Nếu không cố gắng hết sức làm ra những cái tốt nhất thì xã hội này chỉ toàn rác thôi
- Trong 3 năm qua, cuộc sống âm nhạc của Uyên Linh diễn ra như thế nào?
Nếu dùng một từ gần gũi nhất để diễn tả về đời sống âm nhạc của tôi trong 3 năm qua chính là chạy show. Tôi đi hát rất nhiều, từ hát sự kiện cho đến các show bán vé. Khán giả cũng hiếm khi thấy tôi xuất hiện trên tivi hay gameshow vì tôi tập trung đi làm để kiếm tiền, để tự mình làm những sản phẩm âm nhạc thật chất lượng. Nghe có vẻ vật chất nhưng tôi cảm thấy tự hào với chính mình. Thời gian qua cũng mang lại cho tôi rất nhiều màu sắc trong cuộc sống.
Tôi là một người cầu toàn và yêu cái đẹp. Điều tôi luôn trăn trở là làm sao để các sản phẩm của mình tốt nhất, cải thiện tích cực nhất từ những cái trước đây. Nếu mỗi thứ mình làm mà không cố gắng hết sức đưa ra những cái tốt nhất thì thật sự xã hội này chỉ toàn rác thôi. Làm nghề không chỉ có trách nhiệm, mà còn phải đặt cả con tim vào đấy.
Nghĩa là chị luôn cố gắng khẳng định mình ở một bậc cao hơn mỗi khi ra mắt sản phẩm mới?
Tôi không bao giờ khẳng định mình ở một cấp bậc nào và cũng không quan trọng chuyện mình phải hơn ai, thua ai, mà chỉ làm theo những gì con tim mách bảo, lý trí cho phép. Ai cũng muốn sản phẩm mình được đón nhận, bán chạy ngoài thị trường nhưng với tôi, cảm xúc tồn tại lại là điều quan trọng hơn cả. Nó phải luôn đứng đầu. Tôi tự tin với bạn bè, khán giả rằng những gì tôi làm trong âm nhạc đều rất chân thật, không chiêu trò để theo đuổi danh tiếng, hào quang lẫn vật chất.
Khi tôi vừa ra ca khúc mới, nhiều bạn bè trong nghề có nói tháng 11 này tranh nhau spotlight nhiều lắm, không chỉ sản phẩm âm nhạc mà còn cả phim ảnh, giải trí. Bản thân tôi biết sự nhộn nhịp đó. Tuy nhiên, khi đã chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng, khoác lên nó một chiếc áo đẹp nhất rồi thì cứ thế tôi phát hành thôi, không tính toán gì nhiều cả.
- Uyên Linh có chia sẻ chị muốn đi tìm hành trình mới cho chính bản thân mình với sản phẩm lần này, phải chăng chị đang muốn trẻ hoá trong phong cách âm nhạc của mình?
Đi chậm hay đi nhanh gì cũng phải đi, bạn không thể đứng một chỗ mãi được. Tìm về phía trước cũng chính là tìm hành trình mới cho chính mình. Nhưng hành trình mới không hẳn là một vị trí mới, nấc thang mới hay danh vọng nào đó mà đơn giản là sống tốt và để lại sau lưng những quá khứ, những bài học trong cuộc đời mà mình rút ra được. Ca hát là một công việc có tính chất hơi đặc thù nhưng suy cho cùng cũng là một ngành nghề trong xã hội mà thôi. Cốt lõi của cuộc sống vẫn chỉ là cảm xúc.
Hành trình mới của tôi chính là nó, tôi học cách giữ cảm xúc cho bản thân và các sản phẩm âm nhạc của mình. Bởi nếu sống và làm việc một cách bản năng, đôi lúc bạn sẽ "chết" dần lúc nào không biết.
- Chị hãy chia sẻ thêm về dự án trở lại lần này?
Album vol.3 Portrait là sản phẩm mà tôi đầu tư rất nhiều chất xám, đó là những ca khúc mà khi nghe xong, bạn sẽ thấy rõ hơn tính cách trong con người Uyên Linh. 3 năm qua, tôi đi vòng quanh thế giới với hàng trăm chuyến bay, hàng triệu bước chân, và những ca khúc này cũng xuất hiện trong ngần ấy lần xuất ngoại đó. Bài nào tôi cũng nghe đi nghe lại bản demo đến chục lần, rồi suy nghĩ, để nó ngấm vào mình, rồi tôi lại tự phiêu tự hát. Tôi tin album sẽ là một sản phẩm truyền cảm hứng tới những người yêu nhạc của mình.
