Nước Mỹ là nơi sản sinh các cuộc thi hoa hậu uy tín, lâu đời. Từ thế kỷ 20, hai đấu trường nhan sắc Miss USA và Miss America chiếm trọn sự quan tâm bởi quy mô tổ chức hoành tráng với dàn thí sinh toàn diện về sắc lẫn tài.

Dù đều mang nghĩa "Hoa hậu Mỹ", Miss USA và Miss America lại do hai đơn vị khác nhau tổ chức, tiêu chí khác nhau và người chiến thắng cũng đại diện cho vẻ đẹp khác nhau.

Các cuộc thi "sinh sau đẻ muộn" học hỏi quy chuẩn tổ chức từ hai đấu trường kể trên, nhưng có sự biến tấu để phù hợp với xu hướng thời đại.

Nói như vậy không đồng nghĩa Miss USA hoặc Miss America không đổi mới. Tuy nhiên, sự đổi mới của họ lại gây ra nỗi thất vọng cho người xem. Thực tế tuột dốc của hai sân chơi này thể hiện rõ trong vòng 5 năm nay.

Miss USA

Miss USA được tổ chức lần đầu tại Mỹ năm 1952. Người thắng cuộc sẽ đại diện quốc gia thi Miss Universe. Đến năm 2015, tỷ phú Donald Trump đã bán bản quyền Miss USA, Miss Universe và Miss Teen USA cho tập đoàn WME/IMG.

Đây cũng là thời điểm Hoa hậu Mỹ mất đi lượng khán giả trung thành.

Ở thời trước, có đến 8 Hoa hậu Mỹ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ vào các năm 1954, 1956, 1960, 1967, 1980, 1995, 1997 và 2012, đưa Mỹ trở thành nước giành chiến thắng nhiều nhất cuộc thi này.

Nhưng tới lúc WME/IMG nắm quyền, chuỗi ngày huy hoàng đã chấm dứt. Chỉ năm 2015, Miss USA Olivia Jordan giành vị trí cao ở Miss Universe (Á hậu 2). Các năm còn lại, đại diện xứ cờ hoa không lọt nổi top 5. Sarah Rose Summers - Miss USA 2018 - chỉ vào top 20 Miss Universe năm đó.

Confidently Beautiful (tạm dịch: vẻ đẹp tự tin) là khẩu hiệu mới nhất của Miss USA. Cuộc thi đề cao những cô gái giàu trí tuệ và ứng xử tốt, thay vì sở hữu chiều cao chuẩn mực với số đo ba vòng nóng bỏng như xưa. Tiêu chuẩn thay đổi gây ra sự hụt hẫng lớn trong cộng đồng sắc đẹp.

Vì sao 2 cuộc thi hoa hậu lớn nhất nước Mỹ bị ghẻ lạnh?-1
Những cô gái đăng quang Miss USA các năm gần đây không có ngoại hình hợp nhãn số đông. Ảnh: The Undefeated.

Vì cùng do WME/IMG tổ chức, Miss Universe cũng thay đổi theo hướng tương tự. Chuyện đó khiến Donald Trump phải thốt lên trong thất vọng: "Tôi đã bán cuộc thi với cái giá kỷ lục. Điều này đáng nhẽ không bao giờ nên xảy ra".

Theo thông tin mới nhất, Miss USA 2020 sẽ chỉ diễn ra trong vòng 8-9 ngày. Năm nay sẽ không có nhà tài trợ về tóc và trang điểm, các cô gái phải tự chuẩn bị khoản này. Lu Sierra - huấn luyện viên catwalk mọi năm, sẽ không đồng hành với cuộc thi.

Lần đầu tiên vòng phỏng vấn kín qua Zoom với ban giám khảo sẽ diễn ra trước thềm cuộc thi, tức vào tuần tới. Các thí sinh sẽ chia thành 2 nhóm đến thành phố Memphis, bang Tennessee từ ngày 1/11 để bắt đầu chinh chiến.

Ban tổ chức cho biết Miss USA 2020 đề cao vấn đề nhân quyền và hình ảnh phụ nữ da màu. Miss USA Cheslie Kryst và Miss Teen USA Kaliegh Garris sẽ đảm nhiệm phần này.

Đổi mới của cuộc thi gây tranh luận trái chiều. Người hâm mộ cho rằng đấu trường ngày càng xuống cấp khi nhà tài trợ lần lượt ra đi, cố vấn chuyên môn quay lưng.

