Cụ ông sửa xe “chém” khách “dạt” đến địa điểm mới

Mới đây, thông tin cụ ông “chặt chém” khách sửa xe máy ven hồ Gươm lan truyền với tốc độ chóng mặt trên cộng đồng mạng. Có khá nhiều ý kiến bức xúc về hành vi chặt chém khách của cụ ông được chia sẻ. Bạn Phương Vũ ấm ức: “Hôm 2/9 mình đi chơi qua Hồ Gươm thì lốp xe hết hơi. Vào vá xong cụ ông bảo phải thay săm. Thay săm xe máy xong, cụ bảo hết 250.000 đồng mà phát hoảng. Hỏi sao đắt thế thì cụ bảo dịp Lễ nên đắt đỏ là chuyện bình thường”.

Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, không cứ là vào dịp lễ mà những ngày bình thường, khách đến đây vẫn bị cụ “chém” như thường. Anh Hồ Sỹ Bình ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Hà Nội cho biết: “Ngày 12/9, tôi vẫn bị cụ “chém” như thường. Vừa tiếc tiền, vừa bực mình mà không làm gì được. Mọi người phải cực kỳ cảnh giác”.

Anh Bình cho hay, mặc dù đã hỏi giá trước nhưng khi khách trả tiền cụ ông vẫn hét 10.000 đồng/lần bơm xe máy, 30.000 đồng/miếng vá săm, thay săm thì giá cao gấp 3 lần bình thường 180.000 đồng/săm.

 Vá xe, đánh giày “chém đẹp” khách quanh Hồ Gươm - 1
Giá sửa xe tại khu vực hồ Gươm: 10.000 đồng lần bơm, 30.000đồng lần vá, 180.000 đồng
lần thay săm. Ảnh: T.G

Anh Bình chia sẻ: “Xe xuống hơi, lúc đó tôi thấy ông cụ ngồi vá xe trên đường Lê Thạch (quận Hoàn Kiếm) và nhờ cụ bơm. Bơm một lúc cụ bảo thủng lốp, tôi đồng ý vá săm. Tôi ngồi quán nước bên cạnh chờ đợi. Trước lúc vá cụ cho biết giá 30.000 đồng/miếng vá. Thế nhưng lúc thanh toán, hết 180.000 đồng, tôi thắc mắc thì cụ thản nhiên trả lời: “Săm xe máy đã nát quá nên thay luôn”. Lúc đó tôi rất bực mình vì ông cụ không hỏi, dù tôi ngồi ngay bên cạnh  mà tự ý thay săm lúc nào tôi cũng không biết”.

Trên thực tế, “nạn nhân” của cụ ông sửa xe máy này khá nhiều nên chuyện lấy giá đắt đỏ không còn là câu chuyện “bí mật” giữa khách và thợ nữa.

Một chuyên gia “chặt chém” khác được cộng đồng mạng lan truyền là cụ ông ngồi ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Lê Thạch. Tuy nhiên, nhiều buổi chiều liền chúng tôi đến không thấy ông cụ xuất hiện. “Mấy hôm nay thấy trên mạng nói về ông H. Có lẽ ông ấy “ngại” nên tạm thời “ẩn”, người bán trà đá ở cạnh Bưu điện Hà Nội nói. Cũng theo những người ở đây cho biết cụ H. đã hành nghề nhiều năm ở địa bàn này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông cụ không còn hành nghề ở Lê Thạch nữa. Nhưng ông cụ không “ẩn” mà dạt sang phố Tràng Tiền hành nghề.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người đi đường phải vào cậy nhờ ông cụ vá săm hoặc bơm xe. Không ít người khi nghe cụ ông “hét giá” đành dắt xe đi tìm quán sửa xe khác. Còn không ít người sau khi thanh toán tiền đều cau có quay đi với nỗi khó chịu vì bị “chặt chém”.

Kê tăng “bệnh” để “chém” thêm tiền

Theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phía gần Bưu điện Hà Nội, không chỉ có một điểm sửa xe máy trên vỉa hè của ông cụ H. mà còn có nhiều điểm sửa, bơm vá xe máy di động. Điều đáng nói, giá cả cũng đắt đỏ chẳng khác mấy so với những gì người ta nói về ông cụ H.

Chỉ cách nhau chưa đầy 1km, phố Lê Thái Tổ có tới hai chiếc bơm dựng ở vỉa hè. Chiếc bơm tay không cần biển quảng cáo nhưng ai cũng biết đó là dịch vụ bơm vá. Ở những điểm bơm vá này giá cả được thống nhất “niêm yết”: bơm 10.000 đồng/bánh, vá 30.000 đồng/miếng.

Tại điểm bơm vá trên đường Lê Thái Tổ phía gần phố Lương Văn Can, có cô gái dắt xe đến gặp bác thợ nhờ vá xe. Qua kiểm tra chớp nhoáng, bác thợ cho biết phải thay săm. Sau khi hỏi giá, hai cô gái đành ngậm ngùi dắt xe ra về. Không lâu sau đó, một khổ chủ khác dắt xe đến vá và chấp nhận với giá 30.000 đồng vì ngại cuốc bộ dắt xe đi xa.

Rất nhiều người làm “hợp đồng miệng” với thợ rồi nhưng vẫn bị hớ. “Đa số người đi đường, kể cả xe đạp, xe máy khi bị xịt lốp hay thủng săm vào đây vá đều bị phán là hỏng chân van và phải thay săm. Những trường hợp còn lại thường một lỗ thủng ở săm được vá vài miếng cho cả săm và lốp với lý do lót lốp cho an toàn vì lốp mỏng”, anh Kiều, một nạn nhân cho biết.

Khách du lịch và người qua đường không chỉ bị “chém đẹp” mỗi khi hỏng xe máy ở khu vực này mà quanh khu vực phố cổ, Hồ Gươm thời gian gần đây còn xuất hiện đội quân đánh giày kiểu ép khách. Chẳng cần biết du khách có nhu cầu hay không, bất cứ ai đi qua ngã tư Hàng Đào - Cầu Gỗ, ngã tư Mã Mây - Hàng Chĩnh... liền bị những thanh niên này chạy ra ôm chân và “rút” giày, dép. Sau đó, họ lấy dụng cụ như dao, keo dán và tự ý sửa trước sự ngạc nhiên của khổ chủ.

Giá mỗi lượt đánh, sửa giày phụ thuộc vào thái độ của khách. Nếu gặp người hiền lành, họ không ngại "chặt chém" đến cả trăm nghìn đồng. Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa triệu tập 2 đối tượng Phạm Văn Chung (35 tuổi, quê huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và Phạm Văn Quỳnh (31 tuổi, quê Hưng Yên). Chung và Quỳnh khai nhận hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch nước ngoài để đánh giày, sửa giày dép lấy giá cao hơn nhiều lần mức bình thường.

Được biết, những đối tượng này đã nhiều lần bị triệu tập làm việc nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”. Đây là điều đáng buồn khi nhiều người chia tay Hồ Gươm với tâm trạng không vui, bực mình.

Theo Gia đình & xã hội