Đứa trẻ khuyết tật bị cha mẹ ruồng bỏ
Oksana Masters (tên khai sinh là Oksana Alexandrovna Bondarchuk) sinh ngày 19/6/1989 ở Ukraine, là một vận động viên khuyết tật người Mỹ gốc Ukraine. Cô là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Chernobyl tháng 4/1986.
Ngay khi lọt lòng, Oksana đã bị khuyết tật do mẹ cô bị nhiễm phóng xạ: chân trái ngắn hơn chân phải, cả 2 chân đều rất yếu, có tới 6 ngón chân, 5 ngón tay nhưng lại không có ngón tay cái và chỉ có duy nhất 1 quả thận. Chính bởi sinh ra một đứa trẻ không lành lặn mà cha mẹ Oksana đã bỏ rơi con mình ở trại trẻ mồ côi.
Tuổi thơ của cô chỉ là những ký ức kinh hoàng vì bị lạm dụng cùng những ngày tháng đói rét. "Nhiều đêm, tôi mất ngủ vì quá đói. Tôi không biết làm gì nữa, chỉ dành phần lớn thời gian để cầu nguyện rằng tôi sẽ được một gia đình nhận nuôi, và tôi khát khao có một người mẹ của riêng mình.
Những đứa trẻ trong trại nói với tôi rằng: 'Cậu sẽ không bao giờ có được một gia đình đâu. Không ai muốn nhận nuôi cậu hết!'. Khi tôi lên 7, tôi đã chứng minh cho họ thấy rằng họ đã sai lầm", Oksana trải lòng trên tạp chí Cosmopolitan.
Oksana (đi boot) chụp cùng một số bạn trong trại mồ côi ở Ukraine
7 năm trời sống trong trại mồ côi là quãng thời gian kinh khủng mà Oksana không bao giờ muốn nhớ tới. Không chỉ thường xuyên bị bỏ đói, cô còn bị những đứa trẻ khác bắt nạt và bị nhân viên lạm dụng tình dục. Tuy nhiên cô chỉ biết chịu đựng và hy vọng vào một tương lai tươi sáng, một gia đình tử tế sẽ nhận cô làm con nuôi và cô chưa bao giờ có ý định tố cáo những kẻ đã xâm hại mình.
Năm 1994, cô bé Oksana gặp Gay Masters, người phụ nữ Mỹ sau này sẽ trở thành mẹ nuôi của cô. Tuy nhiên ở thời điểm đó, luật pháp Ukraine không cho phép người nước ngoài nhận con nuôi trên đất nước của họ. Gay đã phải đợi chờ tới 2 năm sau đó, khi Oksana tròn 7 tuổi mới được nhận cô bé làm con.
Nói về câu chuyện của Oksana Masters, các nhà chức trách cho biết họ không bao giờ nghĩ rằng cô bé khuyết tật này sẽ được một gia đình nhận nuôi. Hơn nữa, người muốn nhận nuôi cô bé lại là một nhà trị liệu ngôn ngữ sống ở Mỹ. Gay Masters chia sẻ cô đã muốn nhận Oksana ngay khi nhìn thấy bức ảnh cô bé trên mạng.
Hai năm đợi chờ để hoàn tất thủ tục nhận con nuôi với cả hai mẹ con Masters đều dài đằng đẵng. Cô bé Oksana thì lo sợ Gay sẽ không quay trở lại Ukraine để đón cô nữa, còn Gay thì lo lắng mình sẽ không thể nhận cô bé khuyết tật này làm con. Nhưng người phụ nữ tốt bụng này vẫn thường xuyên gửi thư và hình ảnh nhà của mình ở Mỹ cho Oksana.
Cuối cùng thì khoảnh khắc định mệnh cũng tới. Năm 1996, thủ tục nhận nuôi Oksana hoàn tất, Gay Masters chính thức trở thành mẹ nuôi của cô bé và đưa Oksana trở về Mỹ sinh sống. Cuộc đời của cô bé tật nguyền bị chính cha mẹ ruột rũ bỏ đã bước sang một trang mới...
Oksana bên mẹ nuôi Gay Masters
Chuyến đi đổi đời
Lần đầu tiên Oksana Masters tới Mỹ khi cô sắp 8 tuổi, chỉ nặng vẻn vẹn 35 kg và thể trạng ngày càng yếu, đặc biệt là đôi chân gần như không thể tự đi lại; nhưng bù lại Oksana có được tình thương vô hạn và sự trợ giúp đắc lực của gia đình mới.
"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều đồ chơi tới vậy, và thậm chí không biết phải chơi như thế nào. Ban đầu, tôi và mẹ gặp nhiều khó khăn về giao tiếp. Bà không nói được tiếng Ukraine còn tôi không nói được tiếng Anh. Hầu như chúng tôi phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để hiểu nhau", Oksana kể.
Tới Mỹ, cô bé được đưa tới bệnh viện điều trị. Năm 9 tuổi, các bác sĩ đề nghị gia đình phải chấp nhận bỏ đi đôi chân của Oksana để sức khỏe của cô bé được phồi hồi tốt. Sau hai cuộc đại phẫu năm 9 và 13 tuổi, Oksana Masters đã mất đi cả đôi chân và được thay thế bằng chân giả.
