Ở thời điểm này, cái tên Lê Hữu Toàn không còn xa lạ đối với người hâm mộ quyền anh cả nước, bởi anh có đến 3 lần liên tiếp vô địch quốc gia, giành đai vô địch WBA châu Á năm 2022, là võ sĩ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử lọt vào top 8 võ sĩ mạnh nhất thế giới ở hạng cân của mình (minimum weight - 47,5kg).
Nhưng để đến được thành công của ngày hôm nay là câu chuyện dài, rất dài đối với Lê Hữu Toàn. Một chiều đầu tháng 3, từ miền quê nghèo ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), Lê Hữu Toàn trò chuyện với phóng viên Dân trí, về con đường không hề bằng phẳng trong sự nghiệp của anh.
Câu chuyện từ rẫy cà phê của cha mẹ Lê Hữu Toàn, sang giảng đường Cao đẳng cho đến sàn đấu quyền anh chuyên nghiệp...
Cái tên Lê Hữu Toàn không còn xa lạ với người hâm mộ quyền anh Việt Nam hiện nay (Ảnh: H.B).
"Tay ngang" trở thành nhà vô địch
- Dân làng võ vẫn nói với nhau rằng, con đường đến với sân đấu quyền anh chuyên nghiệp của Lê Hữu Toàn hết sức tình cờ, rằng anh không hề là "con nhà nòi" trong môn này?
Đúng là hết sức tình cờ, mãi đến năm 14 tuổi (năm 2007), tôi mới bắt đầu tập võ. Ngày đấy, cha mẹ thấy tôi nhỏ con quá (Lê Hữu Toàn cao 1m58), ốm yếu quá nên cho đi tập võ để rắn rỏi hơn, mạnh mẽ hơn, đỡ nhút nhát hơn.
Cái buổi ban đầu ấy, gia đình và bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đấy sẽ là con đường sự nghiệp của tôi sau này.
Những ngày đầu tiên khi đến với võ thuật, tôi cũng không hề tập boxing, không hề tập quyền anh. Môn võ đầu tiên mà tôi tập luyện là Vovinam.
Được một thời gian, tôi lại chuyển sang tập Wushu, với nội dung tán thủ (nội dung thi đấu đối kháng trong môn Wushu). Tiếp đó là môn kickboxing. Có nghĩa là đến mãi tận sau này, tôi mới chuyển hẳn sang boxing, chuyển hẳn sang với quyền anh.
Lê Hữu Toàn bắt đầu tập võ với môn Vovinam, nhưng lại thành công với quyền anh (Ảnh: H.B).
- Vậy thì anh có bao nhiêu năm chỉ tập chuyên biệt quyền anh? Và mất bao nhiêu năm nữa để trở thành nhà vô địch trong hạng cân của mình?
Tôi chỉ mới chuyển sang tập quyền anh trong khoảng hơn 4 năm qua thôi. Tôi cũng chỉ mới chuyển lên thi đấu quyền anh chuyên nghiệp hơn 4 năm qua, từ năm 2019.
Môn này với tôi mới mẻ đến mức mà khi bắt đầu bước lên sàn đấu chuyên nghiệp, tôi nhút nhát chẳng kém ngày chưa tập võ.
Những ngày đầu tôi chuyển sang thi đấu quyền anh chuyên nghiệp, ba mẹ tôi lo lắm. Mẹ tôi không dám xem tôi thi đấu. Anh biết rồi đấy, quyền anh là môn rất khắc nghiệt, đấm nhau sưng cả mặt mũi, phụ huynh nào nỡ nhìn con cái như vậy.
Lê Hữu Toàn với đai vô địch WBA châu Á năm 2022 (Ảnh: H.B).
- Là dân không chuyên bước lên võ đài, lại chỉ tập quyền anh trong thời gian ngắn ngủi trước khi trở thành võ sĩ chuyên nghiệp, nhưng lại liên tiếp có thành tựu, đâu là bí quyết tạo nên Lê Hữu Toàn ngày nay?
Không dám gọi là bí quyết. Với tôi, có lẽ những năm tháng khó khăn khi còn nhỏ giúp tôi có được sự kiên trì. Nhà tôi đông anh em, nhà có rẫy cà phê, ngày đó các chị em tôi mỗi ngày đi học một buổi, buổi còn lại lên rẫy phụ cha mẹ trồng cà phê.
Tôi biết nếu mình không cố gắng, nếu bản thân không kiên trì, chúng tôi sẽ khổ mãi. Tôi quyết tâm đến cùng cũng là để chứng minh con đường tôi đã chọn là con đường đúng. Giờ đây, tôi vui khi cha mẹ tôi cũng vui và tự hào vì những gì tôi đã làm được.
Tôi có ước mơ và dám theo đuổi ước mơ của mình đến cùng, còn mẹ tôi vui vì tôi đã làm được việc có ích cho cộng đồng, truyền được cảm hứng cho cộng đồng.
Những năm tháng khó khăn khi còn nhỏ tạo nên một Lê Hữu Toàn rất kiên trì và rất lì đòn trên võ đài (Ảnh: H.B).
Rời giảng đường bước lên sàn đấu chuyên nghiệp
- Có vẻ như những chuyện ly kỳ trên con đường đến với võ đài chuyên nghiệp của võ sĩ Lê Hữu Toàn chưa dừng lại, khác với nhiều võ sĩ khác, anh từng là sinh viên, từng ngồi trên giảng đường Đại học?
Đó cũng là một giai đoạn khác của cuộc đời tôi. Tôi thi đậu hệ Cao đẳng thuộc Đại học Tài Nguyên Môi Trường tại TPHCM, là sinh viên của Khoa Khí Tượng Thủy Văn của đại học này năm 2012.
