Táo Quân vốn được coi là tiếng cười trào phúng hiếm hoi còn sót lại của thị trường hài. Kịch bản chương trình được xây dựng theo hướng phản ánh các vấn đề nổi cộm trong năm, qua đó tạo nên tiếng cười đả kích, “tống cựu nghinh tân”.

Do vậy, việc Táo Quân dừng lại dù được coi là tất yếu vẫn để lại những khoảng trống lớn đối với đa số công chúng yêu nghệ thuật hài.

Trong bối cảnh vắng bóng Táo Quân, một số chương trình hài, phim hài Tết năm nay cũng nỗ lực chinh phục khán giả thông qua việc đề cập đến những vấn đề thời sự, xã hội trong năm với góc nhìn hài hước. Song, số lượng tác phẩm không nhiều và chất lượng kịch bản vẫn là yếu tố đáng bàn.

Không nhiều tiếng cười trào phúng

Cùng với Táo Quân, phim hài Tết dân gian từng được coi là thương hiệu của tiếng cười trào phúng. Trong đó, đạo diễn Phạm Đông Hồng từng được mệnh danh là “vua hài dân gian” trên thị trường với nhiều tác phẩm đả kích vấn đề xã hội như series Chôn nhời, Quan trường trường quan…

Vắng Táo Quân, hài đả kích ở đâu?-1
"Giấc mộng quan trường" là phim hài đề cập nhiều vấn đề xã hội.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng qua đời vào tháng 9/2018 và để lại khoảng trống đáng kể cho thị trường hài dân gian. Năm 2019, hài dân gian vắng bóng hoàn toàn khỏi thị trường, series Chôn nhời từng được nhiều khán giả yêu thích cũng khép lại.

Trong dịp Tết 2020, hài dân gian có dấu hiệu trở lại với sự tham gia của đạo diễn Linh Đồng - học trò của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng. Theo đuổi phong cách hài giống người thầy của mình, nam đạo diễn ra mắt Giấc mộng quan trường mang phong cách hài dân gian.

Phim lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam thời phong kiến. Tình huống phim xảy ra khi Tri Phủ khơi dậy đấu đá quyền lực giữa Lý Trưởng và Tri Huyện với mục đích vơ vét của cải trước khi về hưu.

Nội dung Giấc mộng quan trường đả kích thói hư tật xấu của quan lại thời xưa. Phim đồng thời lồng ghép những sự kiện tiêu biểu, làm dậy sóng dư luận trong năm qua như nước bẩn tại Hà Nội, cháy nhà máy Rạng Đông, sàm sỡ trong thang máy… đến việc chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức.

Ngoài Giấc mộng quan trường, một bộ phim hài tết khác cũng đề cập đến các vấn đề xã hội là Đại gia chân đất 10. Series này từng gây tranh cãi vì nhiều cảnh nóng, song năm nay cũng nỗ lực thay đổi kịch bản.

Vẫn là câu chuyện gia đình của hai người nông dân “chân đất” Tích - Sự nhưng phim lồng ghép nhiều sự kiện nổi cộm trong năm. Các vấn đề thời sự như ngộ độc rượu, trao nhầm con, xả rác gây ô nhiễm môi trường, tình nghĩa vợ chồng - tình anh em lỏng lẻo… ít nhiều được đề cập trong phim.

Ngoài hai tác phẩm kể trên góp phần phê phán các vấn đề xã hội, nhìn chung, các phim hài Tết khác xoay quanh chủ đề tình yêu, gia đình, tình cảm anh em, bạn bè. Trong khi, một vài dự án từng câu khách vì cảnh nóng, hài nhảm đã dừng sản xuất.

Hài đả kích có còn trên sóng truyền hình?

Táo Quân từng là thương hiệu về hài đả kích trên sóng giờ vàng giao thừa VTV. Năm nay, Gặp nhau cuối năm chuyển sang một format mới. Chương trình vẫn điểm qua các vấn đề xã hội, song vẫn nổi bật với tính giải trí.

Chương trình cũng nhắc tới những vấn đề xã hội nổi bật trong năm như việc người dân Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu của nhà máy nước sông Đà, vấn đề ô nhiễm không khí, tuyến đường sắt trên cao, thịt lợn tăng giá hay vấn nạn câu view bất chấp, rẻ tiền.

Tuy nhiên, những vấn đề chỉ được điểm qua, không thể tạo thành những tiếng cười trào phúng. Thay vào đó, chương trình tập trung hơn vào các hot trend, những câu nói nổi tiếng trên mạng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng Gặp nhau cuối năm năm nay không phù hợp để phát sóng đêm giao thừa vì có một số lời thoại nhảm, nhạy cảm, không thích hợp với trẻ em.

Vắng Táo Quân, hài đả kích ở đâu?-2
Vân Dung và Chí Trung trong chương trình "Gặp nhau cuối năm".

Ngoài Gặp nhau cuối năm, như thông lệ, nhà đài cũng có thêm một chương trình hài phát sóng tối mùng 2 Tết với tên gọi Gala Cười. Gala Cười năm nay cũng được giới thiệu là đề cập tới các vấn đề xã hội thông qua những tiểu phẩm với góc nhìn hài hước, vui vẻ.

Tuy vậy, sau khi lên sóng, Gala Cười 2020 cũng nhận những ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ghi nhận về tính giải trí của chương trình cùng thông điệp về tình yêu - gia đình, một số người cho rằng chương trình “hơi nhạt”.

Không thể phủ nhận những nỗ lực làm mới của nhà sản xuất với những chương trình vốn đã có nhiều thành công và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Song, dịp Tết năm nay, nhà đài chưa đáp ứng được những kỳ vọng và mong mỏi của khán giả yêu hài.

Từ thực tế của thị trường hài, ở cả hai mặt trận là phim hài Tết và chương trình truyền hình, công chúng có quyền đặt câu hỏi: Tiếng cười trào phúng đang ở đâu?

Theo Zing