Vaccine Covid-19 được vận chuyển đến điểm tiêm chủng thế nào?

Những liều vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ được vận chuyển bằng máy bay và xe lạnh chuyên dụng đến các điểm được ưu tiên tiêm chủng.

49 kiện vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đang được bảo quản trong kho lạnh tại TP.HCM. Hiện VNVC đang chờ kế hoạch từ Bộ Y tế để lên phương án vận chuyển.

Vaccine sẵn sàng được chuyển đi các nơi

Đại diện hệ thống VNVC cho biết trước đó, khoảng 100 liều vaccine đã được cơ quan chức năng của Bộ Y tế mang đi kiểm định. Số lượng 117.500 vaccine sẽ được đóng gói thành 49 kiện.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết do số lượng vaccine trong đợt này hạn chế, Bộ sẽ ưu tiên tiêm những mũi đầu tiên cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và tỉnh Hải Dương.

Trong ngày mai (7/3), khoảng một nửa kiện vaccine sẽ được vận chuyển đến Hà Nội bằng máy bay và phân phối cho các tỉnh phía Bắc.

Ở phía Nam, vaccine sẽ được vận chuyển đến điểm tiêm chủng tại TP.HCM, Bình Dương, Gia Lai bằng máy bay hoặc xe lạnh chuyên dụng tùy vị trí địa lý.

Vaccine Covid-19 được vận chuyển đến điểm tiêm chủng thế nào?-1
Những liều vaccine Covid-19 đầu sẵn sàng vận chuyển đến các điểm tiêm chủng. Ảnh: Chí Hùng

13 tỉnh, thành có dịch và 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Các tỉnh được phân phối gồm: TPHCM, Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hoà Bình, Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Giang.

Nhân viên y tế tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh, Bệnh viện dã chiến tại Hải Dương…, được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Vaccine AstraZeneca được đóng lọ dạng dung dịch, 10 liều, tiêm 0,5 ml, điều kiện bảo quản thường quy từ 2 đến 8 độ C. Vaccine có hạn sử dụng 6-8 tháng sản xuất. Vaccine mở ra chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 12 tuần.

Theo Bộ Y tế, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia có nhiệm vụ tiếp nhận vaccine, vật tư tiêm chủng từ nhà phân phối tại Việt Nam, sau đó vận chuyển đến các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur trong vòng 7 ngày sau khi có giấy phép xuất xưởng lô.

Sau đó, viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur hoặc nhà phân phối, vận chuyển vaccine tới kho trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trong 7 ngày kể từ khi tiếp nhận vaccine.

Sau khi tiếp nhận và bảo quản vaccine, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố cấp phát vaccine cho trung tâm y tế huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm. Đồng thời, cấp phát vaccine cho bệnh viện trung ương, khu vực, tỉnh, thành phố, bệnh viện ngành thuộc địa bàn một ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm.

Các xã, bệnh viện huyện hoặc điểm tiêm chủng phải được cấp phát vaccine một ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trong buổi tiêm. Tuyến xã hoặc cơ sở tiêm chủng sẽ nhận vaccine từ tuyến quận/huyện, bảo quản vaccine và vận chuyển đến các điểm tiêm trong buổi tiêm chủng.

“Chúng tôi chấp nhận rủi ro, chỉ cần mang vaccine về”

Một lãnh đạo VNVC cho biết, hiện Công ty AstraZeneca Việt Nam phụ trách đảm bảo các thủ tục theo yêu cầu của Bộ Y tế. Hệ thống VNVC cũng chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để trở thành một trong các đơn vị triển khai tiêm vaccine Covid-19.

Dĩ nhiên điều này còn phải chờ quyết định của Chính Phủ. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ, trong điều kiện tiêm chủng cho hàng triệu người vẫn có thể đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường, không bị quá tải. Quá trình này đã được chúng tôi chuẩn bị từ 3-4 tháng nay”, đại diện VNVC cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, hành trình để mang được những lô vaccine Covid-19 gian nan và nhiều rủi ro.

Đó là thời điểm gần như cuối cùng mà chúng ta có thể được đặt mua vaccine với giá ưu đãi và số lượng lớn. VNVC xác định đây là đầu tư rủi ro, có thể sẽ mất hoàn toàn số tiền này nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro, chỉ cần mang vaccine về. Nếu không sớm triển khai tiêm chủng, các hệ lụy và khó khăn cho đất nước có thể tiếp tục kéo dài”, người này chia sẻ.

Vaccine Covid-19 được vận chuyển đến điểm tiêm chủng thế nào?-2
Bên trong kho lạnh bảo quản vaccine Covid-19 tại VNVC. Ảnh: Chí Hùng

Vị đại diện này chia sẻ chỉ sau một giờ của thỏa thuận đặt mua vaccine giữa Bộ Y tế Việt Nam, VNVC và AstraZeneca diễn ra thành công, hãng sản xuất đã dừng nhận đặt hàng. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á nhập khẩu vaccine Covid-19 sớm nhất.

Hiện đơn vị này đã sẵn sàng hệ thống sắp xếp lịch tiêm chủng, điều điều phối vaccine đến điểm tiêm chủng. Hàng trăm nhân viên trực tổng đài sẵn sàng giải đáp thắc mắc của người dân về vấn đề tiêm chủng.

Bên cạnh đó, VNVC cũng mở rộng mặt bằng, tăng thời gian tiêm chủng đến 24 giờ, bố trí nguồn lực để sẵn sàng xử lý trường hợp xảy ra phản ứng phụ sau tiêm (nếu có).

VNVC tổ chức đội tiêm chủng lưu động, sẵn sàng đi vào vùng dịch để tiêm cho người dân để đảm bảo giảm tải sự phức tạp trong quá trình người dân di chuyển nhiều. Đến giờ phút này, chúng tôi đã sẵn sàng điều phối vaccine đến các địa điểm tiêm theo chỉ đạo của Bộ Y tế”, đại diện VNVC khẳng định.

Ngày 24/2, số lượng vaccine đợt đầu tiên về đến Việt Nam là 117.600 liều. Số vaccine trên dự kiến ưu tiên tiêm cho những người nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam và Thái Lan là hai nước đầu tiên của ASEAN có vaccine Covid-19.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/vaccine-covid-19-duoc-van-chuyen-den-diem-tiem-chung-the-nao-post1190254.html?fbclid=IwAR3ieEBmuR5I2E1iqs_U-ak8zbu5UXglji4zFE6oGSPSnWwnKQn9nSIIc00

COVID-19

Tin tức mới nhất