Kể chuyện Tết nhất, chắc không thể bỏ qua chuyện hậu Tết thế nào. Thôi thì tôi xin góp câu chuyện vui của gia đình tôi năm ngoái: hậu Tết, cả nhà tôi ăn mắm dài ngày.

Chẳng là vợ chồng chúng tôi lên thành phố làm ăn. Vì thế, cứ Tết đến, chúng tôi phải mua vé tàu về quê chồng ăn Tết từ sớm. Năm đó, lương công nhân bèo bọt nên tiền tiêu xài cũng phải tiết kiệm tối đa. Mà về quê, dù có muốn tiết kiệm cũng không thể làm được.

Ở quê tôi, những người đi làm ăn xa trở về vào dịp Tết đều được hàng xóm xem là “đại gia”. Khi biết tin vợ chồng tôi về, hàng xóm, họ hàng kéo đến chia vui, xem chúng tôi gầy mập thế nào đầy cả nhà. Thấy chúng tôi bước xuống từ taxi, mọi người đã ùa ra, kẻ kéo giúp va li, người nắn tay bóp chân khen vài câu. Còn mấy đứa con nít cứ đưa tay chạm chạm, sờ sờ lên chiếc ô tô như thể chưa thấy bao giờ.

Sau khi chen lấn được vào nhà, ngồi chưa ấm chỗ, chúng tôi phải làm “việc mà ai cũng chờ”: tặng quà. Nói thật, để chuẩn bị được hết số quà này, chúng tôi phải tằn tiện chừng chút một trong sinh hoạt. Rồi phải cân đo đong đếm làm sao mua được quà vừa ngon vừa rẻ vừa có tiếng để không phải muối mặt vì bị chê. Rồi phải dự định được bao nhiêu suất quà, ai được quà đắt tiền hơn… Chỉ riêng việc quà cáp khi về quê cũng trở thành nỗi ám ảnh với chúng tôi. Sau khi chia quà xong, mọi người mới lục tục kéo nhau về.

tết
Khi biết tin vợ chồng tôi về, hàng xóm, họ hàng kéo đến chia vui, xem chúng tôi gầy mập thế nào đầy cả nhà. (Ảnh minh họa)


Hết hàng xóm rồi đến họ hàng, anh em. Biết tin tôi về, anh chị em cũng về chia vui. Thế là chúng tôi phải làm một bữa tiệc nho nhỏ để ra mắt “cái sự về quê” này. Bữa tiệc đó cũng ngốn hết vài triệu bạc. Mang danh làm ở thành phố cả năm mới về, làm sơ sài sợ bị mọi người cười chê.

Rồi tiền bỏ ra lo quần áo cho bố mẹ, sửa soạn mâm cỗ cũng phải nhỉnh hơn những người khác. Riêng năm ngoái, chúng tôi mất gần 20 triệu tiền mua sắm thực phẩm Tết để anh em họ hàng đến chúc Tết còn ngồi nhâm nhi chén rượu. Dù vợ chồng méo mặt nhìn nhau khi đi sắm Tết cũng phải cố mà làm cho xong, cho êm ấm, cho đỡ bị dị nghị keo kiệt.

Đấy là chưa kể cái khoản tiền mừng tuổi. Nhà nào cũng đông con cháu, đến chúc Tết là ùa vào hò nhau hai bác ở thành phố về.  Ban đầu, tôi bỏ 20 ngàn vào bao lì xì, chẳng ngờ một đứa cháu lột ngay bao trước mặt tất cả mọi người. Mẹ nó thấy 20 ngàn thì dè bỉu: “Cứ tưởng bác ở thành phố về thì thế nào. Ai ngờ cũng có thế!”, khiến tôi nóng cả mặt, đành dấm dúi thêm cho thằng bé 50 ngàn để không bị cười chê.

tết
Khi ra được bến xe, trên người chúng tôi chỉ còn đúng tiền vé xe và đủ ăn một bữa dọc đường. (Ảnh minh họa)


Cả năm làm dành dụm ở thành phố, một chuyến về quê ăn Tết đã ngốn hết của vợ chồng tôi. Vậy mà, trước khi về thành phố “cày bừa” lại, chúng tôi còn phải tiếp tục đãi một bữa tiệc chia tay nho nhỏ với mọi người.

Khi ra được bến xe, trên người chúng tôi chỉ còn đúng tiền vé xe và đủ ăn một bữa dọc đường. Suốt những ngày sau, chúng tôi vật lộn với mắm và rau đem từ quê lên.

Năm nay, chúng tôi không về quê nữa mà ở lại thành phố ăn Tết. Nói thật chứ chúng tôi sợ quá rồi cái cảnh rau muối qua ngày như năm trước. Mà tôi cũng không hiểu sao những người ở quê cứ luôn mặc định người làm ở thành phố là giàu có. Chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi mới kiếm được đồng tiền chứ đâu có dễ. Vì những lí do rất chính đáng như trên mà việc về quê ăn Tết trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Có ai rơi vào hoàn cảnh như tôi không?


Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