Sau khi trở về từ Thường Châu, hàng loạt cầu thủ nhanh chóng trở thành trụ cột ở cấp đội tuyển quốc gia cũng như CLB. Không tính những chấn thương “vặt” do đặc thù thi đấu đối kháng như lật cổ chân hay căng cơ, 6 cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài hạn.

Vì sao 6 cầu thủ lứa Thường Châu đều đứt dây chằng-1
Duy Mạnh phải nhờ đồng đội cõng rời sân sau trận Siêu cúp quốc gia. Ảnh: Quang Thịnh.

Chấn thương ở nhiều vị trí trên sân

Vũ Văn Thanh, người được cho là có nền tảng thể lực sung mãn nhất của U23 Việt Nam, đứt đây chằng chéo khi thi đấu cho HAGL. Đồng đội của anh, Lương Xuân Trường cũng bị tương tự.

Ở CLB Hà Nội, trước Đỗ Duy Mạnh và trung vệ Trần Đình Trọng. Hai trường hợp khác đến từ SLNA là Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức. Văn Đức còn liên tục dính những chấn thương liên quan đến việc tổn thương dây chằng và chưa thể thi đấu bình thường.

Cả 6 trường hợp nói trên đều gặp những vấn đề với dây chằng. Riêng Xuân Mạnh, anh đứt dây chằng cổ chân. 5 trường hợp còn lại đều bị đứt dây chằng chéo đầu gối. Bốn trong số đó gồm Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Đức và Đình Trọng chưa thể tìm lại phong độ đỉnh cao. Thậm chí, khả năng ra sân còn bị đặt dấu hỏi.

6 cầu thủ kể trên trải dài ba tuyến, từ hậu vệ đến tiền đạo. Điều đó cho thấy vấn đề của lứa cầu thủ này không nằm ở vị trí thi đấu. Bất cứ ai cũng có thể đứt dây chằng chéo trước.

Nếu Duy Mạnh chấn thương sau một pha va chạm, Đình Trọng lại tự làm khó mình với một pha xoay người, ở tốc độ không quá cao và có sự chủ động, nhưng kết quả vẫn là đứt dây chằng cấp độ ba. Từ đây, có thể thấy nguy cơ đứt dây chằng có thể đến từ bất cứ lý do gì, không nhất thiết phải có ngoại lực tác động.

Câu hỏi đặt ra là những vấn đề liên tiếp đến với lứa U23 Thường Châu là do đâu. Có thể chỉ ra 2 nguyên nhân căn bản là thi đấu quá nhiều dẫn đến quá tải và khả năng y tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu để thi đấu cường độ cao liên tục.

Vì sao 6 cầu thủ lứa Thường Châu đều đứt dây chằng-2
Đình Trọng đứt dây chằng chéo trước vì cú xoay người trên sân Pleiku. Ảnh: Thế Anh.

Thi đấu quá tải

Sau khi phẫu thuật gắp mảnh vỡ ở mu bàn chân, Đình Trọng có dấu hiệu tăng cân và được đội ngũ HLV của U23 Việt Nam ép tập giảm cân với những bài tập cường độ cao. Không lâu sau khi trở lại thi đấu, anh đứt dây chằng ở trận CLB Hà Nội gặp HAGL ở vòng 12 V.League 2019.

Tháng 1, trung vệ sinh năm 1997 chưa bình phục 100% vẫn phải xỏ giày vào sân tại vòng chung kết U23 châu Á 2020. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội phải lên tiếng bày tỏ lo ngại việc cậu học trò đối mặt với những hệ lụy cho việc thi đấu trở lại quá sớm sau chấn thương.

Với Duy Mạnh, theo thống kê từ Tranfermark, anh vào sân ở 49 trận đấu kể từ vòng chung kết U23 châu Á 2018. Những thống kê trên chưa hoàn toàn chính xác bởi một số trận đấu tập không chính thức hoặc chưa cập nhật dữ liệu. Ở giải giao hữu tại Malaysia hồi tháng 1, Duy Mạnh được cất trên băng ghế dự bị do không đảm bảo thể lực.

Trừ Xuân Mạnh, bốn cầu thủ còn lại đều nằm trong nhóm "cày ải" trên 2.000 phút trong vòng một năm trước thời điểm chấn thương cho đội tuyển quốc gia. Ở cấp CLB, họ cũng là những nhân tố chủ lực và hiếm khi vắng mặt.

Một ví dụ khác về việc thi đấu quá tải là Quang Hải. Anh thi đấu 120 trận kể từ đầu 2018. Tới trận gặp U22 Singapore tại SEA Games 30, anh rời sân vì chấn thương sau pha bóng không có va chạm quá mạnh.

Vì sao 6 cầu thủ lứa Thường Châu đều đứt dây chằng-3
Duy Mạnh rời sân bằng cáng ngay ở phút thứ 6 của trận Siêu cúp Quốc gia. Ảnh: Duy Anh.

Điều kiện y tế cấp CLB chưa đảm bảo

Khoa học thể thao nói chung, trong đó có việc chăm sóc y tế cho các cầu thủ, được xem là một phần quan trọng giúp họ chơi bóng bền bỉ. Tại Việt Nam, mỗi CLB chỉ có 1-2 bác sĩ chuyên trách cùng điều kiện cơ sở vật chất theo kiểu giật gấu vá vai.

Cho đến đầu mùa giải 2020, chỉ số ít đội bóng tại V.League có HLV thể lực cũng như chuyên gia phục hồi. CLB Viettel là đội hiếm hoi có cả hai người chuyên trách. Nhóm tuyển thủ của CLB này không mấy khi gặp vấn đề về sức khỏe. Tất nhiên, còn có nhiều yếu tố tác động như số trận thi đấu, cơ địa...

CLB Hà Nội sau một thời gian thử việc chuyên gia thể lực đang phải tìm hướng đi mới. Với HAGL, bác sĩ của đội bóng này còn có những chẩn đoán sai lầm, khiến chấn thương của Văn Thanh thêm nặng. May mắn cho hậu vệ người Hải Dương khi các vấn đề sớm được phát hiện và anh được đưa đi chữa trị.

Ở các nền bóng đá phát triển, lực lượng bác sĩ, chuyên gia thể lực và phục hồi luôn hùng hậu. Họ hoạt động dưới sự hỗ trợ của máy móc tiên tiến. Nhiều cầu thủ còn có riêng một chuyên gia theo sát và đưa ra những tư vấn bất cứ lúc nào.

Tại Việt Nam, khi lứa U23 Thường Châu đang vươn ra tầm châu lục, vấn đề y tế vẫn chưa kịp đáp ứng yêu cầu ở đẳng cấp cao. HLV Park Hang-seo từng than phiền về những vấn đề như dinh dưỡng, thể lực và cả phục hồi thể lực.

Ông bày tỏ mong muốn có đội ngũ chuyên trách nhằm đảm bảo các cầu thủ luôn ở trong trạng thái sung mãn nhất cho mỗi giải đấu. Vấn đề là ông thầy người Hàn Quốc chỉ được đáp ứng ở đội tuyển quốc gia.

Theo Zing