Cây Táo Nở Hoa lên sóng đầu tháng 4, xoay quanh những biến cố xảy đến với năm anh em nhà người thợ sửa xe máy tên Ngọc (Thái Hòa). Vì mẹ bỏ đi, bố bê tha tối ngày, từ thuở niên thiếu, Ngọc đã phải làm lụng vất vả nuôi lớn bốn em.
Đến giờ, anh và vợ vẫn tay trắng hoàn trắng tay vì những đứa em ngỗ ngược.
Gia đình “vỡ chợ”
Bộ năm Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Dư của Cây Táo Nở Hoa minh họa cho câu thành ngữ “Bàn tay có ngón ngắn ngón dài”. Đều là anh em do cùng một mẹ, nhưng lớn lên mỗi người một tính.
Ngọc bao dung, cần cù, chịu khó. Ngà (Trương Thế Vinh) lười biếng, tham ăn lại dại dột tin người.
Gia đình Ngọc, Hạnh cùng các em thường xuyên cãi vã ồn ào như vỡ chợ.
Hai cô em gái sinh đôi Châu (Thúy Ngân) và Báu (Nhã Phương) khắc khẩu như mặt trăng, mặt trời. Châu có chí tiến thủ, chăm chỉ và nghiêm túc bao nhiêu thì Báu phù phiếm, ỷ lại và hay tị nạnh bấy nhiêu. Cuối cùng, cậu em út tên Dư từng vào tù ra tội sống thầm lặng như cái bóng trong gia đình.
Về làm dâu nhà Ngọc, Hạnh (Hồng Ánh) phải một tay cáng đáng gian san nhà chồng - chính là bốn đứa em quý hóa của anh. Châu và Dư đã đỡ đần được cho gia đình. Ngược lại, Ngà và Báu không những vô công rồi nghề, miệng ăn núi lở mà còn thường xuyên cờ bạc nợ nần.
Mâu thuẫn trong gia đình nhỏ nảy sinh từ cái cảnh người làm kẻ phá ấy. Trong 9 tập phim đã lên sóng, khán giả chứng kiến không ít màn cãi vã nảy lửa giữa các thành viên trong gia đình Ngọc.
Châu và Báu giật tóc xé áo như kẻ thù, vợ chồng Ngọc và Hạnh cãi nhau nảy lửa, Hạnh mắng hai đứa em chồng, Dư to tiếng với Ngọc, Ngọc quát tháo Báu…
Trung bình, mỗi tập Cây Táo Nở Hoa có ít một cảnh cãi vã. Nhân vật to tiếng từ chuyện vụn vặt chẳng đâu vào đâu cho tới những vấn đề nghiêm trọng, đã tồn tại hàng chục năm nay và chẳng thể giải quyết một sớm một chiều.
“Thương cho roi cho vọt”
Trong thế giới của Cây Táo Nở Hoa, các nhân vật vẫn nói được với nhau một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng. Nhưng đa số cuộc chuyện trò kiểu ấy đều chỉ là sự đấu dịu, lảng tránh khỏi trọng tâm vấn đề mà một trong hai muốn làm rõ.
To tiếng là cách duy nhất để các nhân vật trong "Cây Táo Nở Hoa" được giãi bày tâm sự.
Chỉ trong những trận cãi vã không hồi kết, Ngọc, Hạnh, Ngà, Châu, Báu, Dư mới thực sự “đối thoại”. Từ đối thoại được hiểu theo nghĩa cả hai bên chủ động tham gia vào câu chuyện, sẵn sàng nói về các vấn đề của bản thân và bộc lộ suy nghĩ của mình.
Người Việt được dạy phải dĩ hòa vi quý. Nhưng sự bình thản ngoài mặt đôi khi khiến người ta bị dày vò, đau khổ hơn quyết tâm “lành làm gáo, vỡ làm muôi”.
Với một gia đình có tới hai kẻ vô liêm sỉ như Ngà và Báu cùng người trụ cột gia đình nhu nhược là Ngọc, một điều nhịn không khiến chín điều lãnh xảy ra. Nó chỉ càng dung túng, khiến thói hư tật xấu của mỗi người thêm tồi tệ.
Do đó, mỗi trận cãi vã trong Cây Táo Nở Hoaa đều giúp các nhân vật có cơ hội bộc lộ bản thân, giải tỏa nỗi bức xúc chất chứa bấy lâu và cho thấy cả những tổn thương họ phải gánh chịu.
Với Hạnh, người phụ nữ phải hầu hạ em chồng suốt 18 năm, cơn bùng nổ cảm xúc trong tập 7 và tập 8 là cơ hội duy nhất để chị được nói về mình, tuôn ra nỗi uất ức vẫn nuốt ngược vào trong suốt bao năm qua. Khoảnh khắc bùng nổ của Hạnh được nhiều người xem đồng cảm.
