cầm một con dao nhỏ giấu sau lưng đến gần bố và hỏi: "Bà nội muốn bố lấy vợ mới, bố sẽ làm như vậy phải không?".

Bố tôi chưa trả lời thì tôi đã lấy con dao ra, vừa hét vừa khóc: "Nếu bố lấy mẹ kế thì con không muốn sống nữa. Con chỉ cần bố là của mẹ, của riêng chúng con thôi. Nếu chúng con không khiến bố vui thì con không cần sống nữa".

Bố hoảng hốt nhìn tôi, vừa bất ngờ vừa lúng túng. Bố giằng con dao ra khỏi tay tôi rồi ôm chầm tôi nói: "Không, bố không lấy vợ, bố chỉ cần các con thôi". Bàn tay bố ôm tôi bắt đầu rỉ máu. Lưỡi dao sắc đã cứa vào lòng bàn tay bố khi bố giật con dao ra khỏi tay tôi.

Từ đó về sau, dù bà nội và các cô các chú có thuyết phục thế nào bố cũng chỉ lắc đầu từ chối. Tôi đã học hành thật chăm chỉ, đạt nhiều thành tích tốt để bố luôn tự hào. Và có lẽ bố đã rất tự hào về chị em tôi. Đi đâu bố cũng khoe con, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.

Thế nhưng có một điều tôi đã tự hứa với lòng nhưng không làm được, đó là không lấy chồng để chăm lo cho bố. Chị tôi lấy chồng năm 26 tuổi, hai năm sau tôi cũng cất bước theo chồng.

Tôi tự nhủ tuy không ở chung nhà nhưng lấy chồng gần, mỗi ngày tôi đều có thể về thăm bố. Mỗi khi bố đau ốm hay cần gì tôi đều có thể qua lại.

Bố thì nói rằng: "Gả được hai quả bom nổ chậm đi rồi, bố mừng không hết chứ có gì đâu mà buồn. Tuổi già được sống một mình, tự do tự tại, làm những gì mình thích chẳng ai phiền hà không phải là tốt nhất sao?". Tôi luôn nghĩ bố đã nói thật lòng.

Tết năm nay là tết đầu tiên tôi ăn tết ở nhà chồng. Vì là dâu mới, tôi phải lo chu toàn bên nhà chồng rồi mới có thể ghé về thăm bố. Chiều ba mươi, tôi về nhà, vừa bước vào sân đã thấy bố ngồi một mình bên mâm cơm.

Thấy tôi về bố liền chạy vào lấy thêm bát đũa. Tôi nhìn mâm cơm có đầy đủ những món mà chị em tôi vẫn thường thích ăn. Trên ban thờ mẹ, hai lọ cúc tươi vàng rực rỡ, nén hương thơm đang cháy dở.

Bố bảo nay bố làm mâm cơm cúng tất niên, định gọi hai đứa về ăn cùng cho vui nhưng nghĩ ngày cuối năm nhà ai cũng cúng tất niên cả nên lại thôi. Bên nhà hàng xóm, tiếng chúc tụng ồn ào bay sang tận nhà tôi, vậy mà bố lại một mình một mâm cơm vào chiều cuối năm. Nghĩ đến đó tôi không kìm nổi nước mắt.

Giá như mà còn mẹ. Giá như mà bố tôi lúc này có một người phụ nữ cạnh bên thì tuổi già đỡ cô quạnh hiu hắt biết mấy. Tôi thật sự hối hận vì từng ngăn cản bố tái hôn.

Tôi bảo bố: "Hay là bố lấy vợ đi cho đỡ buồn. Bây giờ con không cản bố nữa". Bố nhìn tôi, vẻ xúc động: "Hồi còn trẻ bố còn không lấy, giờ này còn lấy vợ làm gì nữa. Con xem, bố đã già như thế này rồi, còn có ai dại dột mà đâm đầu vào không? Con đừng lo, chỉ cần các con sống tốt, sống hạnh phúc thì đó cũng là niềm hạnh phúc của bố".

Tôi trở về nhà, lòng bao nỗi ngổn ngang. Đêm giao thừa, trong không khí vui vẻ ở nhà chồng, tôi bấm điện thoại gọi bố. Bố bảo trời lạnh quá, bố cúng giao thừa xong đã lên giường nằm rồi, nhưng vì biết thể nào con gái cũng sẽ gọi về nên bố nằm thức đợi.

Tôi đã khóc thật to trong điện thoại vì thương bố. Ở đời, có những chuyện, khi hiểu ra thì đã quá muộn mất rồi.

Theo Dân Trí