Phải mất một thời gian dài sau đó để Oksana làm quen với đôi chân thay thế, nhưng cô bé không bao giờ bi quan với cuộc đời.
Khi đã sử dụng thành thạo đôi chân giả, Oksana Masters tỏ ra là một cô bé năng động, yêu thích các hoạt động thể thao như chạy, trượt patin, đạp xe và đặc biệt là chèo thuyền. Oksana có niềm đam mê bất tận với chèo thuyền và quyết tâm theo đuổi nó. Chính nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ luyện tập mà cô đã được nhận vào Đội Vận động viên khuyết tật Mỹ.
Năm 2010, khi mới 21 tuổi, Oksana Masters để lại dấu ấn tại cuộc thi CRASH-B Sprints, sau đó lại giành chiến thắng trong cuộc đua thuyền của Indianapolis Rowing Club.
"Tôi bắt đầu chèo thuyền khi một giáo viên mời tôi tham gia câu lạc bộ chèo thuyền. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên khi tôi bước xuống thuyền... Tôi có thể cảm nhận sức mạnh của cơ thể trong mỗi bước di chuyển. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình tràn trề năng lượng", Oksana bùi ngùi nhớ lại.
Năm 2012, cô cùng đồng đội là Rob Jones - cựu thủy quân lục chiến bị mất 2 chân trong khi tham chiến tại Afghanistan, giành huy chương đồng tại Thế vận hội Paralympics diễn ra ở London, Anh. Từ đó tên tuổi của Oksana Masters được cả thế giới biết tới, đặc biệt trong làng thể thao khuyết tật.
Sau đó, Oksana thường xuyên nhận được những lời mời phỏng vấn và xuất hiện trên báo chí cũng như truyền hình. Cô còn nhận được lời mời chụp ảnh nude nghệ thuật từ tạp chí thể thao The Body Issue.
Không ngần ngại gì về cơ thể khiếm khuyết của mình, Oksana Masters đã nhận lời mời đó. Loạt ảnh nghệ thuật của người đẹp khuyết tật trong làng thể thao đã khiến cả thế giới phải cúi đầu trước sự tự tin và nghị lực của cô gái vàng làng thể thao Mỹ.
Oksana Masters và Rob Jones trong lễ trao giải đua thuyền tại Thế vận hội Paralympics ở Anh năm 2012
Oksana Masters trong bộ ảnh nude nghệ thuật trên tạp chí thể thao "The Body Issue" 2012
“Lớn lên trong một trại trẻ mồ côi ở Ukraine, thức ăn là thứ xa xỉ với tôi. Tôi có thể nhịn ăn cả ngày chỉ cần không nghĩ đến nó. Ý nghĩ có sức mạnh rất phi thường, nó giúp bạn có thể tự thoát khỏi cảm giác thèm ăn”, Oksana chia sẻ trên tạp chí.
Bên cạnh niềm đam mê chèo thuyền, cô còn yêu thích trượt tuyết. Oksana bén duyên với môn thể thao này từ năm 2013, sau khi gặp một huấn luyện viên trượt tuyết, cô đã chủ động đề nghị người này hướng dẫn cô.
"Lần đầu tiên khi bắt đầu trượt, tôi đã thực sự muốn đi thật nhanh lên dốc. Nhưng trượt tuyết không phải môn thể thao mà bạn chỉ cần dùng sức lực để tham gia. Bạn phải dành thời gian cho nó, yêu mến nó thì mới có thể chơi tốt!", Oksana nói.
Chính môn thể thao này đã se duyên cho Oksana và bạn trai Aaron Pike. Chia sẻ với tạp chí Cosmopolitan, Oksana nói: "Aaron Pike là một vận động viên Paralympic đến từ Illinois. Chúng tôi gặp nhau ở Sochi, Nga năm 2014 tại thế vận hội Olympic, rồi hẹn hò nhau đi uống cafe và đi dạo quanh ngôi làng Olympic. Khi trở về Mỹ, anh ấy quay về nhà còn tôi trở lại Kentucky. Dù xa nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc và tiếp tục hẹn hò sau đó".
Oksana và bạn trai Aaron Pike
Cũng tại Thế vận hội mùa đông Paralympics tại Sochi, Oksana đã giành được huy chương bạc và đồng với môn trượt tuyết khi mới 25 tuổi. Hiện, Oksana đang tập trung luyện tập cho Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra ở PyeongChang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc vào giữa tháng 2 tới đây.
"Tôi biết tôi luôn có lý do để cảm thấy buồn tủi hay đáng tiếc cho bản thân mình. Nhưng tôi nghĩ tất cả chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Tôi mong mọi người cũng vậy!", Oksana nói. Câu chuyện về cuộc đời cô bé Ukraine khuyết tật bị bỏ rơi ngày nào đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt với những người mang khiếm khuyết bẩm sinh.
Video: Khiếm khuyết cơ thể không ngăn cản Oksana theo đuổi niềm đam mê
Mộc
Theo Vietnamnet