Dù là bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ thì các con đều phải có nghĩa vụ chăm sóc và phụng dưỡng như nhau. Đừng nhất bên trọng nhất bên khinh để rồi gây tổn thương cho người bạn đời, đến lúc hối hận cũng đã muộn.

Người chồng với quan điểm “phụ nữ lấy chồng là tách khỏi nhà mẹ đẻ”

Đại (32 tuổi) chia sẻ anh và Tâm kết hôn đến nay tròn 6 năm. Họ sinh được 2 bé trai gái, khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

“Dù quê vợ gần hơn nhưng 6 năm qua vợ chồng tôi đều về quê nội ăn Tết. Các ngày nghỉ lễ trong năm, chúng tôi phần lớn cũng về quê nội. Từ khi kết hôn đến giờ, 6 năm thì chắc vợ về quê ngoại được 4 lần”, Đại kể.

Đại bảo anh luôn quan niệm phụ nữ đi lấy chồng là tách rời khỏi nhà mẹ đẻ. Bởi vì lúc ấy chồng con và gia đình chồng mới là cuộc sống của họ, phụ nữ phải toàn tâm toàn ý, tập trung chăm sóc gia đình mới.

Đối với nhà ngoại, chỉ cần gọi điện hỏi thăm, một năm không được mấy ngày nghỉ nên để dành cho bên nội.

Về quê thăm mẹ vợ, chồng chết lặng nghe cuộc nói chuyện nửa đêm-1

Đại biết Tâm không hài lòng nhưng anh luôn thực hiện tốt trách nhiệm làm chồng, làm cha. Bởi vậy cô đành phải chấp nhận nín nhịn. Anh tự hào khi những năm qua vợ luôn nghe lời chồng.

“Đến năm thứ 5 hôn nhân, vợ tôi học đòi người ta kiên quyết về ngoại ăn Tết. Tôi thẳng thừng đưa cho cô ấy đơn ly hôn rồi bảo ký xong muốn đi đâu thì đi.

Qua một đêm, vợ lập tức sợ hãi mà đổi ý. Tôi biết cô ấy gọi điện cho mẹ và được bà khuyên không nên đối chọi gay gắt với chồng. Kể ra bố mẹ vợ tôi vẫn còn biết đạo lý”, Đại thuật lại chuyện cũ.

Về thăm mẹ vợ bị tai nạn và cuộc nói chuyện giữa đêm

Cách đây một thời gian ngắn, Đại buộc lòng phải đưa vợ con về quê ngoại. Mẹ Tâm bị tai nạn, bà hôn mê không tỉnh. Nghe bố báo tin, Tâm chỉ nói với chồng một câu rồi lập tức thu dọn hành lý về quê.

Đại cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Anh đưa vợ con về, sợ mẹ vợ không qua khỏi thì có lẽ đây chính là lần gặp mặt cuối cùng.

“May mắn là sau 2 ngày hôn mê thì mẹ vợ tôi đã tỉnh. Dù có nhiều vết thương phần mềm và một chút di chứng trong não nhưng tính mạng đã được đảm bảo, chỉ cần tĩnh dưỡng thêm là sẽ hồi phục.

Sau một tuần mẹ vợ tôi được xuất viện về nhà, chúng tôi vẫn ở quê cho đến hôm đó. Ngày hôm sau tôi dự định lên thành phố đi làm, để vợ con ở lại thêm vài hôm nữa”, Đại nói.

Thực ra Đại muốn đưa vợ con cùng lên luôn. Nhưng nhìn thái độ của vợ, anh có dự cảm rằng nếu đưa ra đề nghị đó thì Tâm sẽ bằng mọi giá chống đối.

Đêm cuối ở nhà mẹ vợ, nửa đêm tỉnh dậy uống nước, Đại tình cờ nghe được tiếng khóc nghẹn ngào vọng ra từ phòng bà.

“Vừa tỉnh dậy mẹ đã khóc vì nghĩ đến nếu cứ thế ra đi thì nghĩa là cả năm trời rồi mẹ chưa được gặp con và 2 cháu ngoại. Mẹ chỉ có hai đứa con và 4 đứa cháu thôi.

Nếu biết trước gả chồng rồi coi như mất con thì chắc là mẹ không gả con đâu…

Khoảng cách 150 cây số mà... Ngày nào mẹ cũng phải mang ảnh của hai đứa bé ra ngắm nghía vì sợ lâu ngày không gặp mẹ sẽ quên mất chúng trông thế nào…”.

Về quê thăm mẹ vợ, chồng chết lặng nghe cuộc nói chuyện nửa đêm-2

Đại lặng người khi nghe được những lời mẹ vợ nói với con gái trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Rồi câu trả lời rành rọt của Tâm vang lên: “Con hối hận quá, đáng lẽ con phải đấu tranh mạnh mẽ hơn. May mà mẹ đã khỏe lại, nếu không cả đời này con phải sống trong day dứt…”.

“Cả đêm ấy tôi mất ngủ, nghĩ về những lời nghe được trong phòng mẹ vợ. Tôi đã phạm một tội lỗi lớn, đó là chia tách tình cảm bà cháu, mẹ con. Tôi quên mất rằng bố mẹ nào cũng yêu thương và mong ngóng con cháu về chơi...”, Đại tâm sự.

Hôm sau, trước khi lên thành phố, Đại dặn vợ cứ ở lại quê bao lâu cũng được, các con không chỉ cần biết quê nội mà cũng nên vun đắp tình cảm với quê ngoại.

Lời xin lỗi anh không thể thốt ra vì cảm thấy quá hổ thẹn. Anh sẽ dùng hành động để thể hiện sự ăn năn của mình, từ bây giờ những dịp về quê sẽ được chia đều cho hai bên.

“Dù vợ vẫn còn giận song tôi cảm thấy may mắn vì còn cơ hội cho mình sửa chữa”, Đại nói.

Theo Pháp luật và bạn đọc