Telegraph cho biết những bức ảnh này được chụp hôm 19/12 tại thị trấn Ain Sefra ở Algeria. Tác giả của các bức ảnh là nhiếp ảnh gia nghiệp dư Karim Bouchetata.
Ain Sefra vốn được biết đến là cửa ngõ dẫn vào Sahara, sa mạc lớn nhất thế giới với diện tích xấp xỉ Mỹ hay Trung Quốc. Nó nằm ở phía bắc châu Phi.
Theo lời nhiếp ảnh gia Bouchetata, tuyết phủ trắng những đụn cát đỏ tạo nên khung cảnh ấn tượng. "Mọi người đều rất kinh ngạc khi nhìn thấy tuyết rơi giữa sa mạc. Một chuyện quả vô cùng hiếm thấy", anh nói
Theo LiveScience, lần gần nhất Sahara có tuyết rơi là vào ngày 18/2/1979 tại những khu vực thấp và cũng là lần đầu tiên hiện tượng hiếm gặp này được ghi nhận.
Chuyên trang khoa học cũng cho biết Sahara có tuyết rơi nhưng chủ yếu ở các khu vực núi cao. Tuyết rơi trên đụn cát ở vùng thấp là chuyện cực kỳ hy hữu.
"Tuyết đọng trên cát trong một ngày và đã tan", anh Bouchetata cho biết. Năm 1979, tuyết rơi chỉ trong nửa giờ nhưng đã khiến giao thông tắc nghẽn tại một số khu vực ở miền nam Algeria.
Theo Telegraph, nhiệt độ ở sa mạc Sahara, vốn bao phủ nhiều nước Bắc Phi như Algeria, Chad, Libya, Mali, Morocco... đã vượt qua ngưỡng kỷ lục 47 độ C từng được ghi nhận.
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học dự báo sa mạc Sahara sẽ trở nên "xanh" trở lại trong khoảng 15.000 năm tới.
theo Zing,vn