Văn Mai Hương trả lời về những ầm ỹ xung quanh sự cố tại Vietnam Idol Kids
- Sau khi tập 1 Vietnam Idol Kids lên sóng, một số khán giả cho rằng Văn Mai Hương "cướp lời" của Isaac và Bích Phương. Chị giải thích thế nào?
Thật ra tôi thấy rất bình thường bởi vì đây là năm thứ rồi tôi đảm nhận vị trí này. Năm trước đó, sau tập đầu, tôi cũng vướng phải một số tranh cãi.
Tôi nghĩ tôi cũng là người có kinh nghiệm và kiểm soát bản thân khá tốt. Hơn nữa, lên truyền hình thực tế còn phải cắt ghép hay biên tập để lựa chọn câu nói nào thú vị. Do đó, nếu chẳng may quý khán giả nào hơi khó tính một chút thì có lẽ mới thấy như thế. Chứ còn tập 1 là tập rất vui và các HLV thoải mái với nhau.
Tôi cũng không muốn lên tiếng quá nhiều, bởi chị Bích Phương cũng đã nói về vấn đề này. Tôi và chị Phương đã thân thiết từ khi tham gia Vietnam Idol cách đây nhiều năm, nên hoàn toàn không có chuyện cạnh tranh, chèn ép nhau.
- Vietnam Idol Kids mùa trước chị cũng vấp phải sự cố trang phục. Chị có tự hỏi tại sao mình lại dính phải nhiều tranh cãi khi ngồi ghế giám khảo đến vậy?
Tôi nghĩ thực ra có được sự chú ý thì người ta mới tranh cãi về mình, chứ có những người ăn mặc đẹp hoặc xấu cả đời mà không lên báo lần nào. Khi mọi người để ý, thì tôi cũng tự cảm nhận được mình vẫn còn sức hút. Tôi luôn cảm ơn các anh chị là vì thế, kể cả có bị chê.
Về vấn đề thời trang, năm nay, giám khảo có vẻ thân thiết nên ăn mặc hợp gu hơn. Mỗi tập trước phát sóng, chúng tôi đều bàn bạc xem mặc màu hay theo phong cách gì.
- Sau những tranh cãi trên, chị rút ra bài học gì cho mình?
Sau mỗi một số, tôi đều ngồi xem ít nhất hai, balần để rút kinh nghiệm. Yếu kém gì thì mình sửa, còn ngược lại, tốt điểm gì thì phát huy. Thực ra, tôi bị một yếu điểm đó là nói quá nhanh.
Có thể ở một số trường hợp nó là thế mạnh, nhưng đôi khi cũng là yếu điểm. Có những người khó tính sẽ nghĩ mình không điềm đạm, hơi lanh tranh. Tôi sẽ cố gắng sửa để lên hình, mọi người không cảm thấy khó chịu.
- Vậy còn về việc lựa chọn thí sinh, mùa trước chiến thắng của Hồ Văn Cường bị đánh giá là chưa thuyết phục?
Mọi người hay nói Cường được tình thương từ khán giả, nhưng không thể phủ nhận em ấy hát cảm xúc. Vì còn ở lứa tuổi thiếu nhi, nên nhiều khi không thể bắt ép các em chuyên môn, kỹ thuật quá, mà còn cần cảm xúc nữa.
Chiến thắng của Cường thuyết phục là vì số phiếu từ khán giả, chứ không có bất cứ sự can thiệp nào cả. Chúng tôi chỉ làm hết nhiệm vụ là tìm ra một người mà khán giả yêu thương.
- Trong tập 1 Vietnam idol Kids 2017 vừa lên sóng cô bé khiếm thị Minh Hiền là thí sinh gây chú ý nhất. Hình ảnh của em khiến nhiều người nhớ đến Hồ Văn Cường mùa trước, một thí sinh cũng có hoàn cảnh khó khăn, cuối cùng giành chiến thắng trong đêm chung kết. Có thể thấy yếu tố hoàn cảnh đang đóng vai trò quan trọng trong các gameshow hiện nay, trước hết là với BGK, rồi đến khán giả?
- Thực ra, mỗi giám khảo đều có một tiêu chí khác nhau để lựa chọn thí sinh. Nhưng, tất cả mọi thứ đều bị chi phối bởi cảm xúc. Có thể, ở nhà mình sẽ đặt ra các tiêu chí riêng, nhưng khi ngồi chấm trực tiếp thì không thể làm được điều đó.
