Ths.BS Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện TWQĐ 108 trả lời:

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, trong hầu hết các trường hợp có thể gặp một số tác dụng phụ nhỏ, cho thấy rằng cơ thể của một người đang được bảo vệ để chống lại sự lây nhiễm Covid-19 bao gồm: đau nhức cánh tay tại vị trí tiêm vắc xin, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ hoặc khớp…

Các tác dụng phụ này hầu hết sẽ tự thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau vài ngày và không để lại di chứng.

Vắc xin Covid-19: Uống hạ sốt trước tiêm đón đầu phản ứng?-1

Do có những tác dụng phụ không mong muốn gây ra sau khi tiêm vắc xin, nhiều người dân cho rằng việc dùng thuốc giảm đau trước tiêm là cần thiết.

Thậm chí một số bài đăng giả mạo trên mạng xã hội khuyên rằng phải uống thuốc giảm đau hạ sốt có bán tại các quầy thuốc trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để giúp làm giảm các tác dụng phụ sau tiêm.

Paracetamol được biết là thuốc giảm đau hạ sốt thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường, phổ biến nhất là dạng viên nén 500mg.

Để sử dụng an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2-3 viên. Tuy nhiên, việc dùng quá liều và kéo dài paracetamol rất dễ gây ngộ độc thuốc, suy chức năng gan, thận, suy đa tạng và thậm chí là tử vong.

Một số thuốc giảm đau khác như Aspirin, Ibuprofen… có thể được dùng thay thế nếu người dân dị ứng với paracetamol. 

Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc cũng không kém phần nguy hiểm, điển hình là giảm tiểu cầu xuất huyết, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày-tá tràng… nếu người dân dùng bừa bãi mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) khuyến cáo không nên dùng thuốc giảm đau hạ sốt trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để ngăn ngừa các tác dụng phụ, vì không rõ tương tác của thuốc đến hiệu quả của vắc xin.

Tuy nhiên, người dân có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau khác nếu cơ thể có các tác dụng phụ như đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ sau khi tiêm vắc xin dưới hướng dẫn của bác sĩ, dựa trên sự cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc.

Người dân cần làm gì sau tiêm vắc xin?

- Chủ động tự theo dõi các phản ứng sau tiêm như sốt, mệt mỏi, đau cơ khớp, phản ứng sưng nóng đỏ đau tại chỗ tiêm… trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Y Tế.

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

- Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Dân Trí