Nhưng bên cạnh đó, một số người quan niệm vắng nhà tài trợ make-up sẽ giúp thí sinh thoải mái trang điểm theo phong cách riêng của mình.

Miss America

Miss America ra đời trước Miss USA 31 năm. Cùng với vương miện, hoa hậu nhận được phần học bổng giá trị lớn và sẽ thoải mái học ở bất cứ trường đại học danh tiếng nào mình muốn.

Theo Insider, Miss America ban đầu chỉ hoan nghênh những cô nàng tập trung vào con đường học vấn, là người da trắng và chưa từng kết hôn hoặc sinh con.

So về độ phủ sóng với Miss USA, Miss America "không có cửa". Dẫu vậy, bê bối trong cuộc thi này chẳng hề kém cạnh.

Hồi tháng 8, tờ New York Post đăng bài viết điểm lại hàng loạt bê bối trong lịch sử 100 năm của đấu trường Hoa hậu Mỹ, trong đó đề cập scandal hoa hậu từng bỏ trốn cùng bạn trai, từ chối mặc áo tắm, bị buộc phải đổi họ...

Năm 2018, đơn vị giữ bản quyền thông báo Miss America sẽ bỏ phần thi áo tắm kể từ năm 2019 để ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Như vậy, chỉ còn lại các vòng thi phỏng vấn kín, tài năng, trang phục dạ hội và ứng xử trên sân khấu.

Trong lúc một số thí sinh, khán giả ủng hộ quyết định này, xem đó là dấu hiệu của sự tiến bộ và thay đổi phương thức đánh giá phụ nữ, số khác không tán thành và nhận xét Miss America phiên bản mới thất bại vì kém hấp dẫn.

Điều đó cũng lý giải vì sao lượng rating Miss America chỉ đạt 4,34 triệu người theo dõi đêm chung kết cùng năm. Theo ABC, con số này giảm 19% so với năm trước và chạm mốc rating thấp nhất lịch sử chương trình kể từ năm 2009.

"Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trước cả #MeToo, lượng người xem Miss America cũng giảm mạnh. Những năm 1960 là thời hoàng kim của cuộc thi, thu hút hàng chục triệu khán giả. Nhưng đến giữa thập niên 2000, đấu trường này cùng Miss USA và Miss Universe dần bị ngó lơ", Forbes viết.

Vì sao 2 cuộc thi hoa hậu lớn nhất nước Mỹ bị ghẻ lạnh?-2
Sam Haskell thường xuyên giễu cợt cơ thể Miss America 2013 Mallory Hagan. Ảnh: Digital Spy.

Ồn ào xung quanh Miss America đâu chỉ vậy. Năm 2017, Giám đốc điều hành Tổ chức Hoa hậu Mỹ (Miss America Organization) Sam Haskell bị đình chỉ công tác vì rò rỉ email cho thấy ông cùng một số người khác chế giễu nhan sắc, trí tuệ và bình luận tục tĩu đời sống tình dục của nhiều cựu Hoa hậu Mỹ.

Trong đó, Mallory Hagan - Hoa hậu Mỹ 2013 - thường xuyên là nhân vật trung tâm của các cuộc tranh luận bệnh hoạn này.

Ở diễn biến khác, các người đẹp đăng quang năm gần đây bị phản đối. Camille Schrier, nhà khoa học 23 tuổi, vượt qua 50 đối thủ để trở thành Miss America 2020. Tuy nhiên, người xem không hài lòng vì cho rằng người chiến thắng thiếu tài năng giải trí như ca hát, nhảy múa...

Trên Twitter, một số bình luận nói rằng không thể nhớ rõ Schrier dù cô nàng tốt nghiệp loại xuất sắc của Virginia Tech với hai bằng Cử nhân Khoa học về Hóa sinh và Hệ thống Sinh học, và đang theo học Tiến sĩ Dược tại Virginia Commonwealth.

Hồi đầu tháng 5, Miss America 2021 tuyên bố cuộc thi dời sang năm sau do ảnh hưởng dịch Covid-19. Dẫu vậy, khán giả không bàn tán hay tỏ ra tiếc nuối. Chuyện đó cho thấy đấu trường ăn khách năm nào dần đối diện với sự ghẻ lạnh của công chúng.

Theo Zing