Diễn biến dịch tại TPHCM vẫn phức tạp. Con số ca nhiễm hàng trăm ca đến hàng nghìn ca thực sự đã, đang và sẽ còn tạo ra áp lực rất lớn đến ngành y tế cũng như với các lực lượng chống dịch khác ở địa phương này.

Lo ngại lớn nhất là lây nhiễm trong cộng đồng, khi mà TPHCM một trung tâm kinh tế của cả nước, nơi có hơn 9 triệu dân sinh sống và làm việc. Do đó, nguồn chi viện của các địa phương khác đối với TPHCM vào lúc này là rất quý báu.

Về 300 sinh viên Hải Dương: Tuổi trẻ, hãy tiếp tục tin tưởng và tiến lên!-1

Trước hết, bên cạnh truyền thống "tương thân, tương ái" thì việc huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc trong cuộc chiến cam go với Covid-19 cũng chính là vì an toàn của cả nước, lợi ích của cả nước, trong đó có mỗi cá nhân. Không ai đứng ngoài cuộc chiến này và không ai được phép thờ ơ, bàng quan với những gì đang diễn ra.

Cách đây ít ngày, tôi có đọc thông tin trên Dân trí về đoàn chi viện từ trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tình nguyện vào TPHCM hỗ trợ chống dịch.

Được biết, sau 4 tiếng nhận đề nghị của Bộ Y tế, nhà trường phát động và nhận được sự hưởng ứng, đăng ký tình nguyện lên đường của 9 thầy cô và 310 sinh viên các ngành: Xét nghiệm, y đa khoa, điều dưỡng. Trong đó, nhiều sinh viên từng tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch hơn 40 ngày vừa qua.

Những hình ảnh đẹp được đăng tải thể hiện sự nhiệt huyết và quyết tâm của tuổi trẻ. Nhưng cũng đáng tiếc thay, đã có những chuyện không vui xảy ra, một nốt trầm trong bài ca "xung kích", ra trận.

Tôi không muốn đi sâu vào tiểu tiết của những vấn đề đang gây tranh cãi như chống dịch lại đi máy bay, ở khách sạn 5 sao thậm chí cả việc đến trễ… mà không biết rằng mọi hoạt động của các em đều do phía doanh nghiệp tổ chức, đưa đón.

Tôi đã thật sự xúc động khi xem chùm ảnh "Theo chân 300 sinh viên Hải Dương giúp TPHCM chống dịch giữa ồn ào dư luận" và nghĩ rằng, trong giai đoạn khó khăn này, sao chúng ta lại gây tổn thương cho nhau và vì sao lại gây chia rẽ, khi mà nhẽ ra ta cần phải bao dung và yêu thương nhau hơn nữa.

Cần nhìn thẳng rằng, trong thiện nguyện luôn chứa đựng những vấn đề "nhạy cảm", bởi như cha ông ta vẫn nói "của cho không bằng cách cho", có động cơ tốt nhưng cách làm lại càng phải thận trọng và khéo léo. Dẫu vậy, những việc tốt vẫn cần được trân trọng và nâng niu.

Bài báo cho biết, gác lại những ồn ào trên mạng xã hội, sinh viên y khoa tỉnh Hải Dương vẫn làm việc cả ngày lẫn đêm ở các điểm trường, khu phố… hỗ trợ lực lượng y tế TPHCM lấy mẫu cho người dân. Có điều, họ có phần e ngại khi tiếp xúc, chia sẻ về mình.

"Khi vào TPHCM, thầy trò đều mang tâm thế không nề hà, không ngại khó, ngại khổ, không đòi hỏi điều kiện ăn ở. Suốt thời gian dài chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, thầy và trò chúng tôi đều như thế. Vào TPHCM dịp này, đoàn chỉ mong hỗ trợ việc chống dịch được nhanh chóng", một thầy giáo giấu tên chia sẻ.

Tôi vui mừng vì các bạn trẻ ấy vẫn xốc dậy tinh thần để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và tôi ước gì mình có thể có mặt ở đó để động viên họ, hãy tiếp tục tin tưởng và tiếp tục cố gắng.

Tuổi trẻ cần sự xông pha và có tinh thần tiến lên như vậy, có thể trong từng chi tiết nhỏ còn chưa chỉn chu thì khát vọng tuổi trẻ và niềm tin vào điều thiện vẫn bền bỉ. Có thể có những bài học cuộc sống mà trong các giáo trình không đề cập đến, nhưng điểm đến cuối cùng vẫn là sự trưởng thành.

Thật tuyệt vời biết bao khi trong tuổi trẻ này, ta được đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công cuộc lớn lao của toàn đất nước, chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Khi đó, nhìn lại thời gian đã trải qua, tôi tin rằng, các em sẽ tự hào về những năm tháng vất vả, gian lao nhưng đầy ý nghĩa này.

"Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Cảm ơn các em đã dám dấn thân và xông pha lên tuyến đầu của cuộc chiến này. Cảm ơn sự nhiệt huyết của các em, để "người lớn" như chúng tôi cũng tự nhìn lại bản thân, để sống khiêm nhường hơn và có trách nhiệm hơn.

Theo Dân Trí