Dưới góc độ khoa học, uống bia không thể giải cơn khát và càng không thể giúp giải nhiệt ngày hè. Ngược lại, lạm dụng bia sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi uống bia, chúng ta thở nhiều hơn, mạch máu dưới da giãn ra, đi tiểu nhiều, gây tiểu nhiều và mất nước.
Trong bia có nhiều lượng calo rỗng, chúng ta không vận động đốt cháy nhiều thì các năng lượng này sẽ tích lại ở mỡ, thành bụng, không tốt cho sức khoẻ. Đây chính là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Trong bia vẫn có lượng cồn nhất định, một cốc bia tương đương gần 1 đơn vị cồn. Với người trưởng thành, mỗi giờ, gan chỉ xử lý được khoảng 1 đơn vị cồn.
Đây là con số ở mức trung bình, tùy theo thể trạng khác nhau quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi, như các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Uống bia có giúp giải nhiệt mùa hè là thắc mắc được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ)
Một cốc bia sẽ tương đương với 1 đơn vị cồn và chúng ta sẽ mất khoảng 2 tiếng để thải trừ cồn. Sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong hơi thở phát tán hết. Khi đó, thổi nồng độ cồn sẽ không dương tính. Như vậy, 1 lon bia bạn sẽ mất khoảng 5 tiếng để có thể đưa nồng độ cồn về 0.
Ngoài ra, nếu chúng ta uống nhiều bia, gan và thận sẽ quá tải gây ra tình trạng rối loạn chuyển hoá mỡ, gan nhiễm mỡ.
Chuyên gia khuyến cáo, với quy định hiện nay, khi bạn bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25mg/L bạn đã vi phạm. Vì vậy, uống cốc bia trong vòng một tiếng bạn vẫn có khả năng bị phạt.
Theo VTC