Gặp nghệ sĩ Vân Dung ngày cuối năm quả là khó như đếm lá trên cây mùa đông.

Lịch làm việc của chị kín từ sáng đến tận đêm khuya, vừa phải hoàn thành công việc tại Nhà hát tuổi trẻ, vừa phải tập Táo quân lúc tối muộn.

Dẫu vậy, thần thái trên gương mặt của Vân Dung vẫn trẻ trung, tươi sắc như cô gái đôi mươi.

Được trò chuyện cùng chị về công việc bận rộn ngày cuối năm của một “Táo quân”, càng thấy trân trọng hơn từng sản phẩm nghệ thuật người nghệ sĩ mang đến cho khán giả.

Đó là thành quả của những ngày tháng lao động thấm đẫm mồ hôi và trăn trở với nghề không phải ai cũng biết.

Nghệ sĩ hài Vân Dung gấp rút chuẩn bị ghi hình cho Gặp nhau cuối năm - Táo quân năm Bính Thân
Nghệ sĩ hài Vân Dung gấp rút chuẩn bị ghi hình cho Gặp nhau cuối năm -
Táo quân năm Bính Thân


13 năm, các Táo chưa một lần cãi vã

- Trong các vai diễn Táo quân của mình, chị thích vai nào nhất?

Từ trước tới nay tôi vẫn thích vai Táo Y Tế nhất khi được phân công đảm nhận nhân vật này. Vai diễn nào trong Táo quân cũng có cái khó của riêng nó. Nam Tào, Bắc Đẩu còn khó nhiều hơn.

Cái khó nhất là phải luôn đổi mới trong từng năm để mang đến điều hấp dẫn nhất cho khán giả. Kịch bản Táo quân tối kỵ việc lặp lại nội dung cũ.

- Các nghệ sĩ như chị phải ứng phó với việc thay đổi kịch bản của Táo quân ra sao?

Thực ra kịch bản luôn là yếu tố xương sống cốt lõi và chúng tôi cần tìm tòi cái mới để đắp thêm “da thịt” vào. Để làm điều đó, toàn bộ ê-kíp từ đạo diễn đến diễn viên đều vắt óc suy nghĩ để vai diễn thêm sinh động.

Kịch bản Táo quân thay đổi cứ 30 phút một lần hoặc 1 tiếng một lần là chuyện bình thường. Lúc nào cũng cần thêm 2 hay 3 nhân sự để đánh máy tại chỗ những chi tiết được sửa.

May mắn đội ngũ làm Táo ai cũng có trí nhớ tốt và nhanh nhạy nên nắm bắt kịch bản rất nhanh.

- Chị đã phải đảm bảo sức khỏe của mình theo phương pháp gì để đáp ứng được lịch tập và diễn Táo quân?

13 năm gắn bó với Táo quân là một chặng đường không hề ngắn. Đôi lúc chúng tôi cũng thấy mệt, sức khỏe nhiều khi không cho phép.

Có người đã 40 tuổi, có người hơn 50 tuổi nhưng nhiều khi phải thức đêm tập đến gần sáng vì ban ngày ai cũng phải hoàn thành công việc của mình.

Nhưng dù mệt vẫn phải cố, vì khán giả đang rất mong chờ Táo quân.

Các nghệ sĩ ăn mì tôm tập luyện Táo quân
Các nghệ sĩ ăn mì tôm tập luyện Táo quân


- Đã có 13 năm gắn bó với các nghệ sĩ trong chương trình "Gặp nhau cuối năm", chị đánh giá như thế nào về những bạn diễn cùng mình?

Các Táo trong ê-kíp Táo quân, đặc biệt là Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng là những người rất thông minh, tự tin, nhiệt tình và sống rất tình cảm.

Ai cũng là người giỏi nhưng cái tôi của họ không quá lớn, họ rất khiêm tốn và nhường nhịn, đặc biệt với phụ nữ.

Tôi đánh giá cao những người anh em trong Gặp nhau cuối năm. Phải sống yêu thương và nhường nhau thì các Táo mới có thể làm việc cùng nhau đến 13 năm – quãng thời gian đủ dài cho một em bé lớn lên.

Trong từng ấy năm, chúng tôi chưa một lần giận dỗi hay cãi vã.

Với người khác điều đó có thể rất khó nhưng ê-kíp Táo quân lại coi như chuyện đơn giản thường ngày, vì chúng tôi như anh em “trên bến dưới thuyền” đã quá hiểu nhau.

- Là phận nữ trong cả ê-kíp các “Táo ông”, kỷ niệm nào chị nhớ nhất khi được các đàn anh nhường nhịn?


