Chào tác giả bài viết "Là vợ tôi thì cứ nên ở nhà và nghĩ cách chiều chồng!". Đúng như anh nói, mới đọc câu tiêu đề này tôi đã cảm thấy anh quả là người đàn ông gia trưởng. Và càng đọc nội dung bài viết, thì tôi thấy, ngoài gia trưởng ra, anh còn có những suy nghĩ vô cùng ấu trĩ và nông cạn.
Tôi không biết vợ anh, vì vậy tôi không thể gặp tận mặt để hỏi chị ấy một câu rằng “Chị làm vợ như vậy có thật sung sướng như lời chồng chị nói?”. Đúng rằng, tiền bạc vô cùng quan trọng trong cuộc sống, và nguồn tài chính ổn định cũng là một trong những điều làm nên hạnh phúc gia đình. Nhưng ngoài tiền ra, còn rất nhiều thứ đàn ông cần phải san sẻ với phụ nữ và phụ nữ cũng cần phải đòi hỏi ở đàn ông nhiều hơn nữa. Bởi có người cùng làm việc nhà, phụ giúp chăm con cái mới không cô đơn.
Một người phụ nữ không làm nên một gia đình, mà cần phải có chồng và con cái. Vì vậy, nếu người chồng không xốc vác cùng vợ, thì làm sao gọi là gia đình được, mà hãy gọi là nhà trọ. Chồng về nhà trọ, vợ là bà chủ cho thuê nhà. Cuối tháng, trách nhiệm của người đi thuê là trả tiền cho chủ nhà.
Có bao nhiêu người phụ nữ muốn quanh quẩn làm việc nhà? (Ảnh minh họa)
Anh nói anh bận sự nghiệp, không thể phụ vợ làm việc nhà? Nhưng anh có biết, dù phụ nữ có thiên chức là chăm sóc gia đình nhưng đó hoàn toàn không phải trách nhiệm của một mình người vợ. Vợ anh có làm mọi việc hoàn hảo thì vẫn mong chờ người đàn ông của mình sẽ san sẻ cả những việc cỏn con với cô ấy. Anh không giúp cô ấy rửa cái bát, quét cái nhà, hay lau cái cửa kính, thì cũng nên giúp cô ấy vứt đôi tất của anh vào đúng chỗ, cũng bớt nằm như ông phỗng rồi sai phái. Cũng bớt lôi bạn bè về nhà bù khú để vợ hầu hạ tới đêm khuya. Tôi nghĩ, không có bà vợ nào thích thú khi bị chồng hạch họe và tỏ vẻ gia trưởng như vậy.
Ngoài ra, tôi thấy lương 30 triệu của anh không phải là cao, cũng không phải đủ tiêu xài thoải mái cho hai vợ chồng. Chắc anh không bao giờ nghĩ tới chuyện đưa vợ đi du lịch, mua sắm cái này cái nọ cho nhà cửa tiện nghi. Rồi còn tiền quà cáp biếu xén hai bên họ hàng nội ngoại. Tôi không hiểu anh đã từng làm việc này chưa? Hay anh chỉ biết đưa tiền cho vợ và kệ cô ấy "muốn làm gì thì làm"? Vậy thì 2 năm qua, vợ anh cũng là người "khéo co cho ấm" thật. Liệu rằng cô ấy có nghĩ mình không khác gì osin được trả lương nhưng vẫn phải phục vụ trên giường cho anh không?
Ở đây anh không nói về chuyện nhà cửa nên tôi cũng không biết hiện giờ anh ở biệt thự hay chung cư, xe máy 40 triệu hay ô tô 7 tỷ mà lại huênh hoang như vậy nên sẽ không bàn tới việc này.
Nhưng chẳng lẽ anh không nghĩ tới chuyện sau này có con, chi tiêu từ cái áo cái quần, rồi nào bỉm nào sữa, tiền sách vợ, học phí và đủ thứ lặt vặt khác? Với đồng lương 30 triệu nuôi ít nhất là một cặp vợ chồng và một con liệu có đủ? Đến lúc đó, anh có dám khẳng định rằng mình sẽ không chì chiết vợ vì không biết tằn tiện chi tiêu? Anh có dám thề mình sẽ không bao giờ xích mích với vợ về chuyện tiền bạc?
Phụ nữ hãy đòi hỏi đàn ông nhiều hơn nữa, đừng vò võ làm mọi việc một mình. (Ảnh minh họa)
Thêm nữa là, hiện tại anh cảm thấy anh yêu vợ vì vợ chiều chồng. Nhưng đến khi có con cái, vợ anh bận quay cuồng với con, thì ai sẽ là người chiều anh, ai sẽ là người ngồi nhà lật sách nấu ăn? Đến lúc đó, trông cô ấy nhếch nhác, người đầy mùi sữa và nước tiểu của con, anh có còn cảm thấy yêu? Bây giờ vẫn đang là thời điểm mới mẻ, vợ chồng trẻ. Nhưng thời gian còn dài, tương lai còn xa, anh cũng chưa phải đối mặt với những điều khó khăn, thử thách trong cuộc sống nên anh lạc quan và tự tin.
Vợ anh không đi làm, cô ấy có thể chịu được cảnh ngồi nhà được bao lâu? Nếu cô ấy đi chơi, giao lưu với bạn bè tối ngày, lâu dài thì anh có chấp nhận được không? Suy nghĩ vợ chỉ nên quanh quẩn ở nhà chăm lo cho gia đình, săn sóc bữa cơm, san sẻ lo âu với chồng của anh là suy nghĩ ích kỷ. Ích kỷ thì mới không muốn vợ có địa vị xã hội. Tôi thấy phụ nữ cần ra ngoài xã hội để làm việc, gặp gỡ những con người khác nhau. Dù lương ít hay nhiều thì cũng có chút kinh tế tài chính do bản thân làm ra. Không thể phụ thuộc rồi trở thành dây leo ăn bám chồng.
Đây là ý kiến cá nhân của tôi./.
Theo Trí thức trẻ