Nằm trong khu tự trị của người Bố Y và người Miêu ở tỉnh Quý Châu, vách đá Chan Da Ya từ hàng trăm năm nay đã trở thành điều bí ẩn của vùng đất phía nam Trung Quốc này. Vách đá thuộc ngôi làng nhỏ có tên là Gulu Zhai, là nơi sinh sống của khoảng hơn 100 hộ gia đình. Địa thế hiểm trở, đường đi khó khăn nên khu vực này khá tách biệt với môi trường bên ngoài.
Vách đá nổi tiếng không chỉ trong giới khoa học mà còn được nhiều người ưa khám phá biết tới bởi một khả năng thần kỳ, đó là cứ mỗi 30 năm nó lại "đẻ trứng" - từ vách đá cao 20m rộng 6m lại đẩy ra khỏi bề mặt một hòn đá hình trong hoặc hình bầu dục, sau đó rơi xuống. Hiện tượng này đã thu hút nhiều nhà địa chất tới để đo đạc và tìm hiểu nguyên nhân nhưng nhiều thập kỷ qua, chưa có câu trả lời rõ ràng nào được đưa ra.
Họ chỉ đưa ra dự đoán sơ bộ rằng vách đá được tạo thành bởi các trầm tích cứng, đá vôi nên dễ xói mòn nhưng lý do vì sao phần bị tách ra lại luôn có hình tròn, về mặt trơn nhẵn như quả trứng thì vẫn là câu hỏi với các nhà khoa học.
Người dân ở Gulu cho biết, vách đá đẻ trứng đã xuất hiện ở đây từ hàng trăm năm qua. Mỗi năm, từng "quả trứng" sẽ dần dần bị đẩy lên, khi chưa rơi ra thì chúng vẫn gắn chặt vào vách đá. Đây được coi là nơi linh thiêng với người dân nơi đây. Họ thường tới đây, chạm tay vào "trứng" để cầu mong may mắn. Còn những "quả trứng đã rời tổ" được mang về nhà và cất vào nơi trang trọng. Theo thống kế năm 2005, cả 125 gia đình ở Gulu đều có ít nhất một quả trứng đá.
Với người dân ngôi làng nhỏ, quả trứng đá có thể đem lại vận may, sự bình an, và đặc biệt là đem tới hy vọng có thể sinh con trai đối với những đôi vợ chồng mới cưới. Chính bởi niềm tin này mà những năm gần đây, trứng đá được săn lùng khá nhiều cho mục đích thương mại. Hiện ở Gulu chỉ còn khoảng 70 quả trứng và khi vách đá chuẩn bị "đẻ trứng" thì luôn có một lực lượng thợ săn hùng hậu chờ sẵn.
Vách núi Chan Da Ya là vách đá lớn nhất trên núi Gandeng và có mật độ trứng đá cao nhất. Ngoài ra, trên ngọn núi này còn một số vách núi khác cũng có khả năng tương tự nhưng số lượng ít hơn và đường đi khó khăn nên chưa được quan tâm.
Theo Ngoisao