Cà phê muối đang gây sốt bởi vị mặn của muối đã làm giảm bớt vị đắng của cà phê, cộng thêm vị ngọt của sữa tạo nên hương vị thơm, béo, đậm đà. 

Theo công thức pha, một cốc cà phê có thể chứa 1-2g muối, thậm chí là 5g tương ứng với 25g bột cà phê. 

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo lượng muối cho người trưởng thành là dưới 5g/ngày. Tuy nhiên hiện nay, mỗi người trưởng thành tại nước ta tiêu thụ lượng muối cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị.

Vì thế, nếu uống thêm cà phê muối đồng nghĩa chúng ta đang nạp vào cơ thể lượng muối thừa so với nhu cầu. 

Uống nhiều cà phê muối có nguy cơ gì cho sức khỏe?-1
Cà phê muối đang là đồ uống được nhiều người ưa chuộng (Ảnh minh họa: N.P).

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, cho biết, người Việt Nam có một số vị giác rất mạnh.

Một số nghiên cứu cho thấy, người Việt thích độ ngọt cao hơn, tương tự cũng thích độ mặn cao hơn một số quốc gia khác. Vì thế, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rất nhiều gia vị có tính chất đậm và sâu. 

"Lấy ví dụ với cà phê, ở nhiều quốc gia họ uống rất vừa, nhưng loại chúng ta sử dụng bao giờ cũng độ đặc cao hơn, nồng độ cà phê cũng cao hơn rất nhiều. Khi cho thêm muối vào cà phê sẽ tạo cảm giác độ đậm đặc của cà phê tăng lên. Theo nguyên lý thông thường, đã đậm rồi người Việt lại muốn độ đậm hơn nữa", PGS Mai phân tích. 

Theo bà, muối là cách để thỏa mãn vị đậm. Nếu chúng ta không kiểm soát việc tăng cảm nhận của vị giác, luôn đẩy cao hơn thì sẽ dẫn đến việc dung nạp quá nhiều muối, đã mặn thì phải mặn thêm nữa. Nếu cứ tiếp tục như thế, chúng ta sẽ nghiêng về thói quen sử dụng quá nhiều đường, quá nhiều muối. 

Uống nhiều cà phê muối có nguy cơ gì cho sức khỏe?-2
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: N.P).

Hiện nay, có những người uống đến 5-6 ly cà phê muối mỗi ngày. Điều này không tốt cho sức khỏe vì bên cạnh độ đậm đặc của caffeine, chúng còn chứa rất nhiều đường, nhiều muối. 

Vì thế, để cân bằng chúng ta không nên uống quá nhiều cà phê muối. Nếu uống chúng ta nên ăn thức ăn trong ngày có vị nhạt hơn để giảm bớt lượng muối. 

PGS Mai cũng cho biết thêm, thành phần chính có hại trong muối chính là natri. Natri liên quan đến tăng áp lực cầu thận, tăng huyết áp.

Chính vì thế, tốt nhất người dân nên giảm bớt tiêu thụ natri, ăn nhạt hơn. Các nhà chế biến, nhà khoa học có thể tìm ra công thức chế biến thay thế bằng muối ít hoặc không có natri. 

Bệnh nhân có bệnh lý gan, thận nếu ăn nhiều muối hơn sẽ dẫn đến bệnh diễn biến nặng hơn. Người thừa cân, béo phì không nên uống loại cà phê này vì sẽ càng dễ tăng cân. 

Ăn mặn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tiêu thụ nhiều muối sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với cơ thể. Qua phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng việc tiêu thụ muối ở mức trung bình hoặc cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, tương tự như ăn nhiều các thực phẩm ngâm giấm/muối chua.

Khi ăn nhiều muối, muối sẽ khiến vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Tiêu thụ nhiều muối có liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi giảm 2,5g muối tiêu thụ/ngày thì cũng giảm đến 20% các biến cố tim mạch.

Ăn mặn cũng dẫn đến nhiều thay đổi như tăng huyết áp, tăng protein niệu, stress oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô. Các thay đổi này là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiến triển các bệnh lý về thận.

Đặc biệt, ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ bị thừa cân và béo phì. Lý do, khi ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị khát, có thể dẫn đến tăng sử dụng các đồ uống có đường.

Các loại thức ăn chứa nhiều muối thường có nhiều chất béo và đậm độ năng lượng cao, có vị hấp dẫn khiến người ăn sẽ ăn nhiều hơn, làm tăng năng lượng ăn vào gây thừa cân béo phì.

Theo Dân Trí