Những tưởng đất  không “cạp” ra mà ăn được. Vậy mà từ xa xưa người dân thôn Thống Nhất (thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã làm món “đất hun sim”, mà họ gọi là “ngói”, để nhấm nháp bên ly trà xanh.


Gia đình ông Khổng Văn Loa (85 tuổi), bà Khổng Thị Biện (80 tuổi) là 1 trong số ít nhà còn giữ được tập tục này của thôn Thống Nhất. Có người  đến chơi nhà, ông bà thường mời khách món ăn đặc biệt này.


Theo bà Biện, từ khi còn nhỏ bà đã thấy người trong làng làm ngói ăn. “Trước bánh kẹo không có, Tết đến nhà ai cũng ăn ngói và uống trà xanh. Đàn bà mang bầu cũng hay nghén thứ ngói này. Giờ của ngon có nhiều, người ăn ngói cũng chẳng còn mấy”, bà Biện cho biết.


Ngói khô nên khi ăn thường uống kèm với nước trà xanh để tăng thêm vị đậm đà. Theo một số người dân, mấy chục năm trước, người trong thôn còn làm ngói mang ra chợ huyện bán rất đắt hàng.


 Ngói được làm từ loại đất sét trắng, mềm có nhiều trong làng. Loại đất này thường phải đào sâu 2-3 mét mới có thể tìm thấy. Do tuổi cao nên bà Biện phải nhờ người con trai út là anh Lai đi lấy đất.


Đất khi mới được đào lên thường là những tảng nhỏ, mềm, bám nhiều lớp tạp chất bên ngoài.


Để xác định đúng loại đất cần tìm, bà Biện cảm nhận bằng tay hoặc dùng mũi ngửi. “Đất làm ngói ăn không tanh như đất thường”, bà Biện chia sẻ.

Sau khi lấy đất, một nguyên liệu không thể thiếu khác là lá sim. Có đủ 2 thứ này, việc làm ngói ăn sẽ vô cùng dễ dàng.


 Đất sau khi được lấy về, sẽ phơi qua vài nắng cho cứng lại, trở nên giòn hơn.


 Những tạp chất bám bên ngoài "thớ" đất sẽ được loại bỏ trước khi đem hun.


 Công đoạn cuối cùng là đốt rơm cùng lá sim tươi tạo khói để hun đất thành ngói. Chính vì thế món ngói này còn gọi là "đất hun sim".

Khi hun, đất được đảo đều, đảm bảo hơi khói được phủ đều.

Đất hun chuyển vàng, ăn có vị bùi, hơi chua, thơm mùi lá sim và nồng mùi khói.

 

Ngọc Thắng

Theo Vietnamnet