Không giống các ngành công nghiệp khác, việc làm giả các sản phẩm thời trang dễ dàng hơn rất nhiều, Vox nhận định. Nếu may mắn và các thiết kế được thay đổi nhiều so với bản gốc, việc đạo nhái có thể khó bị phát hiện. Trong trường hợp bị mang lên bàn cân, cả phía thương hiệu và người đạo nhái đều không có lợi.
Lâu nay, “ăn cắp chất xám” vẫn là đề tài nhức nhối trong giới thời trang nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. The Fashion Law cho rằng vấn đề nằm ở việc chưa có luật cụ thể, nghiêm khắc đối với tình trạng này.
Thế nào mới là đạo nhái?
Trước tiên, cần phải phân biệt giữa sự trùng lặp ý tưởng và đạo nhái trong thời trang. Nhiều người vẫn hiểu nhầm và quy chụp một nhà thiết kế khi nhìn thấy sáng tạo của họ có nhiều nét tương đồng với các nhà mốt quốc tế.
Nhà thiết kế trẻ Edda Gimnes từng cáo buộc Moschino nhái bộ sưu tập của mình.
Sự giống nhau trong thời trang vốn không phải là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, giữa trùng lặp ý tưởng và giống nhau gần như tuyệt đối là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt.
Một xu hướng giống nhau nhưng lại biến tấu và thể hiện bằng tư duy sáng tạo riêng, cùng các chi tiết khác lạ mang nhiều nét đặc trưng của nhà thiết kế được xem như trùng lặp ý tưởng hay học hỏi trong thời trang.
Nếu sự học hỏi và trùng ý tưởng có thể tạm chấp nhận khi điều này luôn xảy ra trong làng mốt thế giới, đạo nhái lại trở thành vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và nền nghệ thuật chân chính.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn từng chia sẻ khi bị cuốn vào vòng xoáy đạo nhái: “Tất cả sự vật, hiện tượng đều có tính kế thừa và phát huy dựa trên nền tảng sẵn có. Đừng bao giờ nhìn cái gì hao hao rồi cho nó là một, là giống nhau, là sao chép. Điều đó thể hiện bạn là người thiếu tinh tế và hạn hẹp về kiến thức".
Trong khi đó, đạo nhái hay còn gọi là "ăn cắp" thiết kế một mẫu trang phục đến 90% phiên bản gốc, từ chất liệu cho đến phom dáng, hay thậm chí kỹ thuật đính kết họa tiết. Phần lớn ý kiến của giới chuyên môn cho rằng đạo nhái là việc làm đáng lên án.
Thực tế, nguồn gốc của việc đạo nhái ý tưởng còn xuất phát từ chính ham muốn của nhiều người đẹp. Họ chạy theo những trang phục hợp mốt, xu hướng thế giới và bất chấp việc bản thân đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, một số người không hề biết mình mặc đồ nhái bởi stylist tự chuẩn bị trang phục cho họ.
"Nền kinh tế bắt chước" là cách gọi mỉa mai của Business of Fashion trong thời đại các hãng thời trang nhanh chuyên "nhái" đồ từ thương hiệu xa xỉ. Ảnh: Paul Price, Mango, Gucci, H&M, Chloé.
“Sao chép” và “truyền cảm hứng” - ranh giới mong manh
Nhiều người hay thắc mắc: “Thời trang có điều gì hấp dẫn với những kẻ làm giả?”. Thực tế, ngành công nghiệp thời trang bị chi phối bởi các xu hướng luôn thay đổi. Do đó, các thương hiệu thời trang phải liên tục đổi mới, tung ra các sản phẩm khác nhau để cố gắng duy trì.
Ngược lại, một số người bị ám ảnh bởi xu hướng nhưng vẫn muốn đi đôi với tiết kiệm. Họ tìm kiếm sự cân bằng hoàn hảo giữa xu hướng và giá cả. Đó chính là “nơi sinh sản” lý tưởng cho đạo nhái, The Fashion Law nhận định.
Những người “ăn cắp” thường sử dụng lý lẽ rằng sản phẩm mình làm ra không phải sao chép mà chỉ đơn thuần là lấy cảm hứng từ bản gốc.
Đây là tâm điểm của cuộc tranh luận về “sao chép” và “được truyền cảm hứng”, chúng rất khó để phân biệt.
Các tác phẩm của những nhà thiết kế trẻ mới nổi thường dễ bị "ăn cắp".
Bạn có thể diện một bộ trang phục đạo nhái lộng lẫy nhưng không hề biết đằng sau là cả một quá trình về sự tìm tòi, sáng tạo, lên ý tưởng trước khi ra đời sản phẩm gốc.
Lỗi sai cũng không hoàn toàn nằm ở họ khi chính quan niệm làm nghề dễ dãi của các nhà thiết kế khiến vấn nạn này chưa có điểm dừng. Họ luôn biện minh những mẫu trang phục bị tố đạo ý tưởng là theo đơn đặt hàng của khách và bắt buộc phải thực hiện.
Thiệt hại
Forbes từng cho rằng người làm giả thiết kế là một trong những tội phạm lớn nhất thế giới. Ở các nước đang phát triển, vấn đề nằm ở việc “sợi dây vô hình” được đặt ra giữa sự phổ biến của thương hiệu nổi tiếng và người dân không đủ khả năng mua những sản phẩm đắt đỏ.
Khái niệm “bản sao đầu tiên” rồi thứ hai, thứ ba… là dành cho những người muốn có bộ đồ đắt tiền giống hệt sản phẩm của thương hiệu đang thịnh hành. Không chỉ là hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, nó còn khiến danh tính thương hiệu đi xuống cũng như gây ra tổn thất thương mại đáng kể.
Chủ sở hữu đích thực của các thiết kế đã lao động, sáng tạo và thực hiện công phu, trải qua bao nhiêu bước mới có một bộ sưu tập hoàn hảo. Trong khi đó, một số cá nhân lại “tham khảo” để cho ra đời bộ váy lỗi, hạ thấp giá trị thương hiệu gốc.
Tình trạng đạo nhái đang càng trở nên trầm trọng khi các hãng thời trang nhanh liên tục "sao chép" y nguyên thiết kế cao cấp.
Hành động này có thể không làm cho một số người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc nhái tác phẩm từ nhà thiết kế gốc và trưng bày chúng như của riêng mình là hành động trái đạo đức.
Ở một số quốc gia châu Âu, các thiết kế thời trang có thể được bảo hộ và thương hiệu đạo nhái bị đưa ra tòa. Ở Vương quốc Anh, quyền tác giả đối với một thiết kế được bảo hộ trong 70 năm. Trong khi ở Pháp, thời hạn bảo hộ là 100 năm.
Ngoài thương hiệu gốc, việc đạo nhái cũng gây ảnh hưởng nhiều đến hai hoặc ba bên liên quan khác. Người nổi tiếng bị “bóc” mặc đồ nhái trên mạng xã hội có thể mất các hợp đồng quảng cáo, thậm chí bị “tẩy chay”.
Stylist có liên quan cũng bị gắn mác “chuyên làm đồ nhái cho sao mặc”. Nhà thiết kế nhận đơn theo yêu cầu của stylist lại dễ đánh mất cả sự nghiệp, không được tin tưởng.
“Sản phẩm giả, ngay cả khi chúng trông giống thật cũng chẳng thể tốt bằng hàng chính hãng”, đó là kết luận của Red Points.
Theo Zing