Ngày 27/2, trong khuôn khổ kênh trao đổi thường xuyên với các cơ quan y tế của Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến (teleconference) với Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Y tế & Dịch vụ nhân sinh Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng”.

15 ngày không có ca mới, tình hình dịch được kiểm soát tốt

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết cách đây không lâu, CDC Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Mức cảnh báo này có nghĩa là Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm bệnh trong cộng đồng mặc dù người bệnh không đến vùng dịch tễ như trường hợp ở Khánh Hoà, Vĩnh Phúc.

Bác sĩ Nam cho rằng chúng ta đã kiểm soát nhanh, cô lập các trường hợp tiếp xúc với người bệnh. Từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam chúng ta không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh mới. Điều đó đã giúp CDC Mỹ quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus corona chủng mới (Covid-19) ra cộng đồng.

Vì sao CDC Mỹ đưa VN khỏi danh sách có nguy cơ lây nhiễm Covid-19?-1
Ông Mitchell Wolfe, Chuyên gia Y tế trưởng, Văn phòng Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC). Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mỹ.

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng cho biết: "Không phải bỗng nhiên Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng".

Để có quyết định này, CDC đã khảo sát, từ đó, đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm này sẽ căn cứ các chỉ số thống kê về dịch tễ học, các thành công trong phòng chống và điều trị của Việt Nam.

Ngoài ra, động thái này còn cho thấy khả năng kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng của nước đang ở mức tốt. CDC đánh giá cao năng lực quản lý, phòng chống dịch bệnh của Việt Nam.

Không chủ quan vì dịch diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trần Nam cho rằng chúng ta không nên chủ quan vì hiện nay, tình hình nhiễm bệnh tại các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản đang diễn biến phức tạp. Việc đi lại, giao thương giữa các nước có thể làm tăng nguy cơ nghi ngờ, nhiễm bệnh.

“Chúng ta vẫn cần chống dịch trên tinh thần chủ động, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh và chủ động cách ly khi đi về từ vùng dịch tễ hoặc tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh. Đặc biệt, chủ động, trung thực khai báo y tế, tuân thủ cách ly để bảo vệ bản thân, gia đình và ý thức trách nhiệm với cộng đồng”, bác sĩ Nam nói.

Nhận định về lịch sử chống dịch của Việt Nam, bác sĩ Vũ Xuân Phú cho hay: "Chúng ta đã thành công trong nhiều đợt phòng, chống dịch trước đây. Bởi những biện pháp can thiệp của chúng ta phù hợp với tính thực tiễn của Việt Nam, căn cứ vào đặc tính của virus cũng như các mô hình bệnh tật của mỗi quốc gia, điều kiện cơ sở vật chất y tế...".

Đối với dịch Covid-19, ông Phú cho hay Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo về phương hướng. Những phân tích về xu hướng dịch, can thiệp về chuyên môn về phòng, chống, điều trị do cơ quan y tế tham mưu. Ngành y tế đã tham mưu đúng, kịp thời và đạt được những kết quả bước đầu.

Các mức báo động được Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) phân loại:

- Cảnh báo cấp 3 (màu đỏ) - tránh du lịch khi không cần thiết: Các quốc gia nằm trong danh sách này bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc (không bao gồm Hong Kong, Ma Cau và Đài Loan) và Venezuela. CDC khuyến nghị du khách nên tránh đi đến các quốc gia này khi không cần thiết.

- Cảnh báo cấp 2 (màu vàng) - thực hành các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan: Các quốc gia nằm trong mức cảnh báo này bao gồm: Italy, Iran, Nhật Bản và các quốc gia bùng phát bệnh truyền nhiễm khác nằm trong khuyến cáo là bại liệt ở châu Phi, châu Á; Ebala ở CHDC Congo, sốt vàng ở Nigeria, rubella ở Nhật Bản.

- Cảnh báo cấp 1 (màu xanh lá cây) - thực hành các biện pháp phòng ngừa thông thường: Các quốc gia nằm trong danh sách này đang bùng phát một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết ở châu Mỹ, virus mới ở Hong Kong, não mô cầu ở Đức, thuỷ đậu ở Nigeria và CHCD Congo, sốt thương hàn ở Pakistan, sốt rét ở Burundi…

 

 

 

Theo Zing