"Bài hát của em" là ca khúc đầu tiên nằm trong CD vol.3 sắp tới của tôi. Đây là bài hát mà tôi cực kì thích. Có chỗ tôi hát ngây thơ, có chỗ cũng hơi sôi động một tí, tôi hay tự mình cảm nhận mỗi lần nghe lại. Thích lắm.
Nếu không có so sánh, xung đột thì âm nhạc làm sao phát triển được
- Sau khi nghe "Bài hát của em" do Uyên Linh thể hiện, nhiều fan của tác giả đặt ra sự so sánh, thậm chí còn cho rằng Trang thể hiện hay hơn chị. Chị nghĩ sao?
Tôi không biết Trang là ai trước khi quản lý bạn ấy chủ động gửi tôi ca khúc Bài hát của em, kèm theo lời "hy vọng bài này sẽ là bài hát của Linh". Tôi còn không biết nó đã được Trang mang đi diễn và nhiều bạn trẻ biết đến như vậy. Đến ngày tung trailer MV, tôi còn bất ngờ hơn khi biết Trang đã tháo hết các sản phẩm của mình trên mạng để hỗ trợ mình. Tôi cảm ơn vì điều đó, nhưng với tôi nó cũng không cần thiết lắm. Bởi tôi quan niệm khán giả của tôi sẽ thích tôi hát, khán giả của Trang cũng sẽ thích bạn ấy hát dù thế nào đi nữa. Tuỳ gu người nghe, nhưng chắc những ai thích nặng đô một chút thì phải tìm đến Uyên Linh rồi. (cười).
Sản phẩm này, tôi hài lòng 90%. Tôi nghe đi nghe lại nó rất nhiều, đặc biệt là mỗi tối cứ ôm loa, hay trên taxi về nhà sau những đêm diễn. Có những ca khúc nhiều khán giả từng cho là hit của Uyên Linh tôi cũng ít nghe lại, song "Bài hát của em" thì khác. Cảm ơn Trang đã cho tôi những cảm xúc quý báu này.
- Chị cảm thấy thế nào khi ca sĩ đại chúng hát lại một ca khúc quen thuộc trong cộng đồng fan indie nhưng luôn bị fan của nhạc sĩ "dìm", dùng lời lẽ nặng nề?
Tôi có đọc nhiều bình luận rồi nhưng cũng không thấy nặng nề gì mấy đâu. Nhưng dù có khen chê gì đi nữa, tôi cũng thấy bình thường. Tôi đón nhận điều này, thậm chí có nhiều người còn chửi ác ý hơn nữa, từ những ngày tôi còn trẻ măng cơ. Khen thì tôi cảm ơn, làm động lực để mình cố gắng thêm. Còn không thích thì chê thôi chứ biết sao, nó cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Nếu không có so sánh, xung đột thì âm nhạc làm sao phát triển được. Tôi xem điều đó hoàn toàn bình thường, đồng thời cũng là những nhắc nhở để bản thân nhận thức ra mình mạnh gì, dở gì rồi cố gắng khắc phục.
- Theo chị, cơ hội và rào cản của ca sĩ đại chúng tìm đến nhạc indie là gì?
Tôi không quan tâm nhiều, chỉ đơn giản thấy đây là một ca khúc mới, hay, tôi thích rồi tôi hát thôi. Cũng may mà tôi không biết gì về bài này trước đó chứ nếu biết nó hot vậy thì cũng có lẽ tôi không chọn. Và cũng vì không biết, nên tôi đã thể hiện nó một cách hồn nhiên nhất.
Một ca khúc hay và người sáng tác gặp được nhau là do cái duyên, được đón nhận nữa thì phải cảm ơn sự may mắn. Nhưng đằng sau nó đó là một câu chuyện, sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau giữa cả hai, cũng giống như Trang tin bài hát này dành cho tôi và tôi nghe qua cũng yêu thích nó vô cùng.
Tôi chưa nghe Chi Pu hát, nhưng nói thật tôi cũng nghe không nổi
- Trước đây người ta nhận định chị là "tiểu Diva", chị vẫn trên đường chinh phục vị trí Diva thứ năm của làng nhạc Việt?