Nhưng học được một năm thì tôi nghỉ, tự bỏ ra ngoài đi làm kiếm sống. Ngày đó tôi làm công nhân, lương hàng tháng đủ sống thôi, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, quyết tập luyện võ thuật đến cùng.
Hơn nữa, trong suy nghĩ của tôi lúc đó, ngành học mà tôi theo đuổi khi ra trường chắc khó tìm việc, nên tôi quyết định rẽ theo hướng khác mà tôi cho rằng phù hợp hơn với mình.
Trước khi theo nghiệp võ, Lê Hữu Toàn từng là sinh viên hệ Cao đẳng thuộc Đại học Tài Nguyên Môi Trường TPHCM, khoa Khí Tượng Thủy Văn (Ảnh: H.B).
Chuyện tôi bỏ học, tôi không dám nói với gia đình, vì cha mẹ tốn biết bao nhiêu tiền mới lo được cho tôi ăn học, cho tôi ngồi vào giảng đường. Phải đến Tết năm đó, nửa năm sau khi bỏ học, tôi mới dám về báo với gia đình.
Cha mẹ tôi khi đó sốc thật sự. Nhưng như đã nói, tôi có đam mê, tôi theo đuổi đam mê của mình, tôi không hối tiếc về quyết định ngày ấy.
- Giờ thì Lê Hữu Toàn đã ngoài 30 tuổi, độ tuổi có lẽ đã đến lúc nghĩ đến chuyện sinh kế sau sự nghiệp vận động viên đỉnh cao, bản thân anh có dự định gì không?
Tôi đã mở một phòng tập tại quê nhà, vừa là nơi tôi tập luyện mỗi khi về đây, vừa có thể phát triển phong trào quyền anh ở địa phương.
Lê Hữu Toàn là võ sĩ đầu tiên trong lịch sử quyền anh Việt Nam lọt vào top 8 thế giới ở hạng cân của mình (minimum weight) - Ảnh: H.B
Ngoài ra, tôi hy vọng thông qua phòng tập của tôi, nếu một bạn trẻ nào đó muốn thay đổi cuộc đời, muốn có định hướng nghề nghiệp khác liên quan đến quyền anh, họ có thể tìm đến tôi. Phòng tập hiện tại như thể tôi tái hiện ước mơ và đam mê của chính tôi ngày nào.
Nhưng đó chỉ là sự chuẩn bị của tương lai lâu dài. Còn trước mắt, tôi vẫn muốn thi đấu chuyên nghiệp thêm nhiều năm nữa. Tôi vẫn lắng nghe cơ thể của mình, vẫn cảm thấy mình đủ sức đứng trên võ đài.
Căn nhà nhỏ của cha mẹ Lê Hữu Toàn ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), nơi anh vẫn tìm về mỗi khi không phải đi thi đấu (Ảnh: NVCC).
Tôi vẫn sẽ là võ sĩ chuyên nghiệp chừng nào cảm thấy mình đủ sức thi đấu đỉnh cao. Tôi biết có nhiều võ sĩ thi đấu quyền anh nhà nghề đến 40-45 tuổi. Đôi khi, tôi muốn được như họ, muốn kéo dài sự nghiệp võ sĩ của mình lâu nhất có thể.
- Có nghĩa là Lê Hữu Toàn vẫn còn những mục tiêu cần chinh phục trong sự nghiệp võ sĩ nhà nghề?
Tôi vẫn muốn có thêm nhiều danh hiệu nữa ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Vẫn còn các đai vô địch khác thuộc các hiệp hội quyền anh trên toàn cầu mà tôi muốn hướng đến. Ngoài ra, tôi cũng muốn tranh đai vô địch thế giới. Nên vào lúc này, tôi chưa nghĩ đến chuyện giải nghệ.
Lê Hữu Toàn bên cha mẹ và các chị em (Ảnh: NVCC).
Hơn nữa, có một điều nữa khiến tôi luôn cảm thấy thiếu sót, đó là tôi chưa một lần được tham dự SEA Games, chưa từng có thành tích ở đấu trường này.
Lý do là hạng minimum weight của tôi không có trong chương trình thi đấu tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Tôi mong thời gian tới đây mọi việc sẽ thay đổi, để tôi có điều kiện đại diện cho quyền anh Việt Nam dự SEA Games.
Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công hơn nữa!
Đôi nét về võ sĩ Lê Hữu Toàn Lê Hữu Toàn sinh năm 1993, tại Đắk Lắk, trong gia đình có 4 chị em. Lê Hữu Toàn là con thứ 3 trong gia đình và là con trai duy nhất. Anh Thi đấu ở hạng minimum weight (47,5kg), 3 lần giành đai vô địch quyền anh toàn quốc các năm 2020, 2021 và 2022. Anh giành đai vô địch WBA châu Á năm 2022. Cũng trong năm đó, Lê Hữu Toàn vào top 8 võ sĩ hàng đầu thế giới trong hạng cân của mình. Anh trở thành võ sĩ đầu tiên trong lịch sử quyền anh Việt Nam làm được điều trên. Sở thích khác của Lê Hữu Toàn là đi xe đạp xuyên Việt. Võ sĩ quyền anh này đã 2 lần đi xuyên Việt bằng xe đạp. Lần đầu là vào cuối năm 2016, Lê Hữu Toàn đạp xe từ Cà Mau đến Hà Giang trong vòng 2 tháng. Lần thứ hai vào năm 2022, ngay sau khi anh giành đai WBA châu Á. Khi đó, Lê Hữu Toàn đạp xe từ TPHCM ra đến Hà Nội. |
Theo Dân Trí