Trong tập 1, vai Báu của Nhã Phương gây cười vì điệu bộ lố lăng và tính tình đành hanh. Càng về sau, cô càng lộ rõ bản chất nông cạn, ích kỷ và đố kỵ mù quáng. Vì ghen tị với Châu, Báu sẵn sàng đâm sau lưng chị. Để không bị đuổi khỏi nhà, Báu hỗn hào, dựng chuyện trách cứ chị dâu.
Tuy nhiên, qua những lần lớn tiếng với anh chị, nhân vật khiến người xem không khỏi thương hại. Báu ở hiện tại có thể là nạn nhân của lối sống ăn bám và sự đố kỵ đã ăn vào máu.
Nhưng mầm mống của tật xấu ấy lại đến từ những ngày thơ bé thiếu thốn, không được bố mẹ nuôi dạy đàng hoàng.
Đến lúc nào phim “hạ âm lượng”?
Từ trước đến nay, tranh cãi thường được gắn với khoảnh khắc giọt nước tràn ly. Những cuộc khẩu chiến trên màn ảnh thường dẫn tới kết thúc đổ vỡ, để từ đó nhân vật chuyển mình.
Nói cách khác, trong dàn bài kinh điển của phim ảnh, tranh cãi là một điểm cao trào quan trọng, không thể sử dụng tràn lan.
Chừng nào Báu và Ngà chưa lớn, khán giả còn nhức đầu vì những màn cãi vã trong "Cây Táo Nở Hoa".
Tuy nhiên, trong Cây Táo Nở Hoa, cãi vã đã trở thành bản sắc của gia đình Ngọc. Nhân vật to tiếng thường xuyên như ăn cơm, uống nước hàng ngày.
Việc chứng kiến nhân vật gào vào mặt nhau, từ điều hay lẽ thiệt cho tới thứ lý luận ngang như cua bò, khiến nhiều khán giả cảm thấy mỏi mệt, nản chí và không muốn tiếp tục theo dõi tác phẩm.
Lúc này, sự ồn ào thương hiệu trở thành rào cản, ngăn tác phẩm bộc lộ chiều sâu trong cốt chuyện, tâm lý, tính cách và bi kịch mà mỗi nhân vật đang chất chứa.
Nếu đối thoại thiên về lý trí, thì cãi vã bị thúc đẩy bởi cảm xúc. Thực tế, không ai muốn nhìn thấy cảm xúc chủ quan của một người lên tiếng thay vì lý trí của họ. Lớn tiếng luôn là hạ sách.
Chính vì thế, nhân vật cứ liên tục to tiếng vô tình tạo ấn tượng Cây Táo Nở Hoa nông cạn, tập trung quá nhiều vào lòng tham, sự đố kỵ và những bế tắc trong cuộc đời mỗi nhân vật mà không chỉ ra được hướng giải quyết.
Tới hết tập 9, Ngọc mới tìm được dũng cảm để một lần nói không với Ngà và Báu, chấm dứt chuỗi cãi vã xoay quanh chuyện ăn nhờ ở đậu của đàn em. Đây có thể coi là bước tiến lớn trong cốt truyện.
Từ đây, Ngà và Báu sẽ không còn ai cung cấp chỗ ở hay nuôi ăn miễn phí. Sự tự lập mang tính cưỡng chế như chất xúc tác buộc hai “con lười” phải động não suy nghĩ, bắt tay vào lao động. Sự thay đổi về nếp sống ấy tất yếu dẫn tới phát triển về tâm lý.
Những va vấp trong chặng mới của cuộc đời sẽ mang lại cho Ngà và Báu nhiều trải nghiệm, giúp họ trưởng thành và biết suy nghĩ thấu đáo hơn. Gắn liền với bước phát triển mới trong tâm lý này chắc chắn sẽ là thay đổi trong thái độ.
Một khi đã biết nghĩ, biết thấu hiểu và sẻ chia, chắc chắn những lần cãi vã giữa Báu và Châu sẽ ít đi, còn gia đình Ngọc và Hạnh sẽ gương vỡ lại lành khi nguyên nhân gây bất hòa được gỡ bỏ.
Cây Táo Nở Hoa nhận nhiều phản hồi tích cực vì câu chuyện đa dạng, hấp dẫn, pha trộn hài hòa yếu tố chính kịch với thể loại hài kịch. Trên màn ảnh, khán giả được thấy nhiều vấn đề, thuộc về nhóm nhân vật ở các độ tuổi khác nhau đan xen, cùng hiện diện.
Lớp người già với nỗi lắng lo cho con cho cháu, lớp người trưởng thành với bao nỗi lo cơm áo gạo tiền và hạnh phúc lứa đôi, tuổi mới lớn với nhiều bất ổn trong suy nghĩ và hành động…
Hy vọng trong tương lai, khi những cãi vã bề mặt lắng xuống, các nhân vật đều có thêm không gian và thời gian để phát triển tâm lý theo chiều sâu, phim sẽ chiêu đãi khán giả những câu chuyện ấm áp, giàu tình nhân văn giữa người với người và giữa các anh chị em trong cùng một gia đình.
Theo Zing