Khi quá tập trung vào chữ Diva thì chắc chắn thế giới âm nhạc của bạn, hay tôi cũng sẽ thu hẹp lại. Điều đáng sợ nhất làm tự thu hẹp tầm nhìn của chính mình, cho nên cứ để mọi thứ phát triển tự nhiên, và bản thân cố gắng hết sức thôi. Có show chạy đều đều mỗi ngày, lo nghĩ đến chuyện sẽ hát gì, mặc gì, biểu diễn ra sao cũng đủ mệt rồi. Trái tim tôi dành nhiều cho công việc hơn là quan tâm đến chỗ đứng của mình ở đâu.
Nếu không ép mình vào những khắc nghiệt của thị trường âm nhạc thì làm sao chị có thể tạo ra được những giá trị khác cho sự nghiệp?
Cái gì cũng phải đánh đổi. Muốn trở thành một ngôi sao, một ca sĩ giải trí, bạn phải thật nhanh, thật công nghiệp. Mà công nghiệp thì làm sao nuôi dưỡng được cảm xúc. Tiếng hát là tiếng của trái tim, của tấm lòng chứ không phải là tiếng hát giả tạo. Tôi cần cảm xúc. Cảm xúc có thể không đem lại cho tôi hào quang, giàu có về vật chất nhưng nó sẽ nuôi dưỡng tâm hồn tôi để không bị thờ ơ, lạnh nhạt với mọi người. Đã đến tuổi này, không già nhưng cũng chẳng trẻ trung gì, tôi biết mình muốn gì và cần gì, và tôi cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Giá trị thì ai cũng muốn có, nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi nghĩ cứ cố gắng hết sức, tập trung cho thế mạnh của mình thì ắt hẳn một lúc nào đó, nó sẽ tạo nên những giá trị nhất định. Tôi chẳng thích đấu đá, cũng không mấy sắc sảo nên không thể ép mình vào sự khắc nghiệt của showbiz thị phi được.
- Là nghệ sĩ miền Nam, vậy chị có tủi thân trước chia sẻ của đàn chị Thanh Lam rằng "Nghệ sĩ miền Nam ít học nhưng nổi tiếng được là nhờ truyền thông"?
Câu chuyện chị Thanh Lam nói có rất nhiều điều để suy nghĩ. Chị nói đúng ở chỗ có những ca sĩ có giọng hát chưa tốt nhưng thành công. Nhưng phải hiểu rằng, thành công không chỉ tạo ra cho những người có giọng hát hay. Thành công còn là cả một sự nỗ lực, có ý chí tiến thủ. Nếu mình không ở trong tình cảnh của một người nào đó thì làm sao biết được họ thành công như thế nào. Tôi nghĩ nên chia sẻ để người khác cảm nhận được sự tích cực, còn nói tiêu cực thành kiểu dạy dỗ người khác thì với tôi đó là ấu trĩ. Tôi cũng không hài lòng cách mà người khác giật tít chị Thanh Lam như vậy.
Tôi không buồn, đọc xong chỉ thấy hơi bị gay gắt. Hàng nghìn ca sĩ được học hành đàng hoàng nhưng cũng chả thành công thì việc gì tôi phải buồn. Và nếu bạn không học cuộc sống, trải qua sung sướng đau khổ thì làm sao thành công được. Nghề nào cũng vậy, đâu phải bác sĩ có học thì thành bác sĩ giỏi, kiến trúc sư có học thì thành kiến trúc sư giỏi. Vì vậy, thiết nghĩ nên tách học hành và thành công thành hai vấn đề khác nhau. Học hành là chuyện của mỗi cá nhân, còn thành công lại là bài toán của xã hội.
- Vậy chị nghĩ sao trước hiện tượng Chi Pu gần đây, đặc biệt là phát ngôn "Ở Việt Nam cứ cầm mic lên thì gọi là ca sĩ"?
Tôi chưa nghe Chi Pu hát, nhưng nói thật tôi cũng chẳng muốn nghe, nói rõ hơn là nghe không nổi đâu. Nhưng không thể phủ nhận là Chi Pu rất xinh.
- Về những quan điểm tiêu cực của những đồng nghiệp dành cho nhau trong thời gian gần đây?
Tôi không đồng tình việc một ai đó phải đi dạy người khác sống như thế nào, tôi cũng không thích kiểu nói "phang" thẳng vào mặt người ta. Tôi hi vọng mọi người hiểu ý này. Với tôi, dù không thích một điều gì đó nhưng buộc phải nói ra vì tiếng nói của mình có ảnh hưởng thì tôi sẽ cố gắng tìm cách tốt nhất, sẽ không sỗ sàng hay vơ đũa cả nắm.