Sự băng hoại về đạo đức, nhân cách con người
Công an Hà Nội đã có khởi tố, bắt giam 4 tháng đối với Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) để điều tra hành vi Giết người.
Nạn nhân là bé gái 3 tuổi được phát hiện bị 9 cái đinh găm vào đầu. Trước khi nhập viện, bé gái sống cùng mẹ là Nguyễn Thị L. (27 tuổi) và người tình của mẹ là Huyên tại phòng trọ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội khóa XIV cho rằng, vụ việc cháu 3 tuổi bị "người tình" của mẹ có hành vi đóng 9 đinh vào đầu, đang trong tình trạng nguy kịch đã gây ra sự phẫn nộ, bức xúc cho người dân.
Theo tướng Hồng, theo thông tin trên báo chí, đây không phải lần đầu tiên cháu bé 3 tuổi bị bạo hành một cách dã man, man rợ như vậy mà trước đó, đã phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc thuốc sâu, bị ép nuốt đinh vít, bị đánh gãy tay...
"Những hành vi cụ thể sẽ phải chờ vào kết luận của cơ quan điều tra nhưng bước đầu, qua thông tin báo chí phản ánh có thể thấy, đây là liên tiếp chuỗi các hành vi hành hạ cháu bé một cách dã man, man rợ.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật", tướng Hồng nói.
Vị tướng công an này cũng nhận định, từ thực tế, vụ việc xảy ra ở Thạch Thất và một số vụ việc xảy ra trước đó như vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP.HCM đã cho thấy, thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh éo le, ly hôn, cảnh "mẹ ghẻ - cha dượng', khó khăn về kinh tế, bị tác động bởi khó khăn do dịch bệnh... Các bé đều chịu "nỗi đau đơn" đến từ chính "người tình" của bố hoặc mẹ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng
"Cơ quan điều tra sẽ phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh sống của người mẹ và người tình để có thể đánh giá, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng với cháu bé 3 tuổi.
Tuy nhiên, ở đây phải khẳng định, chính sự băng hoại về đạo đức, mất nhân cách con người của "cha dượng" trong vụ việc này đã dẫn đến hành vi dã man, tàn bạo với trẻ em như thời trung cổ như vậy", tướng Hồng nêu.
Ông nói thêm, nhiều người khi nhìn vào những hành vi dã man, vô nhân tính của đối tượng này đặt ra câu hỏi, phải chăng đây là hành động của kẻ tâm thần, sử dụng ma túy, chất kích thích nên mới làm vậy.
Song thực tế, có nhiều vụ việc, những kẻ gây ra hành vi rất man rợ nhưng không hề bị tâm thần hay sử dụng ma túy đá.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ xem đối tượng có sử dụng ma túy hay bị tâm thần khi có những hành động man rợ như vậy không.
Nhưng với thông tin báo chí cho rằng, việc Huyên đến với mẹ của cháu bé 3 tuổi trong hoàn cảnh khác thường và bị gia đình phản đối, ngăn cản, không cho kết hôn cho thấy, dù ít nhiều cho thấy có dấu hiệu của sự bức xúc, mâu thuẫn, tình trạng không bình thường.
Thêm vào đó, là những tác động xấu từ xã hội, cuộc sống bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giáo dục trước đây của gia đình... và động cơ đê hèn đã góp phần tạo nên hành động dã man, vô nhân tính của đối tượng", tướng Hồng nhìn nhận và đề nghị cơ quan điều tra cần điều tra, làm rõ xem đối tượng đã đóng đinh vào đầu cháu bé 3 như thế nào, từ khi nào.
Bên cạnh đó, ông đề nghị, cần làm rõ xem đối tượng Nguyên và mẹ cháu bé ở trọ tại đây từ bao giờ? Người dân, chính quyền có biết không? Việc cháu bé bị bạo hành, hành hạ dã man nhiều lần này và nhất là lần này thì mẹ đẻ, hàng xóm, chính quyền địa phương có biết không? có sự can thiệp nào không?.
Từ vụ việc này và một số vụ bạo hành dã man trẻ em trong thời gian gần đây, tướng Hồng chỉ rõ, đang có 'lỗ hổng rất lớn' trong công tác quản lý và chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay.
Ông nhấn mạnh, Quốc hội đã có những chuyên đề giám sát về xâm hại về thân thể, nhân phẩm của trẻ em và đưa ra các giải pháp nhưng sự vào cuộc của các cấp, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt, chưa có cơ chế hữu hiệu, thực chất để bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, hiện nay, lực lượng làm chuyên trách về trẻ em thường không có hoặc chỉ kiêm nhiệm nên rất yếu. Hoạt động của các tổ chức xã hội mang tính chất hỗ trợ, lo toan chăm sóc cho trẻ em cũng còn rất mỏng...
Do vậy, sau vụ việc này, cần có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh và cần sự vào cuộc mạnh mẽ để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Cần làm rõ vai trò của người mẹ
Việc xác định vai trò của người mẹ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, theo luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội), chắc chắn sẽ được cơ quan pháp luật làm rõ.
Còn với những thông tin đăng tải trên báo chí và mạng xã hội trong những ngày qua thì chưa đủ cơ sở để xác định người mẹ có liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Trung Huyên, hay nếu có liên quan thì đến mức độ như thế nào…
Luật sư Thanh cho rằng, trong trường hợp người mẹ không biết Nguyễn Trung Huyên có hành động tàn ác đối với con gái mình, người mẹ sẽ không bị xử lý hình sự.
Ông nói, việc người mẹ không biết cũng có khả năng xảy ra nếu như Huyên thực hiện hành vi lúc không có mặt ai và sau đó không kể lại cho ai biết.
Trong trường hợp người mẹ biết Huyên đóng đinh vào đầu bé gái nhưng không ngăn cản, theo luật sư Thanh, người mẹ có thể bị xử lý về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật hình sự.
Còn trong trường hợp người mẹ biết Huyên hành hạ bé gái, có ngăn cản nhưng sau đó không trình báo cơ quan chức năng, người mẹ có thể bị xử lý về tội "Che dấu tội phạm" hoặc tội "Không tố giác tội phạm" lần lượt theo các Điều 389, 390 Bộ luật hình sự.
Luật sư nêu rõ, hiện nay người mẹ đang mang thai và nếu trường hợp bị xác định có hành vi phạm tội thì người mẹ có thể sẽ không bị áp dụng biện pháp tạm giam và việc có thai cũng là một tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
Chuyên gia nghiên cứu quyền trẻ em Phan Lan Hương trao đổi với báo chí cũng chỉ rõ, trong vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất và 8 tuổi ở TP.HCM thì nỗi đau của các bé đều đến từ tình nhân của bố mẹ, nhưng những người cha mẹ này đều không có hành vi can thiệp, bảo vệ con, thậm chí có người bao che để nhân tình tiếp tục có những hành vi độc ác với con mình.
Bà nói, việc làm đó có thể xuất phát từ sự vô cảm, coi thường nỗi đau của con trẻ, chấp nhận sự độc ác của kẻ gây nên nỗi đau cho con mình. Họ coi trọng tình nhân hơn những đứa con mình rứt ruột đẻ ra.
Những người bố, người mẹ đó cũng cần bị lên án và phải chịu trách nhiệm đối với những tổn thương mà con cái phải gánh chịu.
Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị