Elvis Phương vừa cho xuất bản hồi ký Dòng đời điểm lại những chặng đường đã qua, đánh dấu hơn 60 năm ca hát.

Đoạn đầu đời giống như một cuốn phim lãng mạn với nhân vật chính kiểu “cậu ấm” con nhà có điều kiện mê hát gặp trúng ông bố cổ hủ và nghiêm khắc. Giai đoạn ngọt ngào này kết thúc bằng việc Phương cãi lời bố, từ chối sang Pháp du học và bỏ nhà đi làm ca sĩ năm 16 tuổi.

Hơi tiếc hồi ký lại không nói đến lúc bố con làm lành (nghe nói chỉ 2 năm sau vụ bỏ nhà). Bạn đọc chỉ được biết bố Elvis Phương ra đi vì tai nạn năm 53 tuổi.

Nhiều người đàn ông trong dòng tộc của Elvis Phương cũng không vượt qua ngưỡng 53 tuổi. Rất may Elvis Phương đã được cảnh báo điều này từ trước, nên mặc dù trải qua cuộc đại phẫu đúng tuổi 53 nhưng vẫn đứng vững trên sân khấu đến bây giờ.

Vài góc khuất trong hồi ký Elvis Phương-1
Elvis Phương khá dè dặt kể về đời tư trong hồi ký Dòng đời.

Elvis Phương thừa nhận, mình “hảo ngọt” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông chọn đăng một lá thư tình được ai đó gửi cho để chứng minh cho sự đào hoa của mình.

Danh ca quyết định “dừng bước giang hồ” từ khi gặp người vợ thứ ba là bà Lệ Hoa. Được biết, bà vốn là doanh nhân ở Mỹ nhưng đã từ bỏ sự nghiệp để đi theo chăm lo cho chồng.

Tuy nhiên, tác giả cũng khiến người đọc không khỏi cảm thấy thiêu thiếu khi ông không kể gì về mối tình đầu với người vợ vắn số. Ông chỉ nói ngắn gọn: “Cái chết của Hồng Ngọc đã gây cho tôi một cảm xúc thật mãnh liệt. Người vợ và cũng là mối tình đầu của tôi đã nằm dưới lòng đất sâu. Tôi đã đau khổ biết chừng nào…”.

Có những tình tiết người yêu nhạc quan tâm nhưng tác giả chỉ lướt qua. Chẳng hạn, vì sao ca sĩ chính của Phượng Hoàng đang là Hoài Khanh bỗng chuyển qua Elvis Phương không rõ cơn cớ gì.

Phượng Hoàng là ban nhạc trẻ Sài Gòn đầu tiên trình diễn các sáng tác riêng. Thậm chí họ được so sánh với Beatles vì trong biên chế có 2 nhạc sĩ thượng thặng thời bấy giờ là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

Cuộc hôn nhân thứ hai càng không được nhắc tới, ngoài mấy câu: “Bản tính ít nói và hầu như là không bao giờ cứng rắn được đã làm khổ tôi không ít, nhất là sau cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ, tôi hoàn toàn trắng tay”. Ông cũng không kể gì về gia thế của Lệ Hoa. Có thể thấy, Elvis Phương khá thận trọng khi đề cập đời tư.

Tất nhiên chuyện tình với Lệ Hoa được dành riêng nhiều trang. Tiếng sét ái tình đã rạch ngang cuộc đời Elvis Phương cách đây 42 năm, thể hiện bằng bữa cháo đầu tiên vừa khét vừa khê do bà Hoa nấu mà ông gọi là “cháo lú”. Sau đó, Elvis Phương kiếm cớ xin ngủ lại và người đẹp đồng ý mời chàng ra “hàng hiên”…

Elvis Phương nhiều lần khẳng định, kết hôn với Lệ Hoa là quyết định đúng đắn, chín chắn. Ông cho hay, trước đó vì không có khả năng kinh doanh nên đã bỏ bê việc khai thác tiếng hát của mình, mãi đến khi có bà Lệ Hoa, Elvis Phương mới thành lập hãng E.P Productions để phát hành băng đĩa.

Nhân viên của hãng không ai khác chính là ông và vợ. Mỗi ngày sau khi đi bộ, đạp xe và cơm nước xong xuôi, hai người lại lo bỏ băng đĩa vào hộp, đóng gói. Bà Hoa lo quảng cáo và trực điện thoại…

“Dòng đời” của Elvis Phương đương nhiên là một phần của lịch sử âm nhạc miền Nam trước 1975 và sau đó ở hải ngoại. Danh ca kể về phòng thu đầu tiên của người Việt ở Mỹ:

Gọi là phòng thâu cho xôm tụ chứ thật ra… chả có hệ thống cách âm gì cả, nên phải luôn tránh tiếng động một cách tối đa. Mỗi khi thu tiếng hát ca sĩ phải trùm mền kín mít, nếu gần hết bài mà có phi cơ bay ngang hay xe hơi đi qua nhà... thì xin mời quý anh chị ca sĩ thâu lại từ đầu”.

Như nhiều ca sĩ cùng thời, cuộc đời Elvis Phương cũng phải trải qua bước ngoặt ở dấu mốc năm 1975. Đoạn này được tác giả miêu tả khá kỹ và ông có vẻ cũng không ngại sự phán xét của độc giả khi cho biết mình di tản một mình, bỏ người thân ở lại. Nhưng vào lúc hoảng loạn đó chắc người trong cuộc mới biết mình phải làm gì.

Ông trải qua mấy lần hút chết trên hải trình và tới được Hồng Kông (Trung Quốc). Và cũng do tính sốt ruột muốn thoát khỏi trại tị nạn sớm mà phải mất một thời gian khá dài, Elvis Phương mới qua được Mỹ.

Năm 1984, Elvis Phương quay trở lại các trại tị nạn có người Việt ở Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Philippines để hát. Chuyến lưu diễn thiện nguyện cùng nhạc sĩ Nam Lộc khiến ông “thấy lòng thanh thản khi mang lại chút niềm vui nhỏ nhoi cho đồng bào mình”.

Cuối năm 1998, sau khi mổ tim, Elvis Phương quyết định cùng vợ trở về sống trong nước. Đoạn cuối hồi ký Elvis Phương có khả năng gây ngạc nhiên. Vì có vẻ ông nín nhịn lâu quá nên nhân dịp này kể luôn những xung đột trong gia đình sau cái chết của mẹ trong trại dưỡng lão ở Mỹ.

Tổng kết lại, Elvis Phương đã sống trọn với đam mê, luôn có ý thức trau dồi nghề nghiệp và gặp may mắn (nhiều hơn rủi ro) trong cuộc sống.

Ông cũng thể hiện là con người hài hước và nghịch ngợm khiến bạn bè đồng nghiệp nhiều phen mắc lỡm. Cuốn hồi ký không thể thiếu nhiều hình ảnh tư liệu sinh động của tác giả.

Theo Tiền Phong