Việc TikToker dùng những hành động mạnh để kiểm tra chất lượng sản phẩm bị giới thời trang chuyên nghiệp chỉ trích là làm lố, không mang lại giá trị.
Vứt, chà xát giày hay xé áo, đó là một số hành động TikToker làm để kiểm chứng độ bền của những món đồ thời trang khi quay video review. Khi mua một món đồ về nhà, bạn có kiểm tra chúng bằng cách nặng tay như vậy?
“Tôi tự hỏi liệu họ làm vậy có giúp ích gì nhiều cho người xem hay chỉ đơn giản là làm trò nhảm nhí để câu view?”, Đăng Nguyên (25 tuổi, TP.HCM) luôn cảm thấy khó hiểu khi xem một số video ngắn review quần áo, phụ kiện trên TikToker.
Chưa kể, một số người còn công khai đăng bán hàng nhái và tự so sánh với thiết kế thật. Đây chỉ mới là số ít vấn đề khi nhắc đến thực trạng review thời trang “nhảm nhí” trên TikTok.
“Hành hạ” đồ để câu view
Trước khi bỏ theo dõi TikTok, Nguyên cũng từng cảm thấy thích thú với những video dạy cách phối đồ theo nhiều phong cách, chỉ các mẹo hay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi có một số người làm trò lố, anh nhận ra mình không nên để lãng phí thời gian thêm nữa.
Khi mua giày, điều mọi người quan tâm thường là sự chênh lệch giá cả giữa các nơi, địa điểm nào bán hàng chất lượng và không lo nhái, chất liệu da có dễ bong tróc, độ êm, mang lên chân có giúp tôn dáng, điểm nhấn của thiết kế… Phần lớn các yếu tố này phải được kiểm nghiệm qua thời gian rồi mới có thể review cho người khác.
Dùng khoan, búa để kiểm tra độ bền sản phẩm
Cũng giống như Mr Foamer Simpson - người nổi tiếng nhờ review sneakers, anh cho thấy những kiến thức về giày và phân tích được ưu, nhược điểm, cách nhận biết đồ thật, giả. Điều đặc biệt là anh luôn nâng niu các thiết kế, trải nghiệm sản phẩm rồi mới truyền lại cho người xem.
Tuy nhiên, một số người sản xuất nội dung trên TikTok hiện nay lại chọn hướng review “thô bạo” hơn bằng cách ném mạnh giày, cho rơi từ tầng cao, dùng búa đập, thậm chí khoan đục rồi tự nhận mình là “bác sĩ sneakers”.
Họ lặp lại mô-típ nói về kiểu dáng bên ngoài - những điều ai cũng có thể dễ nhận ra ở một thiết kế. Sau đó, người xem vẫn thấy mông lung và để lại bình luận “rốt cuộc giày đi có êm không?”.
Sau khi bị chỉ trích vì làm video review vô bổ, nhảm nhí, TikToker lại thẳng thắn đáp trả và nói cảm ơn mọi người vì đã góp phần giúp lượt xem tăng vọt. Thậm chí, một số người còn thản nhiên nói chỉ làm cho vui. Tệ hơn là họ chuyển hướng sang bán hàng nhái công khai.
MT Nguyen - founder MT-N Production, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thời trang: “Một video có ích trước tiên phải review đúng sự thật. Khi một người nhận mình là reviewer và làm có tâm, họ phải đánh giá được chất lượng sản phẩm, liên quan đến chất liệu. Bạn cần có trải nghiệm cá nhân qua quá trình dùng sản phẩm rồi mới đưa ra kết luận”.
Theo anh, những video nhảm nhí sẽ không mang giá trị nội dung để truyền tải tới người xem. Nó là những video chỉ mang tính chất giải trí, không có yếu tố chuyên môn, chủ yếu thể hiện tính cá nhân, dùng chiêu trò hơi lố lăng, nhận định một chiều.
Xét ở khía cạnh khác, những video review theo cách thô bạo thuộc về quyền cá nhân. Tuy nhiên, chúng không tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và ngành thời trang nói chung bởi hướng truyền tải không tích cực.
“Họ không nhất thiết dùng hành động mạnh để thử đồ có tốt hay không. Ví dụ như quần áo phải xé, cắt, đốt để thử chất lượng, như vậy rất tiêu cực. Họ kiếm tiền bằng lượng view nhưng chuyên làm trò lố bịch thì cũng không thể đi lâu dài”, MT Nguyen chia sẻ thêm.
Một vấn đề khác cần nhắc đến là những người sáng tạo nội dung được thương hiệu trả tiền để PR sản phẩm. Điều này khiến họ luôn nói tốt về sản phẩm và không có cái nhìn chân thực. Nhiều người còn lấy mác thương hiệu để trà trộn hàng nhái rồi rao bán. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, doanh số bán hàng của các local brand.
Từ đó, nhiều người cho rằng họ không còn niềm tin với việc xem review đồ. Thay vào đó, họ chuyển sang xem những nội dung thiết thực hơn như mẹo phối đồ để trông gầy, cao ráo hơn, cách mặc giúp che bắp tay to, chọn bra cho từng kiểu áo…
Theo góc nhìn của MT Nguyen, sự cải thiện những video không mang lại giá trị có thể đến từ chính hành động của người xem. Gửi một thông điệp ở phần bình luận, đánh giá thấp sản phẩm và tích cực ủng hộ những người làm review có tâm là những việc bạn có thể làm ngay lúc này.
Đằng sau câu chuyện mua hàng giá rẻ
Ngoài việc công khai bán hàng nhái như đã đề cập ở trên, một vấn đề khác cũng phổ biến và gây tranh cãi là văn hóa dùng hàng dupe (bản sao), theo Byrdie. Một số TikToker khuyên người xem nên mua chiếc túi xách hay đôi giày có thiết kế tương tự thương hiệu lớn vì nó có giá rẻ hơn và hợp xu hướng.
Thực tế, nhu cầu mỗi người là khác nhau, được tự do mua sản phẩm phù hợp với túi tiền. Điều đáng nói là xu hướng đang thay đổi nhanh chóng trên TikTok. Theo The Drum, TikTok đã có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp thời trang nhanh, ảnh hưởng đến môi trường.
Dùng băng dính để che logo trên đôi giày nhái
Các TikToker đăng bài về các mặt hàng mới mỗi ngày. Điều này dẫn đến chu kỳ mua liên tục. Bởi họ đánh vào tâm lý số đông thường thích những thứ mới và sành điệu nhất. Khi không ngừng theo đuổi những điều tốt nhất, họ thường bỏ mặc xu hướng của tuần trước. Họ không thể gắn bó với một kiểu phong cách.
Hôm qua, họ có thể diện theo phong cách Y2K với bộ đồ thể thao Juicy Couture. Ngày tiếp theo lại là hơi hướm cổ điển với quần jeans cạp trễ.
Theo các nghiên cứu, Gen Z và Millennials là những người dùng ứng dụng TikTok nhiều nhất. Nhóm tuổi này thường không có khả năng để mua những sản phẩm cao cấp. Vì vậy, họ dễ dàng sa vào “bẫy” quảng bá các mặt hàng có giá rẻ hơn nhưng thiết kế tương tự. Từ đó, họ chính thức bước vào vòng quay mua không ngừng.
“Sản phẩm quần áo hiếm khi tồn tại lâu. Thông thường, chúng chết đi sau một vài tháng và cuối cùng trở thành chất thải”, The Drum bình luận.
Chiếc váy Hockney gây sốt đã được rao bán với nhiều phiên bản tương tự có giá rẻ hơn.
Theo Zing