Đậu hũ thối (stinky tofu/chou dofu) là một loại đậu hũ được ủ lên men, từ đó mới có mùi khó ngửi. Đây là món ăn vặt đường phố phổ biến, giá rẻ ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Indonesia.

Khi đến du lịch ở những nước này bạn có thể dễ dàng thấy người ta cầm xiên, hộp... chứa đậu hũ thối chiên hoặc chưa cần thấy cũng biết gần đó có bán đậu hũ thối, vì mùi này khá nặng.

Đúng như tên gọi, "đậu hũ thối" rất... thối, nó có mùi giống bắp cải hoặc phân bón thối rữa. Nhưng vì sao hương vị không được “quyến rũ” này lại trở thành tinh hoa của ẩm thực Đài Loan, là món ăn đường phố được nhiều người thích?

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-1
Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại là món ăn đường phố được nhiều người thích?

Nguồn gốc của món đậu hũ thối

Tương truyền, đậu hũ thối ra đời một cách rất ngẫu nhiên. Vào đời vua Khang Hy, có một thư sinh nghèo, bán đậu hũ ở kinh thành để kiếm sống qua ngày trong lúc chờ đến năm sau... thi lại. Tuy nhiên, đậu hũ không bán chạy lắm vào mùa hè nên anh đành cắt nhỏ, bỏ vào chum và ướp muối để bảo quản.

Vài ngày sau, khi nếm thử món đậu hũ "ủ chum" đó thì anh học trò lại thấy món này hấp dẫn lạ lùng. Từ đó, món đậu hũ thối lan khắp kinh thành tới tận ngày nay dù có mùi khó chịu.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-2
Đậu hũ thối là đậu phụ thường lên men rất nặng mùi.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-3
Ngày này, đậu hũ thối đã trở thành món ăn vặt phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan...

Dù nặng mùi nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao

Mang trên mình mùi vị khó ngửi thế nhưng đậu hũ thối không những không độc mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, món ăn này có hàm lượng vitamin B2 và B12 rất cao, giúp phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già.

Ngoài ra, hàm lượng protein trong đậu phụ thối khá cao, chiếm khoảng 15-20%, tương đương với nhiều loại thịt.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-4

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), đậu hũ thối có khoảng 15 loại lợi khuẩn tương tự như trong sữa chua, tốt cho hệ tiêu hóa.

Thực phẩm này còn chứa lượng canxi phong phú. Chưa kể, các chất protein trong đậu hũ thối sau khi lên men chuyển hóa thành các loại axit amin, có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa.

Đặc biệt, đậu hũ thối còn có tác dụng chữa bệnh. Theo sách Đông Y cổ, đậu hũ thối mang tính hàn nhưng ích khí, có tác dụng điều hòa tỳ vị, giảm chướng bụng đầy hơi, thanh nhiệt tán huyết, giúp thải độc cho đại tràng.

Tuy nhiên, cái gì ăn nhiều cũng không tốt. Trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-5

Thêm nữa, do tính chất lên men nặng nên quá trình chế biến đậu hũ thối dễ bị vi khuẩn xâm nhập, dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Ở mỗi vùng miền, quốc gia lại có những cách chế biến đậu hũ thối khác nhau. Những miếng đậu hũ thối này có thể đem chiên, nướng hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món ăn khác. Đậu hũ thối chiên ngập dầu khá phổ biến, thường được ăn kèm với tương ớt, tương đen, kim chi...

Khi du lịch Đài Loan, bạn sẽ được gợi ý để thử hương vị đặc trưng của món đậu hũ thối. Bạn sẽ thấy chúng có lớp vỏ ngoài vàng rụm đang rán giòn, bên trong mềm, mịn và có vị béo béo cùng một chút cay cay. Tất cả đã tạo nên một hương vị đặc trưng không thể lẫn của món đậu hũ thối Đài Loan.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-6
Đậu hũ thối của Đài Loan có vị bùi bùi béo béo.

Vì sao đậu hũ thối khó ngửi nhưng lại thành đặc sản yêu thích-7
Nếu có dịp tới Đài Loan du lịch bạn nhớ nhất định phải thử món đậu hũ thối này một lần nhé!

Theo SaoStar