Kỷ niệm thì nhiều lắm, có khi được mọi người nhường hết phần ngon, có khi tất cả đang đi ăn, không thấy tôi có mặt là 5, 7 cú điện thoại liên tiếp hỏi xem tôi “đang ở đâu, mau đến ngay đi”.

Hay khi tôi bị ốm ai cũng gọi điện hỏi thăm, từ anh Thắng, anh Khánh đến bác Long hỏi xem tôi “bị sao, đã đỡ chưa”. Mọi người thường xuyên quan tâm, hỏi han tôi, ai cũng ga lăng và thích… thể hiện.

- Theo chị, vì đâu nghệ sĩ hài Xuân Hinh chưa một lần tham gia Táo quân dù tên tuổi anh ấy khá lớn, phải chăng vì anh không hợp với ê kíp Táo như lời đồn?

Thực ra tập Táo quân vào lúc đêm hôm mà bản thân nghệ sĩ Xuân Hinh rất bận rộn, đặc biệt vào dịp Tết.

Hơn nữa nghệ sĩ Xuân Hinh thường làm đĩa hài Tết nên có thể anh ấy khó sắp xếp để tham gia cùng ê-kíp Táo quân chứ không phải vì không hợp.

Trên sân khấu, tôi và anh Xuân Hinh vẫn thường diễn cùng nhau rất tung hứng vì cả hai phối hợp khá ăn ý.

Khi đi lưu diễn, tôi không đòi hỏi khách sạn 5 sao hay 4 sao


Vân Dung trong hậu trường một buổi tập kịch
Vân Dung trong hậu trường một buổi tập kịch


- Chị và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam gặp những khó khăn gì trong những chuyến lưu diễn nước ngoài?


Các nghệ sĩ Việt khi đi lưu diễn nước ngoài rất vất vả vì không có thời gian mà vẫn phải xoay sở một “núi” công việc, vừa phải quay gala vừa phải tập để diễn, chưa kể đến chuyện di chuyển hàng nghìn cây số.

Chúng tôi phải tận dụng thời gian cả ngày lẫn đêm.

- Khá nhiều ca sĩ người Việt từng phải chịu khổ khi đi lưu diễn nước ngoài, còn các nghệ sĩ hài thì sao?

Có lẽ chúng tôi có một phần may mắn vì trước khi đi lưu diễn, tất cả mọi thứ cần phải ràng buộc với nhau trên giấy tờ. Khi được mời đi nước ngoài, tôi không đưa ra đòi hỏi gì quá đáng với đối tác.

Tôi không cần khách sạn phải 5 sao hay 4 sao, nhưng cũng không muốn phải làm phiền ở nhờ nhà một người Việt nào bên đó.

Còn về chuyện ăn uống, tôi xin phép đoàn cho tôi được ăn cơm Việt vì bản thân không ăn được đồ Tây. Cả hai phía, mình và đối tác mời lưu diễn cần phải tôn trọng lẫn nhau.

- Bí quyết diễn hài "diễn như không diễn" của chị là gì?

Thực ra nói bí quyết thì không hẳn, chỉ đơn giản mình chịu khó học hỏi, biết ngó trước ngó sau một chút, quan sát mọi người trong cuộc sống để tích góp trở thành vốn để mình diễn.

Mỗi con người có một lối sống riêng, cách thể hiện riêng nên đó chính là kho tàng không bao giờ cạn kiệt giúp tôi có được phong cách diễn mới mẻ.

- Vai diễn nào chị rất muốn thể hiện nhưng chưa có dịp trải nghiệm?

Hầu như tuýp nhân vật nào tôi cũng từng trải qua, khó tính có, dễ tính có, trung niên hay trẻ trung, già cả cũng đều có, cả ngô nghê cũng có. Có lẽ vai sát thủ lạnh lùng là chưa từng “kinh qua”.

Không biết mình có làm được hay không nhưng cứ tưởng tượng ra thế đi. Có lúc xem phim hành động, tôi cũng hay thử nghĩ xem nếu mình đóng vai đó, khán giả có thấy hay không hay là tôi lại phì cười.

- Khi công việc bận rộn, chị nhận được hỗ trợ nào từ phía gia đình?

Ông bà giúp tôi rất nhiều trong việc đưa đón cháu đi học vì tôi quá bận. Tôi cũng không có ý định hướng cho con theo nghiệp của mẹ. Khi con đã lớn, con sẽ là người tự mình quyết định, đam mê và theo đuổi điều gì.

Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Theo Dân Việt