Ngày 15/11, trên Fanpage chính thức của của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (HUFI) đăng tải thông tin cảnh báo sinh viên về việc vay "tín dụng đen".

Chia sẻ trên VnExpress, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết, nhà trường vừa ghi nhận một nữ sinh viên năm hai, ngành Ngôn ngữ Anh, vướng vào "tín dụng đen" dẫn đến số nợ lên tới 300 triệu đồng.

Vay tín dụng đen 10 triệu đóng học, nữ sinh bị đòi nợ 300 triệu-1

Trước đó, tháng 11/2020, nữ sinh viên trên làm mất 10 triệu đồng đóng học phí. Không dám xin gia đình, cô vay tiền qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao, với ý định tiết kiệm chi tiêu và làm thêm để trả.

Tới khi đáo hạn, không đủ tiền trả nợ, nữ sinh viên vay thêm tiền ở các ứng dụng cho vay khác. Sau gần một năm, tiền cộng dồn cả gốc lẫn lãi tăng lên gấp 30 lần. Liên tục bị đòi tiền, bị đe dọa, cô đành thú thực với gia đình.

Trả lời trên Pháp Luật, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cho biết thêm, theo danh sách các khoản vay gia đình cung cấp, nữ sinh viên này vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau, "lãi mẹ đẻ lãi con".

"Khi khoản này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì em được giới thiệu ứng dụng khác, tất cả đều thuộc một đường dây", bà Thoa thông tin.

Vay tín dụng đen 10 triệu đóng học, nữ sinh bị đòi nợ 300 triệu-2

Sau khi nắm được thông tin, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã liên tục cảnh báo sinh viên không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất cao.

Khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính, sinh viên có thể liên hệ để nhà trường để tìm cách hỗ trợ. Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao cần liên hệ phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục để được giúp đỡ giải quyết.

Tuy nhiên, sinh viên vẫn còn bồng bột, chưa làm ra tiền lại dễ bị dụ dỗ. Các app vay tiền lãi suất cao đã đánh vào tâm lý này và thi thoảng vẫn có sinh viên "mắc bẫy".

MT (t/h)
Theo Vietnamnet