Thực sự, việc em Hiền trở thành tiêu điểm, một phần cũng nhờ hoàn cảnh, nhưng chúng tôi không vì yếu tố đó để em vào vòng trong. Khi nghe trực tiếp, em Hiền hát cảm xúc vô cùng, dù có thể em hát không có một tý kỹ thuật nào, đúng như viên ngọc thô sơ thôi.
- Tức, cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất để chị lựa chọn thí sinh thay vì tài năng, kỹ thuật?
Tôi là người công bằng và lý trí nên khi chấm cho các em nhỏ, tôi cũng dựa trên nhiều tiêu chí.
Do đó, có những em có thể thiếu chút cảm xúc nhưng hát hay, lên sân khấu bùng nổ, thì đó cũng là một trong những tiêu chí chúng tôi chọn vào. Ngoài ra, có một điểm khác giữa Vietnam Idol Kids với những chương trình khác đó là các em vô tư, hồn nhiên và đó là một điểm cộng với thí sinh.
- Nhiều chương trình dành cho trẻ nhỏ đã gây tranh cãi khi chọn bài hát chưa phù hợp với lứa tuổi của các em. Ở Vietnam Idol Kids liệu điều đó có xảy ra?
Như tôi vừa nói, điểm cộng để các em được vào vòng trong đó là sự hồn nhiên, thoải mái. Chúng tôi luôn hướng đến một sân chơi để các em được tận hưởng và trải nghiệm, chứ không phải làm "gà" của người này hay người kia. Đặc biệt, việc trẻ em đi hát để trở thành công cụ kiếm tiền sau chương trình thì tôi không đồng tình.
Quan trọng nhất các em vẫn phải học văn hóa. Đến khoảng 15 tuổi, các em vỡ giọng và không thể đi hát thì đó là sự sụp đổ. Do đó, tôi luôn nói với thí sinh rằng hãy hát hết mình, một cách hồn nhiên, đừng diễn bởi "cô không thích những em nhỏ quá người lớn".
- Việc cân bằng giữa yếu tố giải trí và chuyên môn cũng là bài toán khó trong các game show hiện nay. Một chương trình đang lên sóng cũng có nhiều giám khảo trẻ đã gây tranh cãi khi nói chuyện về đời tư nhiều hơn chuyên môn. Chị và các HLV của Vietnam Idol Kids giải quyết bài toán này thế nào?
Rõ ràng việc cân bằng giữa yếu tố giải trí và chuyên môn không phải dễ dàng với BTC cũng như giám khảo. Nhưng với bất cứ chương trình nào, dù có giải trí hay không thì vẫn phải mang tính định hướng. Bởi nếu không có sự định hướng, thì chương trình chỉ như một trò đùa và mua vui.
Khi tham gia Vietnam idol Kids, chúng tôi đề cao yếu tố giải trí hơn bởi đối tượng là các em nhỏ, không thể quá nặng về chuyên môn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải định hướng để các em không bị mắc sai lầm, kiểu như nghĩ rằng mình sẽ trở thành ca sĩ sau chương trình này.
Năm nay, Bích Phương thay thế vị trí của Tóc Tiên trong dàn HLV.
- The Voice Kids cũng đang khởi động, điều đó tạo áp lực thế nào cho các HLV cũng như ê-kip của chị?
Năm ngoái, 2 chương trình cũng chạy song song. Tuy nhiên, vì có những tiêu chí khác nhau nên chúng tôi không cảm thấy áp lực. Thậm chí, tôi thấy càng có nhiều sân chơi cho các em thì càng tốt. Tuy nhiên, đừng để mọi thứ đi quá xa dễ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.
- Đúng như chị nói, sân chơi cho trẻ em ngày một nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó vướng tranh cãi, scandal?
Thực ra không chỉ trẻ em mà sân chơi dành cho người lớn cũng ngày một nhiều. Do đó, ở Việt Nam có điều kỳ lạ là ra ngoài đường gặp người nổi tiếng rất đông. Người người đi hát, trở thành ca sĩ, điều đó tạo nên rất nhiều áp lực cho lứa sau này.
Một năm có đến hơn 10 chương trình thực tế, thì lấy đâu ra nhân tố hay ê-kíp mới. Do đó, dễ dẫn đến các em trùng màu sắc với nhau.
Chúng ta đang trong thời gian bão hòa truyền hình thực tế, phải chăng nhà sản xuất nhìn được điều đó thì bớt lại một chút.
Theo Zing