Trong vài tuần sau khi trở thành CEO mới của Twitter, Elon Musk đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên. Nhưng kể từ khi mua lại công ty vào ngày 27/10, Musk vẫn chưa chính thức nói chuyện với phần lớn nhân viên ở lại Twitter.
"Bất kể hình thức giao tiếp nào về bất kỳ điều gì trung thực nên là bước đầu tiên, nhưng không ai nghe thấy điều gì cả", một nhân viên Twitter làm việc tại New York nói với tạp chí Fast Company.
Tối 9/11, Musk quyết định sửa chữa điều này bằng cách gửi email đầu tiên đến các nhân viên của Twitter. Trong email, CEO nói về thời kỳ khó khăn của công ty và phát lệnh cấm làm việc tại nhà.
Bên cạnh nội dung không mấy vui vẻ, email gây tranh cãi khi được gửi vào lúc 2h30, khoảng thời gian mà hầu hết nhân viên của Musk đều đang ngủ say.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Musk đưa ra một thông báo quan trọng cho nhân viên của mình vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng. Sở thích gửi email trong giờ nghỉ của vị tỷ phú từ lâu đã bị chỉ trích là thiếu chuyên nghiệp và không phải cách giao tiếp khôn khéo với cấp dưới.
Gửi email lúc nhân viên đang ngủ
Một số nhân viên của Twitter cho biết họ nhận được email sa thải của công ty vào tối 4/11 khi đang ngủ và không thể đăng nhập nhóm làm việc trên Slack vào sáng hôm sau.
"Thức dậy mà không có quyền truy cập slack/gmail/office và máy tính xách tay bị khóa từ xa. Bị sa thải mà không có email xác nhận khi đang ngủ?", Jaseem Abid, cựu nhân viên Twitter, chia sẻ bức xúc.
Không chỉ riêng đối với Twitter, Elon Musk cũng thích gửi email lúc nửa đêm đối với các nhân viên của mình tại Tesla.
Theo Wall Street Journal, tháng 2/2019, các nhân viên của Tesla đã nhận được thông báo về việc công ty cắt giảm nhân sự vào lúc 1h20 (theo múi giờ ở California, nơi Tesla đặt trụ sở).
Hồi tháng 6, Musk tiếp tục gửi email đến nhân viên Tesla vào giờ nghỉ ngơi, cụ thể là lúc 22h50. Nội dung email yêu cầu các nhân viên phải làm việc ít nhất 40 giờ/tuần trong văn phòng.
Giải thích về sở thích gửi email lúc nửa đêm của Musk, André Spicer, trưởng khoa và là giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Bayes, Đại học London, nói rằng vị tỷ phủ có thể đang cố gắng gửi đi một thông điệp.
"Rõ ràng đó là biểu tượng cho thấy ông chủ luôn làm việc bất kể ngày đêm và nhân viên cũng được kỳ vọng như vậy", Spicer nói.
Musk được mệnh danh là "CEO nghiện việc nhất thế giới" khi từng tuyên bố mình làm việc 120 giờ/tuần và chưa có một tuần nghỉ ngơi nào kể từ trận sốt rét năm 2001.
Không chỉ dừng ở việc gửi email lúc nửa đêm, vị tỷ phú này thậm chí từng bất ngờ yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà máy của SpaceX họp khẩn cấp lúc 1h, theo Ars Technica.
Nhân viên bức xúc
Dù ý định của Musk là gì, đa số nhân nói nói rằng email lúc nửa đêm không được chào đón. Một nhân viên tại văn phòng Bờ Tây của Twitter nói rằng email, và đặc biệt là thông báo nhân viên quay lại văn phòng, đã khiến mọi người suy sụp.
"Ông ấy đang hủy diệt nơi này và chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho Twitter".
Các nghiên cứu cho thấy email sau giờ làm thúc đẩy cảm giác rằng một tin nhắn liên quan tới công việc có thể đến bất cứ lúc nào, bất kể thời gian trong ngày hay ngày nghỉ trong tuần. Điều này khiến người lao động gia tăng lo lắng, giảm chất lượng giấc ngủ và giảm mức độ hài lòng trong công việc.
Một nhà nghiên cứu của Virginia Tech, gọi đây là "căng thẳng có thể đoán trước được", chỉ cảm giác luôn mường tượng mình nhận được email công việc vào giờ nghỉ, ngay cả khi email đó không tồn tại.
Theo một nghiên cứu của Organizational Behavior and Human Decision Processes, các nhà quản lý sử dụng điện thoại cho mục đích làm việc sau 21h nhận thấy bản thân kiệt sức vào buổi sáng, bắt đầu một chu kỳ nguy hiểm: mất tập trung vào ban ngày nhưng cố nhồi nhét công việc vào ban đêm.
Email công việc lúc đêm khuya là vấn đề nhạy cảm trong thời gian dài. Tuy nhiên, với sự gia tăng của quyền ngắt kết nối, việc sếp gửi email hay nhắn tin cho nhân viên vào giờ nghỉ đang bị coi là bất hợp pháp ở nhiều nơi.
Bồ Đào Nha cấm nhà tuyển dụng liên lạc với nhân viên sau giờ làm. Pháp đã thông qua một luật tương tự cho phép nhân viên bỏ qua các email công việc được gửi sau giờ làm việc vào năm 2017.
Philippines, Italy, Slovakia và gần đây nhất là Ontario (Canada) cũng ban hành quy định về quyền ngắt kết nối để phân tách công việc và cuộc sống của người lao động.
Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng không dễ để thông qua luật tương tự.
Olivia Martindale, Giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư bất động sản FixedProperties, nói: "Bất cứ khi nào nói về tính khả thi của việc thông qua một đạo luật ở Mỹ, bạn phải cân nhắc xem luật tác động đến các lãnh đạo doanh nghiệp nhiều hơn dư luận. Sẽ rất khó khăn để thông qua một đạo luật hạn chế như vậy. Nhiều người coi nó là mối đe dọa đối với lợi nhuận".
Còn theo Phil Strazzulla, người sáng lập SelectSoftware Reviews, mặc dù không có luật nào về cân bằng công việc/cuộc sống, điều đó không có nghĩa là nhân viên không thể tự thương lượng.
"Trên thị trường việc làm hiện nay, người tìm việc chiếm thế thượng phong. Tình trạng thiếu nhân công đã xảy ra ở hầu hết mọi ngành, vì vậy, là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ phải thay đổi tích cực nếu muốn có được những nhân tài tốt nhất. Tôn trọng cuộc sống gia đình, cá nhân của nhân viên là một cái giá nhỏ phải trả để có được những người tài giỏi nhất trong công ty của bạn", Strazzulla giải thích.
Theo Zing